17 thg 6, 2018

Thị trường bán lẻ nệm giống thị trường ĐTDĐ 10 năm trước, nhận đầu tư triệu đô từ Mekong Capital, Vua Nệm tham vọng trở thành "Thế giới di động" của ngành nệm?

Sau khi nhận đầu tư từ Mekong Capital, Vua Nệm sẽ nâng con số cửa hàng lên gần gấp đôi, đạt 70 cửa hàng ngay trong năm nay.
Khoảng tháng 3/2018, hệ thống cửa hàng chăn ga gối đệm Dem.vn ở miền Bắc đồng loạt đổi tên thành Vua Nệm. Cả 2 thương hiệu này vốn đều thuộc công ty CP Devico, nay là Công ty CP Vua Nệm.

Công ty CP Vua Nệm được thành lập năm 2007 bởi hai doanh nhân người Việt, ông Hoàng Tuấn Anh và ông Nguyễn Vũ Nghĩa. Tâm đắc với sự thành công của chuỗi bán lẻ đệm Mattress.com của Mỹ, họ đã mua tên miền Dem.vn và phát triển công ty. Dem.vn là một trong hai thương hiệu mà công ty vận hành trước khi sáp nhập thành Vua Nệm.

Việc thống nhất thương hiệu và đổi tên công ty được tiến hành sau 10 năm thành lập và phát triển, đồng thời gắn với sự kiện nhận đầu tư từ quỹ MEF III của Mekong Capital dành cho Vua Nệm.

Đầu tháng 6/2018, quỹ MEF III của Mekong Capital phát đi thông báo về việc mua cổ phần chi phối chuỗi bán lẻ đệm lớn nhất Việt Nam - Vua Nệm.

Mối lương duyên giữa MEF III và Vua Nệm chỉ mất 8 tháng tìm hiểu để đi tới quyết định "kết hôn". Là một quỹ tinh tường trong việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực bán lẻ, MEF III chắc chắn đã có những tính toán kĩ càng khi bắt tay Vua Nệm bước vào thị trường bán lẻ giải pháp giấc ngủ.

Sản phẩm chủ lực của Vua Nệm (đương nhiên) là nệm, bao gồm nệm cao su, nệm lò xo, nệm foam và nệm bông ép. Không giống như nhiều nhà bán lẻ đệm khác ở Việt Nam, thay vì mở các gian hàng trưng bày sản phẩm cho một thương hiệu duy nhất, Vua Nệm cung cấp nhiều sản phẩm thuộc các thương hiệu trong và ngoài nước, có thể kể đến như Tempur (USA); Aeroflow (Nhật Bản); Dunlopillo (Anh Quốc), Liên Á, Kim Cương, Hanvico,...

Mức giá của các sản phẩm dao động rộng, từ khoảng 2-4 triệu đồng (cho nệm bông ép trong nước) cho đến 80-90 triệu đồng (nệm nhập khẩu). Ngoài ra như nhiều nhà bán lẻ khác, Vua Nệm cũng bán các sản phẩm đi kèm với nệm như chăn, ga, gối, tuy nhiên số lượng chủng loại khá khiêm tốn so với sản phẩm nệm.

MEF III thường đầu tư từ 8 đến 15 triệu USD. Vua Nệm là khoản đầu tư thứ 7 của quỹ này trong vòng 3 năm qua.

Chia sẻ trên báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy người phụ trách chính cho khoản đầu tư vào Vua Nệm của MEF III, cho biết Mekong Capital sẽ mời chuyên gia từ chuỗi Mattress Firm sang giúp sức cho Vua Nệm, dùng kinh nghiệm quản trị của mình trong ngành bán lẻ để góp phần xây dựng đội ngũ quản lý ở Vua Nệm, xây dựng chính sách lương thưởng giữ chân người tài, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tự động hóa về kỹ thuật số… Thay đổi đáng chú ý nhất là Vua Nệm đang triển khai hệ thống quản trị bán lẻ ERP.

