23 thg 7, 2018

Người đồng nghiệp sân si

Vào một số thời điểm trên bước đường sự nghiệp, bạn có thể phải gặp vài người đồng nghiệp hay sân si khiến mình mệt mỏi, khó chịu. Có thể đó là tính tự phụ khi cho rằng chỉ duy nhất ý kiến của họ mới là điều đúng đắn trên hành tinh này hoặc những hành động phô trương thanh thế ra vẻ họ rất thân cận được sếp tín nhiệm và thường xuyên đồng tình. Hay đôi khi là vì bạn không thể chịu đựng nổi sự kiêu căng ngạo mạn, khí chất u uất hoặc tâm tính thất thường hay thay đổi gây ảnh hưởng đến văn hoá công ty của họ.

Những người đồng nghiệp khó ưa có thể phá hỏng cảm xúc của bạn. Họ kích hoạt một số thứ bên trong khiến bạn gần như suy nghĩ hoặc hành động một cách phi lý, đây không phải tình huống lành mạnh dẫn đến thành công. Bạn có thể phát hiện ra rằng sớm hay muộn, sự cáu giận của mình sẽ lớn dần lên cho đến khi bất kỳ chi tiết nhỏ nào cũng khiến bạn bất an, lo lắng.

Thật không may là khi đồng nghiệp gây phiền nhiễu thì bạn cũng không thể loại bỏ họ ra khỏi cuộc sống của mình. Né tránh chạm mặt trong văn phòng hoặc chạy trốn khỏi các buổi họp trực tiếp hai người cũng sẽ không mang lại kết quả.

Tuy nhiên, hãy biết rằng, những bất hoà khi tương tác với đồng nghiệp như thế này thực sự cho bạn cơ hội để trau dồi các kỹ năng lãnh đạo thiết yếu như tính quyết đoán, tự nhận thức và tự tin. Chúng có thể mang đến cơ hội bất ngờ cho sự phát triển cá nhân, vượt xa hơn cả những bài kiểm tra giới hạn sức chịu đựng của bạn. Hãy cùng với CareerBuilder thử vận dụng phương án 3 bước dưới đây để đối phố với người đồng nghiệp sân si tại văn phòng bạn nhé!

1. Xác định đối tượng khiến bạn khó chịu
Giữa một tập hợp mức độ thấp các thói xấu và thói quen phiền nhiễu hàng ngày của rất nhiều đồng nghiệp chung công ty, hẳn rất khó để bạn nhận thức được mức độ trầm trọng mà một người sân si gây ra cho mình và sâu sắc về mặt cá nhân. Vì thế, hãy suy nghĩ về người đồng nghiệp mà bạn thường phải ca thán với gia đình và bạn bè nhất – người đã làm hỏng rất nhiều ngày làm việc của bạn, hoặc người mà bạn không bao giờ muốn bị mắc kẹt chung trong thang máy chật chội với họ. Dành thời gian để tự hình dung và xác định về anh/ cô ta một cách kỹ lưỡng.

2. Tìm hiểu chính xác lý do vì sao họ khơi lên trong bạn nhiều sự tức giận đến vậy
Hãy bắt đầu bằng cách nhận thức cụ thể những cảm xúc của bản thân với họ. Thay vì thổi phồng vấn đề, nói ra các câu kết luận chủ quan như “Cô ấy là phiền nhất trên trái đất này”, nên tập trung nhận diện “thủ phạm” đã kích động cảm xúc. Sự cáu giận, khinh thường hay thất vọng? Lập ra danh sách những từ ngữ có thể giúp bạn mô tả cảm xúc. Chỉ đơn giản là dán nhãn cho cảm xúc, hành động này sẽ tạo ra tác động nhẹ nhàng vào nhận thức, cho phép bạn nắm bắt lấy tư duy tập trung vào giải pháp.

Tương tự vậy, hãy xác định cụ thể các hành vi mà đồng nghiệp thường làm khiến bạn khó chịu. Dịch chuyển suy nghĩ từ “Tôi không thể chịu đựng việc ở gần anh ta” thành “Thực sự rất thiếu tôn trọng khi anh ấy bàn tán quá nhiều về mọi người trong các buổi họp”. Triệt tiêu tất cả những ngòi nổ kích thích sự bực tức trong bạn chính là bước đầu tiên để có hướng khắc phục vấn đề.

3. Xem phản ứng của mình với người khác như một dạng phản hồi
Hãy nhìn vào người khác như đang soi vào gương.Tự hỏi rằng mọi phản ứng của bạn với họ có thể giúp bạn học thêm điều gì về bản thân. Chẳng hạn, xem những việc phiền phức ai đó đang làm như là hình mẫu cho mục tiêu “làm thế nào để tôi không như thế”. Việc đặt căn bệnh cẩu thả mãn tính của đồng nghiệp cạnh bên thiên hướng chăm chỉ đóng góp cho công ty của bạn sẽ chỉ ra cho bạn thấy đâu là điểm mạnh nên tận dụng nhiều hơn, cần thúc đẩy nỗ lực nào vào trọng tâm phát triển sự nghiệp. Cách này cũng khả thi khi hành động của người cùng công ty gợi lên trong bạn những cảm giác lo sợ hay bất an khiến bạn muốn đối phó. Với một đồng nghiệp khiến bạn phiền lòng vì anh ta luôn cướp hết mọi chỗ đứng lẫn sự chú ý, hãy cân nhắc liệu nó có chạm đến vấn đề mà bạn thực sự quan tâm, thoát ra khỏi vẻ tự phụ khi bạn có thể thành công như vậy? Và bây giờ hãy lật ngược kịch bản: Thay vì sa vào cơn buồn bã, tự nhắc mình hãy làm việc tốt hơn và vượt qua những thành tựu của chính bản thân như là biện pháp để hướng đến thành công. Sau đó biến nó thành mục tiêu ưu tiên để theo đuổi.

Chiến lược “soi gương” này từng được nhắc đến trong kỹ năng phát triển lãnh đạo, trông có vẻ khá đơn giản nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thực tế, chiến lược này có thể mang đến những cách làm nhẹ nhàng giúp bạn không còn bị các kiểu đối xử tệ như la mắng hay chỉ trích. Nó chỉ cách để bạn tạo nên những ranh giới cá nhân mạnh mẽ hơn trong các mối quan hệ, bao gồm cả đồng nghiệp lẫn sếp. Đối với người khác, đôi khi nó có thể chạm vào sự nhạy cảm dễ tổn thương của họ. Bạn cần có rất nhiều dũng khí và can đảm để đối diện với những cảm xúc khó khăn này. Hầu hết chúng ta mất rất nhiều thời gian để cố gắng làm ngơ các thách thức, mà không biết rằng bản thân đã bỏ lỡ mất cơ hội “soi mình trong gương” để có thể quan sát và để tiến xa hơn trên hành trình phát triển cá nhân lâu dài.

Thay vì cứ tiếp tực cảm thấy mình bị ai đó dồn ép vào chân tường rồi sau đó nhịn nhục trong tức tối, hãy học bài học lắng nghe chính mình! Tin rằng sau đó bạn sẽ điều chỉnh được cách đối diện với những tính cách và lối hành xử “không đẹp lắm” của đồng nghiệp. Chỉ đơn giản là cố gắng khoan dung hơn với mọi người chưa phải là cách sửa chữa về lâu dài. Hãy tận dụng sự bất mãn mà họ gây cho bạn để thực hành khả năng tự nhận thức và trở thành một người giỏi kỹ năng lãnh đạo hơn theo từng quá trình, bạn nhé!

Nguồn Career Builder Vietnam

0 comments:

Đăng nhận xét