Những sếp bận rộn, tự phụ, quá thân thiết hoặc hờ hững đều sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và năng suất lao động của nhân viên.
Theo khảo sát mới nhất của hãng dịch vụ tuyển dụng LaSalle Network với hơn 1.000 người, 84% khẳng định sếp của họ thật sự kinh khủng. 43% nghỉ việc vì sếp. Và 59% cho biết sẽ ở lại nếu họ có thể báo cáo công việc của mình với một người khác.
Lãnh đạo không tốt ảnh hưởng rất lớn đến cả năng suất lao động và tinh thần của nhân viên. Tuy vậy, không phải ai cũng may mắn có lãnh đạo như ý. Theo CNBC, dưới đây là những kiểu sếp tệ nhất và cách đối phó với họ.
1. Người tự phụ
Nhân viên không phải là mối quan tâm của những lãnh đạo kiểu này. Thay vào đó, họ chú tâm đến việc quảng cáo bản thân nhiều hơn. Họ có một niềm tin mãnh liệt rằng mình là người hoàn hảo và điều duy nhất họ muốn nghe là những lời tán dương. Họ sẽ nhận hết thành tích về mình khi việc đạt kết quả và giơ tay chỉ trỏ khi mọi việc có vấn đề.
Cách đối phó: Nếu bạn vui vẻ với vị trí hiện tại và muốn ở lại công ty này, hãy làm vui lòng những người sếp này. Hãy làm theo những nguyên tắc của họ và góp ý thật tinh tế. Mỗi lần họ đưa ra lời khuyên cho bạn, hãy khen ngợi họ. Bạn cũng nên cho họ biết những thông tin bạn nắm được từ cấp trên nữa hoặc khách hàng.
Mặt tích cực: Những người khác sẽ biết rằng không phải chỉ có mỗi một người tham gia vào dự án. Họ có thể khen ngợi, hoặc chí ít cũng công nhận bạn, vì khiêm tốn và không nhảy lên tranh hết thành quả của người khác. Nếu sếp bạn lên chức, họ cũng sẽ đề bạt bạn lên, và bạn có thê tiếp tục phát triển cho đến đúng thời điểm để rời đi.
2. Bóng ma
Những vị sếp này nói họ quan tâm về sự phát triển của nhân viên nhưng không bao giờ hướng dẫn hoặc hỗ trợ nhân viên. Họ không thường xuyên đưa ra nhận xét và hiếm khi trả lời thắc mắc. Họ không đưa phản hồi qua điện thoại. Thư điện tử cũng thường ngắn gọn và lác đác.
Cách đối phó: Hãy tiếp tục chăm chỉ và trao đổi với các thành viên trong nhóm về tình trạng của dự án để giữ mọi thứ hoạt động. Hãy tự xoay sở và tìm những cách khác để có được thông tin và câu trả lời. Nếu bạn không nhận được phản hồi từ một sếp, bạn có thể tìm sếp khác để bật đèn xanh cho quyết định của mình.
Mặt tích cực: Thiếu định hướng có thể làm bạn hoảng loạn, nhưng đây là cơ hội để bạn thực hành và chứng tỏ khả năng của mình. Bạn có thể xem đây là cơ hội để làm việc với những lãnh đạo khác trong công ty hoặc nhóm khác để có được thông tin. Nhờ vậy, bạn có thể gây dựng thêm mối quan hệ với những người khác ở ngoài phòng ban hiện tại.
3. Bạn thân
Những kiểu sếp này muốn nhân viên yêu quý mình. Họ muốn cùng ngồi lê đôi mách và được rủ rê đi chơi sau giờ tan tầm. Phần lớn những người này thường đi lên từ nhân viên.
Cách đối phó: Đây không phải là một kiểu sếp tiêu cực. Tuy nhiên, bạn phải thẳng thắn nói với sếp của mình rằng bạn cũng muốn có những phản hồi trực tiếp và nghe những phê bình có tính xây dựng. Bởi đó là thứ sẽ giúp bạn phát triển. Bạn có thể giúp họ tạo ra ranh giới với bạn và các nhân viên mới khác.
Mặt tích cực: Chúng ta thường thích làm việc với những người chúng ta yêu quý. Nếu bạn có thể phát triển một mối quan hệ tốt với sếp, bạn sẽ làm việc năng suất hơn, chăm chỉ hơn và ở lại với tổ chức lâu hơn.
4. Sếp bận rộn
Những vị sếp này luôn luôn kín thời gian. Dù muốn cập nhật thông tin về dự án, họ cũng chỉ có một phút để nghe. Họ thường yêu cầu bạn làm gì đấy và sau đó quên luôn việc kiểm tra lại việc đó. Kết quả là mọi việc trở nên hỗn độn.
Cách giải quyết: Gửi một bản cập nhật ngắn hàng tuần hoặc tóm tắt dự án mà bạn đang làm việc. Bằng cách này, sếp bạn có thể cập nhật được tiến độ công việc, bạn cũng tiết kiệm được thời gian để hỏi về những công việc khác.
Mặt tích cực: Ít nhất bạn không bị không bị quản lý quá chặt. Bên cạnh đó, lãnh đạo thích trao đổi ngắn gọn sẽ là một thuận lợi cho bạn, bởi bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc.
Nguồn Người Đồng Hành
0 comments:
Đăng nhận xét