10 thg 7, 2018

Phát huy tối đa nguồn lực khu vực tư nhân

Tại Hội nghị lần thứ 17 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM Khóa X mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, TP.HCM duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định.
Đây là một trong những kết quả nổi bật trong 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.

Mức tăng trưởng của Thành phố năm sau cao hơn năm trước, như năm 2016 đạt 8,05%, năm 2017 đạt 8,25%, năm 2018 ước tăng 8,35%, bình quân 8,2%/năm, gấp khoảng 1,3 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước.

Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM hiện còn một số hạn chế cần có giải pháp giải quyết nhanh. Cụ thể, chỉ số cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu và đang đứng hàng thứ 5 của cả nước. Tỷ lệ xuất khẩu vẫn giữ ở mức 16,8% từ năm 2015 đến nay, so với cả nước vẫn thấp và mức hiện nay lại thấp hơn nhiều so với năm 2011 (trên 40%).

Tăng trưởng kinh tế với mục tiêu 8 - 8,5% thì với tốc độ hiện nay không tiệm cận được 8,5%. Đó là chưa kể thu hút đầu tư nước ngoài chỉ chiếm tỷ trọng 27%, chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò là trung tâm kinh tế - tài chính cả nước của TP.HCM.

Tại cuộc họp báo thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 17 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM Khóa X cuối tuần trước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập đến kết quả thực hiện 7 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM Khóa X đề ra.

Theo Bí thư Thành ủy, quá trình thực hiện chương trình này gặp nhiều trở ngại, đó là tình trạng thiếu vốn, giải phóng mặt bằng chậm, trật tự kỷ cương quản lý nhà nước và sự tham gia của người dân trong các công trình liên quan còn hạn chế. Đặc biệt, tình trạng thiếu vốn có thể dẫn đến nguy cơ nhiều công trình trọng điểm không đạt tiến độ xây dựng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong bối cảnh tỷ lệ vốn giữ lại của TP.HCM thấp thì nguồn vốn cho đầu tư phát triển phụ thuộc vào việc xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân. Ở mỗi công trình, ít nhất 30 - 45% nguồn vốn phải được huy động từ khu vực tư nhân mới có thể triển khai.

Trước đó, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Chánh văn phòng UBND TP.HCM - ông Võ Văn Hoan đã đề cập đến tình trạng thiếu vốn tại các công trình trọng điểm của TP.HCM, như công trình chống ngập gần 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư.

Đối với chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, chính quyền Thành phố nhấn mạnh đến vấn đề vệ sinh môi trường nhằm thực hiện mục tiêu đưa TP.HCM trở thành đô thị đáng sống. Nhất là việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung, áp dụng công nghệ mới, hạn chế dần phương thức chôn lấp vì ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị và đời sống dân cư.

Theo ông Võ Văn Hoan, Thành phố phát triển quá nhanh nên nhu cầu xử lý rác thải tăng cao với 8.000 tấn/ngày và có thể tăng hơn nữa. TP.HCM đang kêu gọi các nhà đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt để phát điện.

Người phát ngôn UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu, tìm nhà đầu tư để phát triển càng nhiều nhà máy xử lý rác thải càng tốt. Khi có nhiều nhà máy thì sẽ có cạnh tranh về giá, về phương pháp xử lý.

Nguồn DNSG

0 comments:

Đăng nhận xét