"Cơ quan nhà nước chỉ nên tập trung quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu ở những lĩnh vực có rủi ro cao. Và như thế, hiệu lực quản lý nhà nước sẽ tăng lên".
Dưới đây là những khuyến cáo về quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu từ TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởngViện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
* Sau bốn năm thực hiện bốn Nghị quyết 19 của Chính phủ Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ông đánh giá thế nào về lĩnh vực quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu?
- Quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu là một nội dung trọng tâm của Nghị quyết 19. Thế nhưng, thời gian qua, việc quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu đã gây ra rất nhiều rào cản và làm tăng thời gian, tiền bạc và công sức của doanh nghiệp.
* Theo ông thì những cải cách nào về quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu được xem là đáng kể?
- Trong 4 năm thực hiện Nghị quyết 19, đặc biệt trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, đã có một số kết quả. Đầu tiên phải nói đến Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 đối với quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm - một điển hình của việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, sang quản lý rủi ro.
Khảo sát sơ bộ cho thấy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã giảm đáng kể về chi phí và giảm tới 90% thủ tục liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhờ đó, việc thông quan nhanh hơn, giảm tải tắc nghẽn ở một số cảng có nhiều thực phẩm nhập khẩu, như cảng Cát Lái. Đó là cải cách đáng kể nhất.
Cạnh đó, ở một số bộ, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương bỏ chứng nhận khai báo hóa chất, một thay đổi tương đối căn bản. Trước đây, khai báo hóa chất như một loại giấy phép. Bây giờ, khai báo đã đúng với bản chất. Sau khi gửi thông báo lên cơ quan nhà nước, nếu sau một thời gian nhất định không có phản hồi, doanh nghiệp được phép thông quan một loại hóa chất nào đó.
Một điểm nữa, lượng hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan đã giảm xuống đáng kể. Trước đây có tới 30 - 35% số hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, bây giờ đã giảm xuống 15 - 20%.
* Theo ông, tới đây cải cách hành chính về xuất nhập khẩu cần nhấn mạnh điều gì để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp?
- Nếu điểm lại những ách tắc hay định hướng quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tôi nghĩ phải thêm mấy việc.
Thứ nhất, quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã đạt được mức tương đối, nhưng đối với việc chuyển sang quản lý dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung kiểm tra những doanh nghiệp có lịch sử không tuân thủ đúng hàng hóa được phép xuất nhập khẩu.
Như vậy, chỉ cần tập trung quản lý nhà nước từ 5 - 10% số hàng hóa hoặc số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, còn hơn 90% là không cần kiểm tra. Cách làm này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp, doanh nghiệp càng tuân thủ hàng hóa được phép xuất nhập khẩu thì càng có lợi.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc hiểu về quản lý nhà nước dựa trên rủi ro ở các ngành khác nhau, các cơ quan khác nhau cũng chưa giống nhau. Thậm chí, vẫn không ít người cho rằng việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đồng nghĩa với quản lý rủi ro. Thực ra, chuyển sang hậu kiểm là kết hợp với quản lý rủi ro, mới có tác dụng. Nếu chỉ thay đổi kiểm tra, từ kiểm tra trước sang kiểm tra sau là chưa thay đổi căn bản cách thức quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thứ hai, phải thực hiện chính phủ điện tử ở mức cao hơn và phải số hóa. Một kết nối chính phủ điện tử phải hoàn toàn trực tuyến và giấy tờ điện tử, không xử lý trực tiếp. Mọi giấy tờ phải trên hệ thống, không có sự can thiệp của con người. Nếu có điểm nào đấy mà hệ thống trục trặc, con người mới can thiệp.
Thanh toán chi phí cũng phải là thanh toán điện tử. Chính phủ điện tử phải kết nối được tất cả các bộ ngành liên quan, kết nối được doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, kết nối các cảng biển với cơ quan nhà nước. Kết nối các cơ quan thẩm định, kiểm nghiệm, thử nghiệm với doanh nghiệp. Chính phủ điện tử phải có dữ liệu dùng chung.
Đến nay, trong bốn nguyên tắc định hướng đặt ra, chỉ mới thực hiện tương đối tốt từ tiền kiểm sang hậu kiểm hàng hóa xuất nhập khẩu. Như thế thì còn rất nhiều việc phải làm.
* Cảm ơn ông!
Nguồn DNSG
0 comments:
Đăng nhận xét