Trước khi bỏ việc để bắt tay làm ăn, bạn cần phải xem lại những sai lầm có thể mắc phải này trong quá trình khởi nghiệp.
Thành công lớn lao của các startup như Alibaba hay Uber đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người đang nuôi giấc mơ khởi nghiệp, dù là đang ở thung lũng Silicon hay TPHCM. Tuy nhiên, trước khi quyết định bỏ việc để bắt tay khởi nghiệp, bạn cần phải ý thức được những sai lầm và trở ngại mà mình có thể mắc phải.
Quỹ Golden Gate Ventures,vốn chuyên đầu tư vào giai đoạn đầu của các startup Đông Nam Á, đã hợp tác với trường kinh doanh INSEAD để phát hành một báo cáo nêu ra những trở ngại đối với các nhà sáng lập.
Các startup hiện nay có thể tiếp cận nhiều nguồn vốn đầu tư hơn trước đây, dẫn đến mức định giá quá cao. Điều này không phải lúc nào cũng tốt, vì nó dễ dẫn đến sự tự tin thái quá đối với cả nhà sáng lập và nhà đầu tư.
"Giới đầu tư phi truyền thống, chẳng hạn như các công ty quản lý tài sản tư nhân, có xu hướng chấp nhận những mức định giá cao, không như các nhà đầu tư mạo hiểm thường chỉ bỏ ra những khoản tiền nhỏ", Vinnie Lauria, đối tác sáng lập của Golden Gate Ventures cho CNBC biết.
Báo cáo của Golden Gate và INSEAD đã phân tích một nhóm startup trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech và dịch vụ phần mềm tại Mỹ và Trung Quốc từng huy động được 5 triệu USD trở lên để chỉ ra lý do thất bại của họ.
1. Vận hành không hiệu quả
Vốn dồi dào và được định giá quá cao có thể làm lu mờ quá trình đưa ra quyết định của nhiều startup, khiến họ đưa ra những quyết định đầu tư không khôn ngoan, thiếu hiệu quả và thất bại trong việc giành thị phần.
2. Sản phẩm không hợp thị trường
Báo cáo lưu ý tới trường hợp của công ty Blippy, một startup cho phép người dùng công khai thông tin thẻ tín dụng và ghi nợ của họ trên một dạng mạng xã hội. Tuy vậy, tính năng này đã không thích hợp với phần đông người dùng do những lo ngại về việc công khai những thông tin tài chính nhạy cảm.
Do các nhà đầu tư thường xuyên rót vốn vào dựa trên tiềm năng trong tương lai chứ không phải những gì đã đạt được, họ có thể dễ dàng bị thuyết phục bởi những nhà sáng lập khéo ăn nói và biết thu hút sự chú ý. Lauria cảnh báo: "Các CEO rất biết cách thổi phồng để thu hút niềm tin".
3. Thiếu hiểu biết về thị trường
Startup Trung Quốc Gaopeng ra mắt năm 2011 là một website mua theo nhóm giúp khách hàng giao dịch với các cửa hàng địa phương, tương tự như Groupon. Groupon nắm 50% cổ phần Gaopeng, còn Tencent sở hữu phần còn lại.
Báo cáo cho hay, một lý do khiến Gaopeng không thành công là do đội ngũ ra quyết định thiếu sự thấu hiểu thị trường Trung Quốc. "Groupon khăng khăng đòi gửi email hàng loạt để marketing, mặc dù đã được cảnh báo rằng người Trung Quốc ít khi đọc các email dạng đó", báo cáo nói.
4. Sản phẩm nghèo nàn và thiếu cạnh tranh
Cạnh tranh khốc liệt là một lý do khác khiến Gaopeng vật lộn tại Trung Quốc: từng có lúc hơn 5.000 website mua theo nhóm cùng hoạt động tại Trung Quốc.
Sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến cho hầu hết số doanh nghiệp này sụp đổ, với chỉ hơn 10 website còn tồn tại đến ngày nay và phần lớn thị trường bị thống trị bởi ba công ty.
5. Định giá quá cao
Việc định giá chính xác tiềm năng tương lai của một startup là khá khó và thường bị tác động bởi nhiều yếu tố: thông tin nhiễu loạn, ý kiến chủ quan, thời gian tìm hiểu,...
Lauria cho biết thêm rằng khá nhiều startup ở Mỹ và Trung Quốc hoạt động khá lâu rồi mới niêm yết, điều này khiến họ được định giá cao hơn trước khi chịu sự giám sát của thị trường.
Báo cáo kết luận các sai lầm trong việc điều hành (operations) và có sản phẩm không phù hợp thị trường là những lý do chủ chốt vì sao rất nhiều startup thất bại. "Sự kiêu ngạo của ban điều hành" cũng là một nguyên nhân khác được đề cập.
Theo NCĐT
0 comments:
Đăng nhận xét