Sau 10 năm phát triển, Vua Nệm đạt tăng trưởng trung bình 50%/năm và mở được 40 cửa hàng ở 23 tỉnh thành trên cả nước, tập trung ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Trước mắt, Vua Nệm muốn nâng con số cửa hàng lên gần gấp đôi, đạt 70 cửa hàng ngay trong năm nay. Công ty dự định sẽ mở rộng hệ thống đến 300 cửa hàng vào năm 2022.

Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi sau thương vụ nhận đầu tư từ MEF III, ông Hoàng Tuấn Anh, CEO Vua Nệm đã có những chia sẻ về thị trường nệm tại Việt Nam và chiến lược của Vua Nệm trong thời gian sắp tới.

PV: Chúc mừng Vua Nệm nhận đầu tư lớn từ quỹ MEF III. Ông có thể chia sẻ về lý do của quyết định bán cổ phần chi phối cho Mekong Capital của ban lãnh đạo Vua Nệm?

Ông Hoàng Tuấn Anh: Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư. Sở dĩ chúng tôi chọn Mekong Capital bởi họ là đơn vị có cùng tầm nhìn dài hạn với chúng tôi. Không chỉ là một đơn vị có bề dầy kinh nghiệm đầu tư vào các doanh nghiệp bán lẻ chưa niêm yết và đã rất thành công, điển hình như Thế giới di động và Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Mekong Capital cũng có một mạng lưới những chuyên gia ngành với kinh nghiệm quản trị điều hành tại những chuỗi bán lẻ nệm lớn trên thế giới để cố vấn cho Vua Nệm, góp phần xây dựng đội ngũ quản lý ở Vua Nệm, xây dựng chính sách lương thưởng giữ chân người tài, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tự động hóa về kỹ thuật số…

* Quy mô thị trường bán lẻ nệm tại Việt Nam ra sao, thưa ông? 

- Chúng ta hãy cùng nhìn vào con số, Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu gia đình và theo thống kê của chúng tôi thì 40% trong số này có sử dụng nệm. Với vòng đời trung bình của mỗi chiếc nệm là 7 năm thì thị trường Việt Nam sẽ cần ít nhất khoảng 4 triệu tấm nệm mới mỗi năm chưa kể đến nhu cầu của các gia đình chưa sử dụng. Với giá trị trung bình một đơn hàng mua nệm và chăn ga khoảng 4 triệu thì quy mô thị trường bán lẻ chăn ga gối nệm sẽ vào khoảng 16.000 tỉ đồng.

* Có doanh nghiệp trong ngành chăn nệm chia sẻ hướng đi mạnh sắp tới của họ là hướng đến phân khúc B2B, bằng việc cung ứng cho khách sạn, khu nghỉ dưỡng hay quà tặng doanh nghiệp, bên cạnh B2C truyền thống. Đây có phải là hướng đi của Vua Nệm, thưa ông?

- Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành nhà bán lẻ đệm và các giải pháp cho giấc ngủ lớn nhất Việt Nam, trong đó có thị trường chăn ga gối nệm cho khách sạn.

Khi ngành du lịch ngày càng tăng trưởng và đón hàng chục triệu lượt khách du lịch mỗi năm, thị trường nệm và chăn ga càng tiềm năng và có giá trị lên tới hàng tỉ USD.

Theo thống kê của Trung tâm du lịch, thuộc Bộ Văn hóa Thể thao, vào năm 2016, Việt Nam đã có khoảng 420.000 phòng đăng ký dịch vụ lưu trú. Như vậy, riêng nhu cầu chăn ga gối nệm phục vụ cho các khách sạn đã vào khoảng 3000 tỉ đồng.

* Quy mô thị trường rất lớn, nhưng dường như lại phân mảnh quá nhỏ. Đây có phải là thách thức của Vua Nệm không?

- Chúng tôi nhận thấy thị trường bán lẻ nệm hiện tại khá giống với thị trường bán lẻ điện thoại di động khoảng 10 năm về trước, lúc đó có đến 90% các cửa hàng nhỏ lẻ. Và hiện đang có đến hàng ngàn cửa hàng nệm theo hình thức hộ cá thể ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, đa số khách hàng vẫn có thói quen mua sắm tại các cửa hàng nhỏ lẻ này.

