22 thg 6, 2018

Sáng kiến độc đáo của Võ Tắc Thiên

Để đảm bảo tính trung thực của việc tuyển chọn người tài, Võ Tắc Thiên đã nghĩ ra hình thức chống gian lận trong thi cử và được áp dụng cho tới ngày nay.
Bài viết liên quan --> Sân bay Changi - bài học về sức mạnh của tư duy dịch vụ
Mặc dù là một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi, nhưng hậu thế cũng khó có thể phủ nhận những thiên phú về chính trị của Võ Tắc Thiên.

Bởi lẽ, việc một người phụ nữ thống trị thiên hạ  trong bối cảnh phong kiến đề cao nam quyền là điều không thể dựa vào may mắn mà phải cần tới thực lực.

Thực lực của Võ Tắc Thiên thể hiện rất rõ trong việc bà sáng tạo ra một phương pháp giáo dục tân tiến để tuyển chọn và trọng dụng người tài. Cho tới ngày nay, hậu thế của chúng ta vẫn áp dụng hình thức này trong thi cử, chỉ có điều cải tiến thêm một chút mà thôi!

"Không tiếc chức quan, hào phóng với người tài"

Sau khi soán ngôi nhà Đường, việc tuyển chọn quan lại để an định triều đình, trị vì thiên hạ được Võ Tắc Thiên đặt lên hàng đầu.

Nhằm mục đích nhanh chóng tìm kiếm người tài, vị Nữ hoàng này đã thi hành chính sách tiến cử và "thử quan", có nghĩa là tất cả những người được tiến cử làm quan sẽ được giao một chức vị để khảo nghiệm thực tài.

Đối với những nhân tài được tiến cử, Võ Tắc Thiên vô cùng hào phóng.

Bà cất nhắc cho họ vô số chức vị, cao thấp đủ cả, từ chức quan tương đương với Phó Tể tướng cho tới các chức vụ như Thị Ngự sử, Nhâm viên Ngoại lang…

Vào thời kỳ đầu khi mới năm quyền, Võ Tắc Thiên tạo mọi điều kiện để người tài được tiến cử có cơ hội phục vụ triều đình. (Hình minh họa).
Thế nhưng, chế độ hào phóng này nhanh chóng lộ ra khuyết điểm và tạo thời cơ cho nhiều kẻ hữu danh vô thực trà trộn vào triều đình. Điều này khiến cho những vấn đề của vương triều không những không có cách giải quyết, mà còn làm nhiều quan lại chân chính hết sức bất mãn.

Vì thế, Võ Tắc Thiên lại áp dụng chế độ khoa cử đã thiết lập từ thời nhà Tùy để áp dụng cho Đại Chu của mình. Nhưng không chỉ dừng lại ở phương pháp thi cử truyền thống, bà đã có một phát minh mới trong việc cải cách giáo dục, thi cử.

Nhận thấy chế độ tiến cử và "thử quan" bộc lộ nhiều khuyết điểm, Võ Tắc Thiên đã quyết định tiếp tục áp dụng hình thức khoa cử để tuyển người tài.(Tranh minh họa).

Chế độ khoa cử tuy có nhiều ưu điểm, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng "vàng thau lẫn lộn". Bởi quan lại phụ trách việc chấm thi thường có tâm tư không trong sáng, làm việc bất phân công tư, nên cũng tạo thời cơ cho nhiều kẻ tầm thường được làm quan trọng triều.

Sử cũ ghi lại rằng, có năm Võ Tắc Thiên ở điện Lạc Dương từng tự mình tra xét tấu chương về việc thi cử tới mấy ngày mới xong, cũng truy ra không ít chuyện bất cập.

Để có được một chế độ thi cử trong sạch và tuyển chọn ra những bậc hiền tài chân chính, bà nảy ra sáng kiến áp dụng hình thức "hồ danh pháp" trong thi cử, nghĩa là niêm phong kín tên họ, quê quán và các thông tin khác của thí sinh trước khi bài thi được chấm.

Một khi áp dụng hình thức này, những quan lại chấm thi sẽ chỉ đọc được nội dung bài làm của thí sinh mà không biết danh tính của họ, từ đó đảm bảo tính trung thực, khách quan của kết quả, giúp triều đình tuyển chọn người có thực tài.

Để đảm bảo tính công bằng và chân thật kết quả khảo thí, các bài thi dưới thời Võ Tắc Thiên đều được niêm phong kín thông tin thí sinh trước khi chấm. (Ảnh minh họa).
Khi mới áp dụng, phương pháp dán tên này còn chưa thực sự phổ biến. Nhưng với những ưu điểm nổi bật của mình, "hồ danh pháp" dần được các triều đại sau áp dụng và duy trì cho tới tận ngày nay.

Có thể thấy, hình thức này tương tự như kiểu "rọc phách" trong thi cử hiện đại của chúng ta. Chỉ có điều, ít ai biết rằng đây thực chất chính là sáng kiến của Nữ đế Võ Tắc Thiên nổi tiếng.

Cho tới ngày nay, công và tội của vị Nữ đế họ Võ ấy vẫn là một đề tài gây nhiều tranh luận. Có người cho rằng, bà là một phụ nữ tàn độc, dã tâm và tràn đầy ham mê quyền lực. Có người lại khẳng định bà là một nữ chính trị gia độc lập và tài năng.

Kỳ thực, con người Võ Tắc Thiên cho đến nay vẫn là điều không mấy ai có thể hiểu thấu. Ngay chính bản thân vị Nữ hoàng ấy cũng đã để lại di ngôn rằng, sau khi qua đời lập một tấm bia không chữ, để cho hậu thế đời sau tự phán xét…

Theo Trí thức trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét