Sự thật không phải là sự thật. Nhận thức mới là sự thật. Bởi vì con người bị cảm tính chi phối trong các hoạt động nhận thức thế giới chung quanh. Và điều nghịch lý là đa số vẫn nghĩ rằng họ đang rất logic.
Mesut Oezil là 1 trong 5 cầu thủ chạy nhiều nhất của Die Mannschaft. Và con số 10,23 km mà anh có trước Hàn Quốc cao hơn quãng đường di chuyển bình quân của 20 đội tuyển tại Word Cup 2018. Chi tiết thứ hai: 7 đường kiến tạo (key-pass) là kỉ lục cao nhất mà một cầu thủ có thể đạt tới sau tổng cộng 48 trận đã đấu ở vòng bảng World Cup 2018.
Tính cả trận ra quân thua Mexico, Oezil sở hữu tổng cộng 11 key-pass, bình quân 5,5 lần/trận – hiệu suất cao nhất toàn giải. Whoscored chấm Oezil 7,6 điểm – cao nhất tuyển Đức và chỉ kém 3 cái tên nổi bật ở hàng thủ Hàn Quốc: thủ môn Hyun-Woo, trung vệ Young-Gwon và hậu vệ phải Lee Yong (nguồn: bongda24h).
Đó là thực tế những gì Oezil có. Hoá ra anh chạy nhiều, chuyền nhiều và sút nhiều.
Còn nhận thức của hầu như cả thế giới về anh thì sao?
Khá nhiều giả Đức mặt trên khán đàn sân Kazan Arena thóa mạ Oezil. Anh bị coi là kẻ lười nhác khiến Đức thất trận và rời World Cup ngay sau vòng bảng. Ở cấp độ câu lạc bộ, không khó để đọc những bài báo mô tả Oezil là kẻ lười di chuyển, thi đấu không hết mình.
Cựu HLV Arsenal là Asene Wenger đã nhận xét thế này: Mesut là một chàng trai luôn tận tậm và hết mình vì đội bóng, vượt xa tất thảy những đánh giá tiêu cực về cậu ấy. Ngôn ngữ cơ thể của Mesut làm hại cậu ấy.
Quả thật ai đã xem Oezil đều đồng cảm chia sẻ này của ông Wenger. Khuôn mặt uể oải, động tác trễ nải, dáng chạy thiếu nhanh nhẹn. Oezil đã đánh lừa thị giác người xem theo hướng tiêu cực, ngược với chất lượng thi đấu của anh.
Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính.
Đã có cuốn sách về kinh tế học nghiên cứu rất sâu về hiện tượng "bất công" trong cách con người chúng ta hành xử phán xét vạn vật xung quanh. Một sự thật trần trụi là con người hiện đại trong thế giới văn minh ngày nay vẫn chưa thoát khỏi hẳn những thói quen hành xử của tổ tiên động vật bò sát xa xưa. Não bò sát, vốn phản ứng với thế giới xung quanh chủ yếu để phòng thủ, tự vệ và trốn tránh sự sợ hãi bất an, vẫn hiện diện như một phần của con người hiện đại.
Ngôn ngữ cơ thể của Mesut làm hại cậu ấy.
Ông Wenger nhận xét có lý. Rõ ràng nhận thức không tự nhiên có. Nó phải đến từ những tín hiệu, dấu hiệu nào đó. Câu chuyện của Mesut Oezil khiến tôi nhớ đến không hiếm câu chuyện tương tự về nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm họ mua.
Có doanh nghiệp loay hoay cả năm trời không bán được hàng cho dù anh có sản phẩm chất lượng rất tốt. Chính vì tự tin sản phẩm tốt vượt trội nên anh mạnh dạnh đánh vào phân khúc cao cấp. Đầu tư nhiều vào sản phẩm nhưng anh lại xem nhẹ hình thức sản phẩm. Bao bì sơ sài, tên thương hiệu đặt cẩu thả. Anh quan niệm rằng tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Sản phẩm tốt cộng với mức giá khá hấp dẫn ắt sẽ bán tốt. Nhưng khách hàng không nghĩ như vậy. Hình thức bao bì kém chuyên nghiệp & một mức giá quá thấp khiến họ có một nhận thức tiêu cực về sản phẩm của anh.
Chúng ta phải làm gì với nhận thức chưa đúng.
"Có người thích tôi. Có người không. Mọi người nhìn vào ngôn ngữ cơ thể của tôi và cho rằng tôi chẳng nỗ lực vì tập thể. Kệ họ thôi. Tôi trước sau vẫn là tôi. Chẳng có lý do gì khiến tôi phải thay đổi phong cách của mình cả".
Oezil có lý, trong cuộc sống cá nhân không nhất thiết phải chạy theo người khác. Nhưng có lẽ trong kinh doanh, thay đổi nhận thức chưa đúng của khách hàng là một công việc cần thiết. Khách hàng hành xử cảm tính. Nhưng doanh nghiệp không được phép cảm tính như khách hàng.
(Nội dung này đã được đăng trên Group FB Quản trị & Khởi nghiệp)
0 comments:
Đăng nhận xét