Trí thông minh nhân tạo (AI) không chỉ trao cho con người quyền kiểm soát vạn vật mà còn giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Về khía cạnh này, AI đang dần khẳng định vai trò là trí thông minh thực sự của tương lai.
Đầu tháng 10, sự kiện triển lãm công nghệ cao thường niên Ceatec 2017 đã diễn ra tại Nhật Bản, quy tụ nhiều hãng công nghệ nổi tiếng thế giới tham gia với những thiết bị thông minh độc đáo. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên ba ngân hàng lớn tại xứ sở Mặt trời mọc tham gia sân chơi 18 tuổi này trong mảng công nghệ tài chính, Asia Nikkei cho biết. Điều này chứng tỏ, các "ông lớn" hoạt động trong những ngành nghề truyền thống đang cố gắng thích nghi với cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ.
Thích nghi để sống sót
Trong bài nhận định trên CNBC hồi tháng 7, Fabrice Fischer - nhà sáng lập, CEO Blu Ltd., một công ty tư vấn hàng đầu về AI bày tỏ, vấn đề lớn nhất của các tổ chức lớn hiện nay chính là chậm thay đổi. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến việc đón nhận rủi ro hay đầu tư mạnh vào hoạt động đổi mới. "Sự thay đổi không chỉ riêng về công nghệ mà còn liên quan đến văn hóa con người", ông nói.
Đồng quan điểm, giáo sư Hugh Mason - CEO JFDI chỉ ra, điều mà các tổ chức này nên làm theo thời gian là củng cố nội lực và dần cải tiến chúng. Lẽ dĩ nhiên, việc ngay lập tức thay mới toàn bộ là điều không thể, đặc biệt với những tổ chức lớn có bộ máy cồng kềnh, tuy nhiên "nếu chỉ tiến hành đổi mới một chút thì sẽ phát sinh rủi ro là có ai đó đã thiết kế lại quy trình cơ bản ban đầu và sớm "đá văng" bạn ra ngoài".
Chưa kể, sự phát triển của AI đòi hỏi các công ty phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề đào tạo lại (reskilling) cho người lao động và thừa nhận tình trạng dư thừa nhân công tại một số ngành nghề. Trong tương lai, những công việc liên quan đến phân tích, xử lý dữ liệu sẽ bị robot thay thế. Đây rõ ràng không phải là tin vui cho những nhân viên làm trong lĩnh vực này, nhưng sẽ giúp các công ty cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu suất làm việc.
Theo quan điểm của Mason, không nên xem tình trạng dư thừa nhân công như một sự tiêu cực mà hãy nhìn chúng đơn thuần là một sự tiến hóa. Quy luật đào thải của thị trường luôn mở ra nhiều cơ hội cho những lĩnh vực mới, mà một trong số chúng hiện nay là AI. Bí quyết là hãy nhanh chóng phát triển và sớm thích nghi với sự biến đổi. "Nếu hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, công ty của bạn cần thực sự chú trọng vào vấn đề đổi mới. Đó là lối thoát duy nhất hoặc bạn sẽ sớm bị gạt khỏi cuộc chơi", Fischer chia sẻ.
Bàn về vấn đề này, tờ The Economist nhận định, AI đã và đang tạo ra nhiều loại hình công việc mới đồng thời loại bỏ những mô hình kinh doanh cũ. Ví dụ, ngày càng có nhiều công cụ tốt hơn trong việc sao chép âm thanh. Mary Gray - chuyên gia nghiên cứu của Microsoft dự báo, trong tương lai, các thuật toán cuối cùng sẽ thông minh hơn trong việc giải quyết một số nhiệm vụ và tự học.
Chưa kể, các cá nhân và tổ chức cũng nảy sinh nhiều nhu cầu hơn vào dịch vụ AI, chẳng hạn trợ lý kỹ thuật số Alexa của Amazon và Cortana của Microsoft sẽ phải trả lời những câu hỏi phức tạp hơn. Và con người vẫn vai trò chủ chốt trong việc tạo thuật toán và xử lý các trường hợp ngoại lệ phát sinh.
Thừa nhận tương lai
Theo nhiều chuyên gia, trong vài thập kỷ tới, AI sẽ khắc phục được những điểm yếu của con người và cho phép nhân loại cải thiện chất lượng cuộc sống lẫn hành tinh nơi chúng ta đang sống. Xét về mặt tích cực, AI thực sự có thể giúp con người quản lý tốt hơn các nguồn lực đồng thời tự động hóa mọi thứ. Đơn cử, trong lĩnh vực sản xuất, AI có thể kiểm soát toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây trồng trong điều kiện tối ưu khi toàn bộ quá trình hoàn toàn tự động và được kiểm soát bởi máy tính.
AI không chỉ giúp bạn phát hiện sai sót mà còn có thể tìm ra mô hình nào là tốt nhất, và có thể cải thiện một mô hình từ chưa tối ưu trở thành tối ưu nhất. "Điều này cực kỳ cần thiết cho mọi lĩnh vực đời sống khi vừa tiết kiệm được năng lượng dư thừa, vừa tối đa hóa hiệu quả nguồn cung đang sở hữu", Fischer nói với CNBC. Chưa kể, có những công việc hiện nay có thể giao cho máy móc xử lý để con người có thêm thời gian tập trung tư duy sáng tạo - việc vốn chỉ có trí tuệ con người mới đủ khả năng thực hiện.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít nghi ngại về tốc độ phát triển chóng mặt của AI. Đối với những người thận trọng trước sự tiến bộ của AI, Mason trấn an rằng có thể mọi người đang rơi vào bẫy tâm lý thường thấy. Cựu Giám đốc sản xuất chương trình Tomorrow's World của BBC chia sẻ, đó là phản ứng thường thấy của con người trước một công nghệ mới. "Khi nhìn vào bất cứ công nghệ mới nào, chúng ta thường dự đoán về những điều không tưởng và chưa đúng về nó”, ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng không phủ nhận thực tế rằng, không ít công nghệ hiện nay "đang trở nên nhàm chán và kỳ quặc hơn chúng ta tưởng". Từ lâu, robot đã hiện diện trong cuộc sống con người, chẳng hạn như máy giặt hay hộp thư thoại. Và tương lai của AI cũng thế. Đó không còn là thứ khoa học viễn tưởng. Nó sẽ ngày càng biến đổi rõ rệt, giống như internet đã làm", Mason kỳ vọng.
Thậm chí, sự phát triển của AI giờ đây không còn quá "nguy hiểm" như nhiều lo ngại lúc nó vừa xuất hiện. Hãng tin AFP dẫn một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, 70% số người Mỹ được hỏi tin rằng công việc của họ "an toàn" trước sự lan rộng của robot và sự tự động hóa.
AI sẽ ngày càng đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra việc làm mới và khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Sau cùng, những công cụ công nghệ như AI hay tự động hóa tồn tại để phục vụ và trao quyền kiểm soát cho con người nhằm cải thiện hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó chính là sự thông minh thực sự!
Nguồn DNSG
0 comments:
Đăng nhận xét