Với biên lợi nhuận ổn định và tăng trưởng đều, ngành nước sạch luôn có sức hấp dẫn với doanh nghiệp nội lẫn nhà đầu tư ngoại.
Chỉ mới tham gia vào lĩnh vực kinh doanh nước sạch nhưng trong năm 2017, Công ty CP Nhựa Đồng Nai (DNP) đã có khoản doanh thu gần 70 tỷ đồng và lãi ròng 5 tỷ đồng. Mặc dù tỷ trọng này còn thấp so với doanh thu của ngành nhựa - mảng kinh doanh cốt lõi của DNP nhưng Ban lãnh đạo Công ty đã xác định sẽ chuyển hướng trọng tâm đầu tư mạnh hơn vào ngành nước.
Theo ông Vũ Đình Độ - Chủ tịch HĐQT Nhựa Đồng Nai, cạnh tranh trong ngành nhựa ngày càng gay gắt do nhiều doanh nghiệp có nguồn lực mạnh tham gia. Do đó, ngành nước sạch đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Ông Độ tiết lộ, đến nay, Nhựa Đồng Nai đã đầu tư vào các công ty thành viên, công ty liên kết trong ngành nước sạch đạt công suất thiết kế lên 580.000m3/ngày đêm và đặt mục tiêu đến năm 2022, đạt 1 triệu m3/ngày đêm.
Nhựa Đồng Nai cũng là công ty tư nhân đầu tiên được Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC thuộc Ngân hàng Thế giới cung cấp khoản vay hơn 24 triệu USD để đầu tư vào ngành nước sạch.
Ông Nguyễn Văn Bút - Phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ODA giảm dần, ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi các nguồn lực từ khu vực tư nhân là rất cần thiết. Dự toán nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cấp nước sạch ở Việt Nam khoảng 10 tỷ USD trong 5 năm tới.
Hơn nữa, theo Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng, mục tiêu đến năm 2025, 100% dân cư ở các đô thị được cấp nước sạch. Đây là cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp cung cấp nước sạch.
Không những thế, xét về cơ chế đầu tư, đại diện Nhựa Đồng Nai nhấn mạnh, Việt Nam khá thoáng trong việc xã hội hóa lĩnh vực nước sạch. Nếu như tại Malaysia, tư nhân chỉ được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thì Việt Nam cho phép cả đầu tư trực tiếp lẫn BOO (xây dựng - vận hành - sở hữu). Giá nước do từng địa phương quyết định và nhà đầu tư cũng nhận được nhiều ưu đãi về thuế, đất, tín dụng từ Nhà nước
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn thấy tiềm năng của ngành nước tại Việt Nam nên đã đổ nguồn lực đầu tư vào đây. Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) - liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia (SGRF) của Oman và Tổng công ty Quản lý vốn nhà nước (SCIC) - đã đầu tư 19 triệu USD xây dựng Nhà máy Nước Sông Hậu, đã đi vào hoạt động vào cuối năm 2017, cung cấp một phần nước sạch cho tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.
VOI cũng đã khởi động xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Đuống với tổng nguồn vốn đầu tư 225 triệu USD, cung cấp nước sạch cho người dân ở Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Một tên tuổi khác phải kể đến là Công ty Manila Water Asia Pacific (Philippines) thông qua việc mua cổ phần của Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) để đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào ngành nước sạch Việt Nam. Hiện SII nắm 11 công ty con và công ty liên kết trong ngành nước với mục tiêu trở thành nhà phát triển hạ tầng hàng đầu trong ngành công nghiệp nước sạch tại Việt Nam.
Rồi các quỹ đầu tư như VOF, Dragon Capital, Maybank Kim Eng, Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VMFVF1), Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam (VFMVF2) cũng không bỏ qua "món hời" của ngành nước sạch, cũng đang mua cổ phần tại các công ty con của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).
Cảnh giác với rủi ro
Kỳ vọng về mặt bằng giá tăng trong tương lai gần khiến các khoản đầu tư có khả năng sinh lời tốt là nhân tố thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành nước sạch. Hiện nay, Nhà nước đang trợ cấp ngang giá cho mọi đối tượng theo hướng giá thấp, nên có lợi cho người thu nhập cao, không khuyến khích tiết kiệm nước, đồng thời ảnh hưởng đến sự bền vững tài chính của các công ty cấp nước, mà hệ quả là không có nguồn lực tái đầu tư. Sức ép này không sớm thì muộn buộc Nhà nước phải tăng giá nước theo lộ trình.
Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Chính phủ, trong 3 năm, từ 2017 - 2019, Nhà nước sẽ thoái vốn dần dần trên 57 công ty thuộc ngành cấp thoát nước, trải dài từ Hậu Giang đến Lạng Sơn. Trong số này có 24 công ty được bán với tỷ lệ sở hữu hơn 50% vốn điều lệ.
Nhiều năm qua, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) đã đầu tư vào 7 công ty sản xuất nước sạch, chủ yếu phục vụ cho TP.HCM, chiếm đến 20% nguồn cung cấp nước sạch. Các công ty này đều có doanh thu và lợi nhuận ổn định do nhu cầu tiêu thụ lớn, như Nhà máy Nước B.O.O Thủ Đức luôn đạt doanh thu trên 300 tỷ đồng và lãi ròng gần 100 tỷ đồng/năm. Riêng trong năm 2017, REE đã kiếm khoản lãi ròng gần 100 tỷ đồng từ kinh doanh nước sạch.
Các khoản đầu tư của REE vào lĩnh vực nước sẽ sinh lời do TP.HCM tiếp tục nâng công suất cấp nước sạch từ 1,7 triệu m3/ngày lên 2,18 triệu m3/ngày. Hưởng lợi từ đây, các nhà máy nước của REE đã hoạt động hết công suất, và kỳ vọng đón giá nước sạch tăng vì TP.HCM đang đề xuất tăng giá thêm 10%/năm.
Nhiều yếu tố hấp dẫn nhưng ngành nước không phải không có rủi ro. Đó là tình trạng xâm nhập mặn, vùng nước ô nhiễm, mà các yếu tố này nằm ngoài kiểm soát của các nhà máy nước. Theo ông Vũ Đình Độ, nếu chọn đặt nhà máy sai vị trí hoặc ham suất đầu tư rẻ để đặt nhà máy gần vùng tiêu thụ mà không tính đến vùng sản xuất công nghiệp gần kề thì rủi ro khó lường, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Do đó, Nhựa Đồng Nai luôn yêu cầu chính quyền sở tại cam kết vùng cấp nước là an toàn mới tiến hành xây dựng nhà máy. Nhựa Đồng Nai cũng đầu tư công nghệ tiên tiến để phòng chống việc tăng độ mặn bất thường của vùng nước.
Chiến lược đầu tư của REE là tìm cách mua cổ phần chi phối ở các công ty sản xuất nước sạch đã hoạt động ổn định và đã được quy hoạch vùng nước an toàn. Tuy nhiên, REE cũng tính toán đầu tư vào công ty có mạng lưới hạ tầng nước bán đến từng hộ gia đình để tăng doanh thu và lợi nhuận.
Tuy nhiên, REE chủ yếu hướng đến các công ty hoạt động ở vùng ven thành phố hoặc các tỉnh - nơi mà đường ống dẫn nước mới xây dựng, dễ kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước. Tương tự, SII cũng hướng các nguồn lực đầu tư mạng lưới phân phối nước sạch ở các tỉnh hoặc vùng ven TP.HCM như Củ Chi.
Nguồn DNSG
0 comments:
Đăng nhận xét