Bruce Lee có câu: "Loài cây cứng cáp nhất sẽ không hề run sợ trước những lưỡi rìu". Hãy coi mỗi nhân viên văn phòng là một thân cây. Hãy tôi luyện bản thân trở nên cứng cáp để không bị gục ngã khi lưỡi rìu mang tên "stress" giáng xuống chiếc bàn làm việc của bạn. Hãy thay đổi tư duy của bản thân bạn ngay từ bây giờ.
Stress – "Kẻ mà ai cũng biết là ai" chốn "thiên đường" bàn giấy
Làm công việc chăm sóc khách hàng qua điện thoại, Anthony phải thực hiện khoảng 250 cuộc gọi mỗi ngày. Anh cũng dần chai lì với việc bị vô số khách hàng "cục cằn" cứ hét vào điện thoại mà chửi bới, nhục mạ vì cho rằng anh đang làm phiền họ.
Mỗi ngày Anthony phải uống đến 6-8 cốc café để giữ mình tỉnh táo mà nghe khách hàng chửi. Thậm chí, hết giờ làm việc, anh vẫn tìm đến rượu, bia để giải sầu. Tệ hơn, cứ nửa đêm, anh lại giật mình tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa trong cơn đau nhức toàn thân. Anthony quyết định đến gặp bác sĩ vật lý trị liệu để chấm dứt chuỗi ngày ác mộng này.
Và vị bác sĩ đã cho biết, stress đã ảnh hưởng nặng nề đến thể trạng của anh. Bằng mắt thường, ông ấy cũng có thể dễ dàng nhận thấy vai anh luôn trong trạng thái căng cứng, không thể thả lỏng thoải mái; bàn tay anh cũng luôn nắm chặt một cách cứng nhắc, gò bó. Chính Anthony cũng không hề nhận ra những biểu hiện tiêu cực này.
"50 sắc thái" đối phó với stress
Trước tiên, tưởng không liên quan nhưng lại liên quan không tưởng, hãy chú ý đến một hiện tượng thú vị trong thế giới động vật hoang dã. Có thể bạn chưa biết, trong trường hợp bị loài báo tấn công, nếu một con linh dương chạy thoát khỏi kẻ săn mồi hung hăng thì sau đó, nó sẽ không tìm về với bầy đàn ngay lập tức. Nó sẽ dành khoảng một tiếng đồng hồ để tìm giải pháp xả hết lượng adrenaline tích tụ sau cuộc rượt đuổi sống còn (adrenaline là một loại hormone được tiết ra khi loài vật sợ hãi, căng thẳng). Sau đó, khi con linh dương cảm thấy ổn định trở lại, chúng mới tìm lại và gia nhập vào bầy đàn như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Nhưng phần lớn các nhân viên công sở lại không "học hỏi" được phản ứng của loài linh dương trước các tình huống căng não. Thậm chí sau khi gặp phải stress, họ vẫn cứ gồng mình gắng gượng quay trở lại giải quyết công việc ngay lập tức, mà thay vào đó, họ nên xả hết cảm giác bực dọc, khó chịu.
Họ vẫn cứ để những nỗi ám ảnh, chán chường, bất mãn phát sinh trong công việc ấy bủa vây trong tâm trí mình. Họ còn không hề tìm kiếm một giải pháp hiệu quả để giải phóng "độc tố" adrenaline thường phát sinh mỗi khi stress.
Bạn sẽ làm gì khi vừa bị sếp phàn nàn về hiệu quả công việc tệ hại của mình trong thời gian qua? Bạn sẽ làm gì khi bị phê bình, thậm chí bị "sỉ nhục" trong một công họp lớn?
Mỗi người sẽ có cách thức riêng để xử lý đống stress trên.
Có người sẽ cứ một mình âm thầm chịu đựng nỗi đau đó, thậm chí, họ còn không nhận ra họ đang tự hành hạ bản thân mình nếu cứ tiếp tục làm vậy.
Có người lại xả stress theo cách kém hiệu quả, ví dụ như, họ thư giãn bằng việc ngồi xem TV như cái xác không hồn mà mắt vẫn hướng đến thông báo ting ting liên hồi trên group chat công việc, hay họ sẽ mượn rượu giải sầu.
Có người lại cố gắng gồng mình quyết tâm vực dậy bản thân và luôn miệng tuyên bố với đồng nghiệp rằng: "Em vẫn ổn, chị không cần phải lo cho em".
Stress là tâm bệnh, vậy thì phải trị bằng "tâm dược"
Nhắc đến các giải pháp điều trị stress chốn công sở, người ta thường hay nghĩ tới các phương pháp thư giản, giải trí, vận động cơ thể… sau chuỗi ngày mệt mỏi. Nhưng bạn có biết rằng, stress cũng thường "đâm rễ" từ chính tư tưởng, tư duy, cách suy nghĩ tiêu cực trước một vấn đề nan giải của bạn. Và dưới đây là một số linh đan "tâm dược" dành cho bạn:
Tâm dược 1: Lo lắng làm gì cho hao mòn nhan sắc, thêm bệnh vào người.
Mỗi khi vướng phải khó khăn trong công việc, một số người thường có tâm lý lo âu, sợ sệt, ám ảnh, không ngừng nghĩ đến vấn đề đó đến quên ăn mất ngủ.
Bạn đã từng?
-Luôn để tâm đến việc ganh đua với thành tích của team sale "hàng xóm" (thay vì nghĩ đến việc trong quý này, thành tích của team mình đã tăng hạng được bao nhiêu phần trăm).
-Luôn lo lắng mỗi khi được phân công đi đòi nợ khách hàng khó đòi nhất và luôn tìm cách đùn đẩy cho người khác (thay vì cố gắng tìm cách đòi nợ tối ưu nhất).
-Luôn tự căm ghét, thất vọng vì bản thân mình vì đã không hoàn thành tốt KPI tháng này, sợ bị đuổi việc (thay vì tự động viên bản thân tháng sau cần cố gắng hơn nữa).
Một số người lại sợ hãi, ám ảnh stress trong công việc đến mức không dám trốn chạy, chỉ âm thầm chịu đựng, từng ngày bào mòn tinh thần và thể xác của chính mình.
Sự lo âu vô bổ chính là con dao găm nhỏ mà sắc có thể hạ gục một nhân viên văn phòng khỏe mạnh. Và những nỗi lo lắng khi không được giải tỏa và dần tích tụ thành stress cũng ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ, hiệu quả công việc, chất lượng giấc ngủ, sức khỏe, tâm trạng và thái độ làm việc của bạn.
Giải pháp ư? Bớt lo âu chuyện không đâu đi và thay vào đó, hãy tập trung giúp đỡ người khác. Hãy giúp vợ nấu một bữa cơm tối, hãy cùng con gải một bài toán khó, tình cảm gia đình sẽ giúp bạn không còn để tâm đến mối lo âu, căng thẳng trong công việc nữa.
Tâm dược 2: Bạn không bao giờ thắng được ván bài so đo với kẻ khác đâu. Hãy chỉ tập trung vào công việc của chính mình.
Phần lớn mọi người thường nghĩ rằng "Tôi phải thực hiện cho bằng được phương pháp sale của cậu bạn đồng nghiệp đó. Tháng vừa qua, cậu ta vừa được xếp loại A vì thành tích sale cao nhất" thay vì nghĩ "Tôi sẽ triển khai các phương pháp bán hàng phù hợp nhất với năng lực của tôi."
Mỗi phút giây bạn bỏ ra để ghen tị với đồng nghiệp là một phút giây lãng phí.
Khi bạn cứ liên tục so đo với đồng nghiệp, bạn sẽ dần đánh mất bản thân mình. Và khi đó, những giá trị bạn có thể tạo ra cho công ty sẽ dần vơi cạn.
Hay nói như tác giả Ryan Holiday:
"Đừng quan tâm đến những gì người khác đang làm. Trên đời này, chẳng hề có một cuộc ganh đua nào cả, chỉ là bạn tự tạo ra nó mà thôi. Hãy cứ phát huy tối đa những gì bạn có thể."
Thay vì lãng phí thời gian và tâm sức lao vào ván bài so đo với kẻ khác một cách vô bổ, hãy dành thời gian chú tâm vào công việc của mình.
Một lời khuyên chỉ vỏn vẹn trong 6 chữ mà có thể đem lại cho bạn 60 năm vui vẻ, thanh thản trong sự nghiệp của mình và hạn chế tối đa stress:
"Đi đúng làn đường của bạn".
Bạn có thể đi nhanh, đi xa, miễn là bạn đừng nhìn sang làn đường của người khác để so đo xem ai đi nhanh hơn, xa hơn. Tai nạn giao thông có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Một lần nữa, tôi phải nhắc lại.
Ngưng đố kỵ. Hãy tập trung vào công việc của chính bạn. Học hỏi, trải nghiệm, thất bại rồi lại đứng lên tiếp tục chiến đấu với đống deadlines ngập đầu ngập cổ.
Theo Trí Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét