Nếu không phải chính bạn, thì chắc chắn trong đám bạn của bạn sẽ có ít nhất 1, 2 đứa không đi làm ở công ty, tổ chức nào cả. Mấy người đó ở nhà làm việc, gọi mình là “freelancer”...
Lộ trình đi đến quyết định “ở nhà” của dân freelancer
Tôi vừa mới bỏ việc.
Công ty cũ của tôi không tệ. Mức lương vừa đủ, văn phòng xịn sang, đồng nghiệp dễ chịu, việc không ít không nhiều, không quá áp lực nặng nề.
Thế nhưng tôi vẫn thấy có gì đó sai sai.
Tôi phải dậy từ 6 rưỡi sáng để kịp đến chỗ làm đúng 8 giờ nếu không muốn bị phạt đi muộn. Giờ nghỉ trưa không có cái giường êm ái nào để ngả lưng hết. Tôi phải răm rắp nghe lời trưởng phòng, sếp nhỏ, sếp lớn phân công những việc tôi không muốn làm cho lắm.
Bàn của sếp ngồi khá gần tôi, thế là tôi làm gì trên máy tính, lướt báo mạng hay Facebook đều bị theo dõi. Và tất nhiên, tôi và tất cả những đồng nghiệp khác phải nhìn mặt sếp để sống, bị mắng thì phải nhắm mắt chịu đựng. Tôi phải cố thân thiện, tạo mối quan hệ với mọi người trong công ty dù thật ra tôi không có nhu cầu kết bạn. 5 rưỡi tan làm về đường rất tắc khiến tôi bực mình và nguy cơ chết sớm vì hít lắm khói bụi.
Tôi không muốn biến thành một con robot làm việc trong các “nhà xưởng” văn phòng lấp lánh
Tôi không thích. Thế là tôi nghỉ việc.
Tôi thích được tự do, làm gì thì làm, ngủ dậy lúc nào thì dậy, trèo lên xe đi chơi lúc nào trong ngày thì đi, không muốn ai quản, không phải chịu sự gò bó, mất thoải mái hay phải xu nịnh ai hết. Tôi còn trẻ, và tôi không muốn làm nô lệ cho cái quy trình 8 giờ đến 5 giờ của thế giới tư bản này.
Đấy là một câu chuyện rất quen thuộc, lối suy nghĩ điển hình của tập đoàn “freelancer” đang ngày một đông đảo hiện nay. Mà trong số đó, phần rất lớn là dân marketing, designer, IT,… - những nghề có thể nhận dự án về làm tự do mà không bắt buộc đi làm giờ hành chính, văn phòng. Dù chưa có một thống kê nhất định nào về số lượng người trẻ làm freelancer tại Việt Nam hiện nay, xu hướng này đang được đông đảo thanh niên “thích tự do” ủng hộ.
Là thích tự do…
Nhiều người cho rằng, còn trẻ thì hãy cứ tự do làm những điều mình thích. Khi chúng ta bước vào độ tuổi 30, những trách nhiệm với vợ chồng, con cái, xã hội sẽ khiến chúng ta khó được sống hoàn toàn theo ý mình, vì mình.
Nhưng nếu bạn không muốn đi làm và cứ thế không đi làm, thì có đúng thật là vì bạn đang "thích tự do"?
Trở lại với câu chuyện của tôi. Tôi đã nhận được 4 dự án nhỏ để kiếm tiền đủ sống cho tháng này và tháng tới. Còn tháng kia thì sao? Tất nhiên là đến lúc đó tôi mới biết, mới phải lăn lộn lại đi tìm thêm dự án về làm. Còn nếu không tìm được thì sao? Tôi cũng không rõ nữa rằng mình phải làm sao để trả tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền trà sữa..
Tôi càng không chắc chuyện của năm sau, năm kia. Mấy năm tới, bạn bè có lẽ nhiều người đã thăng tiến, lương chục triệu nhờ kinh nghiệm lâu năm làm việc tại các công ty như những người “bình thường”. Còn tôi - tay “bất thường” freelancer này nếu muốn đi làm full time trở lại, vị trí chắc chắn không cao bằng họ.
Tất nhiên, những dự án làm tự do vẫn có giá trị thể hiện năng lực của bạn. Nhưng nếu tôi giỏi giang hơn và lập được một startup nào đấy, câu chuyện đã khác. Trong bài viết này, tôi chỉ nói đến những freelancer làm việc tự do nhưng an toàn, không có lối phát triển nào cho tương lai.
…hay cái mác mỹ miều của sự lười biếng và không dám đối mặt?
Freelancer nói mình thích tự do, nhưng có ai là không thích tự do?Chúng ta có ai là thích nhìn sắc mặt sếp, thích đi làm quần quật cả ngày dài với áp lực, thích phải gồng mình lên để tạo các mối quan hệ công việc, thích phải mệt mỏi, kiệt sức, tăng ca, thích đối mặt với 1001 drama nơi công sở?
Cuộc sống chính là phải làm cả việc mình thích và không thích.
Sống là một trận chiến thực thụ.
Có vô cùng nhiều màn bạn phải vượt qua: cơm áo gạo tiền, tham vọng sự nghiệp, tương lai, các mối quan hệ,… Sống chính là mệt mỏi giải quyết từng rắc rối một mỗi ngày, hết phiền não này đến phiền não khác.
Chuyện không như ý đến rất nhiều, áp lực càng ngày càng tăng, đêm xuống thường thấy cô độc, thấy đời mình thất bại. Chính mỗi một lần bạn vượt qua thử thách, là một "nấc thang" đem bạn đến chân trời cao hơn.
Kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ, niềm vui khi thành công, nỗi đau khi vấp ngã, những trải nghiệm sâu sắc cả vui lẫn buồn không đến khi bạn ngồi khoanh chân bất động trong vòng an toàn.
Hãy phân định rõ, là bạn thực sự mong muốn, thích làm việc tự do và có khả năng phát triển sự nghiệp với nó, hay bạn đang quá sợ hãi và lười biếng không dám đối mặt với những sóng gió của cuộc đời nên cứ chui vào lớp vỏ an toàn, không rõ ràng cho tương lai này?
Chúng ta không nhất định phải có một công việc văn phòng như bao người. Chúng ta có thể làm toàn thời gian, bán thời gian, làm tự do, khởi nghiệp,... Hình thức làm việc không quan trọng, quan trọng là bạn luôn không ngừng nỗ lực để phát triển sự nghiệp, và phát triển chính mình mỗi ngày.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo Trí Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét