30 thg 7, 2018

Những ngân hàng nào đang sinh lời tốt nhất trên thị trường?

Nếu không xét tăng trưởng từ thu nhập lãi cơ bản - nghiệp vụ truyền thống của các TCTD, thì 3 "ngôi sao" TCB, VPB và HDB đều ghi nhận điểm chung có sự tăng mạnh về thu hoạt động dịch vụ - cho thấy những nỗ lực cạnh tranh và khả năng phát huy lợi thế riêng trong định hướng ngân hàng bán lẻ.

Đua báo lãi nghìn tỷ
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 4/2018, tổng tài sản của hệ thống tín dụng đạt 10,190 triệu tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ cho vay đạt 6.654 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ; trong khi đó huy động vốn trên thị trường 1, từ cá nhân và tổ chức lần lượt tăng trưởng 12,7% và 21,6%.

Đặc biệt, mục tiêu tiếp tục xử lý nợ xấu, đưa tỷ lệ về thấp hơn so với mức dưới 3%, đã được các ngân hàng thực hiện quyết liệt với trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, nhiều ngân hàng thậm chí hoàn tất xóa nợ trái phiếu VAMC…Tại thời điểm 31/3, nợ xấu của hệ thống tín dụng, bao gồm nợ xấu nội bảng lẫn trái phiếu VAMC, nợ đã được cơ cấu thời gian trả nợ chỉ còn khoảng 2,18%. Toàn hệ thống đã xử lý được 100,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 - Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Tăng trưởng tín dụng mạnh, nhiều ngân hàng gần cạn "quota" được cấp, huy động tích cực, thanh khoản dồi dào với mặt bằng ổn định, chính sách tiền tệ linh hoạt  và nỗ lực giảm sốc cho các cú điều chỉnh tăng giá đồng USD tác động đến tỷ giá và thị trường ngoại hối, cùng với đó là ghi nhận hoàn nhập dự phòng từ các khoản trích lập xử lý nợ xấu năm trước, ngành ngân hàng nhờ đó đang có những khoản lãi khổng lồ.

Đơn cử như Vietcombank (VCB) có kết quả kinh doanh bán niên khả quan với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với cùng kỳ 2017 và đi được hơn nửa mục tiêu kế hoạch 2018.

Techcombank (TCB), theo BCTC chưa kiểm toán, ghi nhận 5.196 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gần gấp đôi so với cùng kỳ 2017.

Được đánh giá là "có hụt chân" so với lịch sử tăng trưởng luôn vượt kế hoạch, VPBank (VPB) cũng báo lãi 4.375 tỷ đồng tới 31/6/2018, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ.

HDBank (HDB) gây ấn tượng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, đạt 2.063 tỷ đồng, tương đương 52,4% kế hoạch năm và tăng 134 % so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất của HDBank tính từ trước cho đến nay.

Sinh lời hiệu quả nhất vẫn là các ngân hàng bán lẻ tư nhân

Nếu không xét tăng trưởng từ thu nhập lãi cơ bản - nghiệp vụ truyền thống của các TCTD, thì  3 "ngôi sao" TCB, VPB và HDB đều ghi nhận điểm chung có sự tăng mạnh về thu hoạt động dịch vụ - cho thấy những nỗ lực cạnh tranh và khả năng phát huy lợi thế riêng trong định hướng ngân hàng bán lẻ.

Cụ thể, TCB ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng thu phí thuần trong tổng thu nhập hoạt động. Ngoài cấu trúc cho vay được cho là gắn với bất động sản và hệ sinh thái tiêu dùng của Masan-đơn vị nắm 15% quyền lợi ích tại TCB, ngân hàng này cũng đang có lợi thế về thu phí dịch vụ từ thanh toán lương của các tập đoàn lớn như Vingroup, Masan, Sungroup…

HDBank, với hệ sinh thái riêng gồm hàng không-tài chính-tiêu dùng-bán lẻ, đang thể hiện "đặc quyền" thu lợi với tăng trưởng thu từ hoạt động dịch vụ cao nhất trong hệ thống (172%). Riêng HD Saison đóng góp cho lợi nhuận của HDBank hơn 400 tỷ đồng – con số cao nhất từ trước tới nay đến nay và tăng 70% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát điều mà HDBank được hưởng khi HD Saison triển khai cho vay mua vé máy bay Vietjet, thanh toán qua HDBank, dự kiến còn lớn hơn nhiều so với lợi nhuận đang trực tiếp ghi nhận.

Trong khi đó, tiếp tục cược "gà đẻ trứng vàng" FE Credit với 50% doanh thu và lợi nhuận đóng góp từ Công ty Tài chính, VP Bank có thể sẽ phải tiếp tục "sống cùng rủi ro" hoặc có một thay đổi chiến lược cho vay tạo tăng trưởng nóng của chính FE Credit. Trong 6 tháng đầu năm, Fe Credit chỉ đóng góp 36% vào lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất – sự sụt giảm tỷ trọng đáng kể.

Ngoài 3 ngân hàng nói trên thì các ngân hàng trong nhóm cổ phần nhà nước cũng lãi lớn. Tuy nhiên xét riêng khả năng sinh lời thì Techcombank, VPBank, HDB Bank mới là những ngân hàng hiệu quả nhất.

Chẳng hạn với kết quả doanh đột biến, TCB đang có ROA và ROE lần lượt 3,16% và 24,3% -phản ánh tăng trưởng lợi nhuận tốt và xóa bỏ nợ xấu trên bảng cân đối đồng thời thể hiện lợi thế về tăng trưởng vốn của mình. HDBank, ở đỉnh cao tăng trưởng, với ROA và ROE lần lượt 1,74% và 21,11%, cũng đang vượt chỉ số sinh lời so với mặt chung của thị trường (quý I/2018, ROA và ROE của ngành là 0,25% và 3,25%). Với CAR hơn 13%, lại giữ vị trí có nợ xấu thấp nhất hệ thống (0,93% riêng lẻ và 1,31% hợp nhất với Công ty tài chính tiêu dùng) - HDBank đồng thời thể hiện việc kiểm soát chất lượng tài sản và cung cấp cho vay, dịch vụ cho vay tiêu dùng hiệu quả.

Trước khi các ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 2, theo khảo sát của Vụ Dự báo – Thống kê Ngân hàng Nhà nước thì có tới 67,4% TCTD nhận định tình hình kinh doanh trong quý 2/2018 có cải thiện tốt hơn so với quý trước, trong số đó 18,8% TCTD nhận định "cải thiện nhiều". Những kết quả đạt được của các ngân hàng kể trên đã minh chứng cho kết quả khảo sát đó, chính là những ngân hàng đã "cải thiện nhiều" về lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay.

Nguồn Trí Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét