6 thg 7, 2018

Không có bằng đại học, bạn vẫn có thể làm sếp nếu hội đủ 3 yếu tố này

Một sự thật không thể bàn cãi là thị trường ngày một đòi hỏi trình độ học vấn cao hơn từ người lao động, đặc biệt với vị trí quản lý hay CEO. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân đủ khả năng làm sếp dù không sở hữu bất kỳ tấm bằng đại học nào.

Theo khảo sát năm 2015 của website tìm việc trực tuyến CareerBuilder, tính riêng ở Mỹ, đã có 32% trong số 2.300 nhà tuyển dụng và quản lý nguồn nhân lực được khảo sát đang tiến hành nâng cao yêu cầu học vấn đối với các ứng viên. Khảo sát cũng cho biết, có 37% vị trí trước kia chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp phổ thông, nay đã đòi hỏi bằng đại học. Và, có tới 27% vị trí trước kia chỉ yêu cầu bằng cử nhân, nay đã đổi thành bằng thạc sĩ.

Tuy nhiên, dù yêu cầu từ nhà tuyển dụng là thế, song những người trải qua đào tạo đại học chưa chắc đã sở hữu khả năng làm việc tương xứng với trình độ được ghi trên tấm bằng. Việc lựa chọn sai lầm ứng viên vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là khi nhà tuyển dụng chọn cho mình hướng đi “an toàn” - đoán định năng lực dựa trên bằng cấp - để rồi bỏ sót nhân tài.

Để hạn chế tối đa những sai sót nói trên, một dự án kéo dài 10 năm mang tên Gen CEO đã được thực hiện. Elena L. Botelho và Kim R. Powell - 2 nhà nghiên cứu đằng sau dự án - đã thu thập dữ liệu từ hơn 17.000 quản lý cấp cao từ công ty nghiên cứu ghSMART; sau đó, cùng với các giáo sư thuộc trường Đại học Chicago và Đại học Columbia, nhóm nghiên cứu tiếp tục lọc ra 2.600 CEO để tìm ra đặc điểm của những người có khuynh hướng sẽ trở thành CEO cũng như phương pháp của họ.

Sau khi hoàn tất, các nhà nghiên cứu cho biết, việc sở hữu tấm bằng tốt nghiệp từ các trường đại học danh giá chưa hẳn đã là tấm vé thông hành tuyệt đối cho vị trí CEO. Đặc biệt, trong số các CEO được nghiên cứu, có đến 8% chưa từng học đại học.

Làm CEO đã khó, làm CEO mà “không bằng cấp” lại càng khó hơn. Vậy, làm thế nào mà 8% trong số các CEO được nghiên cứu có thể ngồi lên vị trí hiện tại? Câu trả lời nằm ở 3 yếu tố sau:

1. Trở thành “dân trong nghề”
Theo nghiên cứu, những CEO không bằng cấp đã bù đắp cho sự thiếu thốn của mình bằng việc tích lũy nhiều kiến thức cụ thể về ngành nghề hoặc thông tin chi tiết về các doanh nghiệp có liên hệ trực tiếp đến lĩnh vực mà công ty của họ đang hoạt động - điều vốn chỉ những “dân trong nghề” lâu năm mới sở hữu được. 

Được biết, 89% trong số các CEO không bằng cấp chỉ làm việc ở một lĩnh vực cho tới khi giữ vị trí CEO. Ngoài ra, họ cũng sở hữu thời gian làm việc trong một ngành nghề nhiều hơn 40% những đồng nghiệp có bằng đại học.

Theo nghiên cứu, thời gian mà họ phải đảm nhiệm một vị trí nào đó cũng thường dài hơn 25% so với người tốt nghiệp cử nhân. Và, nếu tính trung bình, thời gian để họ có thể ngồi lên chiếc ghế CEO cũng dài hơn 15%. Tuy nhiên, số vị trí mà họ phải kinh qua trước khi trở thành CEO lại ít hơn tới 13%.

Thực tế, chủ doanh nghiệp cảm thấy an tâm hơn khi tuyển dụng nhân sự cho vị trí CEO là những dân trong nghề. Nói không ngoa, kiến thức và các mối quan hệ được tích luỹ từ chính thực tế kinh doanh còn khiến họ có phần nổi trội hơn những đồng nghiệp được đào tạo qua trường lớp. Đáng chú ý, các CEO không bằng cấp có xác suất trở thành người sáng lập doanh nghiệp cao gấp đôi những người có bằng.

Bob, một doanh nhân được Gen CEO nghiên cứu, là minh chứng rõ nét cho những điều kể trên. Năm 1970, anh bắt đầu sự nghiệp với vị trí sĩ quan giải mã trong quân đội. Sau khi xuất ngũ, Bob làm việc cho một công ty cung cấp hệ thống báo động rồi tiếp tục đầu quân cho một công ty khác. Suốt quá trình làm việc, anh đã đảm nhận nhiều vị trí tại 2 công ty và có cơ hội được hoạt động chung với 4 CEO khác nhau.

Đặc biệt, thành tích của Bob thể hiện rõ nhất qua việc anh vực dậy một công ty đang trên đà thua lỗ rồi bán nó với giá gần 50 triệu USD. Với kiến thức và các mối quan hệ của một dân trong nghề lâu năm, anh đã thực hiện một cuộc cải tổ toàn bộ kéo dài suốt 9 năm ở công ty đang lao dốc đó. Kết quả là, doanh nghiệp dưới quyền điều hành của Bob đã thâu tóm được 24 công ty, giảm 88% nợ xấu và có doanh thu tăng gấp đôi. Thế nên, dù chẳng có một tấm bằng lận lưng, song chẳng ai tỏ ý hoài nghi năng lực của Bob mà ngược lại còn rất tin tưởng anh.

2. Để kết quả kinh doanh vượt ngoài mong đợi lên tiếng thay
Theo nghiên cứu, lý do những người không bằng cấp được đề bạt làm CEO đến từ việc họ thường xuyên là các cá nhân mang lại kết quả kinh doanh vượt ngoài mong đợi. Mark - một trong những CEO được nghiên cứu - cho biết anh đã quá quen với việc bị đánh giá thấp để rồi khiến cho ai nấy đều phải ngạc nhiên với kết quả kinh doanh của mình.

Lúc Mark khởi nghiệp với nghề tài xế xe tải, anh có thể chở tới 3 chuyến xe/ngày thay vì 1 chuyến/ngày như những người khác. Ông chủ của một công ty đối thủ vô tình biết điều này. "Đối với ông ấy, đây là chuyện chưa từng có tiền lệ. Thế nên, ông ấy đã đề nghị tôi đến làm việc cho mình”, Mark nhớ lại. 

Và, khi làm nhân viên bán hàng, một lần nữa, Mark lại khiến cho tất cả phải "mắt tròn mắt dẹt". Khi đó, sếp của Mark đặt mục tiêu nâng doanh số bán hàng của mỗi tổ lên 5% - 10%. Tuy nhiên, riêng với anh, người sếp đã đưa ra thử thách là 30% và hứa rằng tất cả doanh thu kể từ mức 10% trở lên đều sẽ trở thành tiền thưởng. Kết quả là, doanh số bán hàng của Mark và cả đội tăng lên tới 60%. Không những vậy, anh còn giúp mở rộng quy mô của công ty, từ một thành phố lên tới 13 tiểu bang khác nhau. Với sự tập trung cao độ và khả năng mang đến kết quả ngoài sự tưởng tượng, Mark, từ một tài xế xe tải, đã ngồi lên vị trí CEO của một doanh nghiệp trị giá 50 triệu USD trong vòng chưa đầy 20 năm.

Vậy, có thể thấy, thành công của Mark đơn giản bắt nguồn từ chính kết quả kinh doanh thực tế của anh. Mark là một người "thực sự được việc" chứ không chỉ "có lẽ sẽ được việc". Kết quả mà anh mang lại cho doanh nghiệp mới là thứ giúp anh được chú ý, chứ không phải một tấm bằng "bảo chứng".

Cũng theo Gen CEO, hơn một nửa (56%) số lãnh đạo không bằng cấp được nghiên cứu xuất thân từ bán hàng và marketing. Vì, đây là 2 mảng dễ được người khác chú ý hơn cả, khi chúng thể hiện rõ năng lực của nhân viên thông qua những con số biết nói.

3. Trở thành nam châm hút nhân tài
Theo nghiên cứu, các CEO không bằng cấp thường là những người chủ động hơn trong việc thu hút nhân tài cũng như trông cậy vào đội ngũ của mình nhiều hơn. Họ là những người khiêm nhường, cởi mở trong giao tiếp và sẵn sàng tiếp thu ý kiến từ tất cả mọi người, bất kể địa vị của họ. Một ví dụ điển hình đến từ cuộc nghiên cứu là Brian - CEO của một công ty giải pháp nguồn nhân lực trị giá 350 triệu USD.

Thành công của Brian nằm ở chỗ anh rất biết cách chiêu mộ nhân tài và tìm kiếm những ý tưởng lớn. Đơn cử như lần một nữ trợ lý hành chính được anh tuyển dụng không lâu đã giúp cho công ty của Brian chốt được hợp đồng lớn nhất trong lịch sử ngành nhân sự.

Trước đó, khi Brian làm ở một công ty khác, anh có thói quen xin khách hàng của mình kể tên những người giỏi nhất trong ngành mà họ biết. Mặc dù, một số cái tên được nhắc đến nằm ở đẳng cấp hoàn toàn khác với Brian cũng như có khả năng kiếm tiền nhiều hơn anh, Brian vẫn có thể thuyết phục họ cùng về một đội với mình.

Việc trở thành một nam châm hút nhân tài giúp ích rất nhiều cho con đường sự nghiệp về lâu về dài của các CEO. Trái lại, những CEO sở hữu tính cách chủ đạo là “độc lập” lại có xác suất điều hành kém hiệu quả cao gấp đôi.

Lời kết: Dù những CEO được nghiên cứu có thể ngồi lên vị trí lãnh đạo mà không phải trải qua giáo dục đại học, các nhà nghiên cứu tin rằng con đường sự nghiệp của họ mang lại nhiều bài học giá trị cho tất cả những người đang và muốn trở thành lãnh đạo, bất luận trình độ học vấn. Nếu bạn thực sự có am hiểu sâu sắc về lĩnh vực hoạt động của mình, biết thu hút và giữ chân người tài, cũng như biết hướng sự tập trung vào duy chỉ kết quả kinh doanh, thì con đường trở thành lãnh đạo của bạn chắc chắn sẽ luôn luôn rộng mở.

Nguồn Havard Business Review

0 comments:

Đăng nhận xét