Đây là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để chúng tôi phát triển hệ thống bán lẻ nệm bài bản phủ sóng trên toàn quốc.

* Việc kinh doanh nệm, cũng như chăn ga gối, dường như phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và vùng miền? Vậy với các kiểu khí hậu khác nhau ở các địa phương, thị trường nệm miền Bắc và miền Nam khác biệt như thế nào, thưa ông? 

- Đúng như bạn nói, khác biệt đầu tiên mà chúng ta có thể dễ dàng thấy được cách gọi các sản phẩm trong ngành này giữa các vùng miền, địa phương.

Người miền Bắc có thói quen nằm đệm cứng và có quan điểm phải nằmđệm cứng như đệm bông ép thì mới tốt, người miền Nam lại ưa chuộng sự êm ái của nệm cao su.

Đa số người miền Bắc chỉ sử dụng đệm vào mùa đông trong khi tại miền Nam thì người dân lại có thói quen sử dụng nệm quanh năm.

Người Miền Bắc có tâm lý thận trọng khi tiếp cận với sản phẩm mới, còn người miền Nam thì khá cởi mở.

* Được biết các thương hiệu chăn nệm uy tín trên thị trường như Everon, Sông Hồng hay Hanvico đều tự mở showroom và đại lý kinh doanh trong nhiều năm qua. Những đơn vị này có tìm tới Vua Nệm không, thưa ông? 

- Chúng tôi đang nhận được khá nhiều lời mời hợp tác đến từ các nhà sản xuất lớn nhỏ. Tuy nhiên chúng tôi cũng khá cân nhắc trong việc lựa chọn đối tác để đảm bảo mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng.

Chúng tôi đang hợp tác với những đối tác cung cấp sản phẩm là những thương hiệu hàng đầu trên thế giới và các thương hiệu uy tín trong nước như Tempur (Mỹ); Aeroflow (Nhật Bản); Dunlopillo (Anh Quốc), Liên Á, Kim Cương, Hanvico,…

Cùng với Vua Nệm, các đối tác này phát triển những dòng sản phẩm với tính năng ưu việt đáp ứng nhu cầu tốt nhất để khách hàng có một trải nghiệm hoàn hảo.

* Vua Nệm có tự sản xuất nệm và phát triển nhãn hàng riêng không, thưa ông?

Chúng tôi hiện chưa có kế hoạch tự sản xuất nệm. Trong giai đoạn này, Vua Nệm vẫn đang tập trung cho một mục tiêu duy nhất là xây dựng và hoàn thiện hệ thống bán lẻ các sản phẩm nệm và chăn ga gối đến từ các nhà sản xuất uy tín đến tay người tiêu dùng Việt Nam.

* Một số thương hiệu lâu năm trên thị trường đang đẩy mạnh việc phát triển các showroom lớn quy mô từ 100m2 trở lên. Tuy nhiên, họ cũng xác nhận việc tìm kiếm mặt bằng đủ lớn để mở showroom nệm là một thách thức lớn.

Trở lại với Vua Nệm, với mục tiêu mở tới 300 cửa hàng trong 4-5 năm tới, ông có thể chia sẻ về chiến lược của việc mở rộng này của công ty?

- Để đạt được số lượng shop gấp 8 lần hiện nay quả là một điều rất thách thức tuy nhiên chúng tôi vẫn đang đảm bảo được tiến độ thực hiện được kế hoạch này. Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo nhân viên của mình trở thành những chuyên gia tư vấn có kiến thức vượt trội và tinh thông về các giải pháp cho giấc ngủ, để giúp khách hàng hiểu đúng hơn về tầm quan trọng của chiếc nệm.

Vua Nệm đang có 40 cửa hàng tại 23 tỉnh thành phố trên toàn quốc chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ. Kế hoạch của chúng tôi trong năm nay là sẽ phát triển hệ thống lên 70 cửa hàng và mở mới từ 60 – 100 cửa hàng mỗi năm. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và đào tạo đội ngũ, hoàn thiện mô hình và hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ cho việc quản trị và điều hành doanh nghiệp cũng là điều mà chúng tôi ưu tiên.

* Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Trí Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét