Vào 0h01p sáng ngày 6/7 theo giờ Washington, hải quan Mỹ sẽ bắt đầu thu thuế 25% đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ những chiếc máy cày cho đến chip bán dẫn và linh kiện máy bay.
Theo Bloomberg, hôm qua (5/7), khi đang trên đường tới Montana, ông Trump đã nói với các phóng viên cùng có mặt trên chiếc Air Force One rằng thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực sau nửa đêm 5/7 theo giờ Mỹ. 16 tỷ USD hàng hóa khác sẽ bị đánh thuế sau 2 tuần nữa. Thậm chí ông Trump còn nói rằng cuối cùng tổng số hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế có thể lên đến 550 tỷ USD, lớn hơn cả lượng hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hàng năm.
Vào 0h01p sáng ngày 6/7 theo giờ Washington, hải quan Mỹ sẽ bắt đầu thu thuế 25% đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ những chiếc máy cày cho đến chip bán dẫn và linh kiện máy bay. Đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc sau nhiều tháng buộc tội Bắc Kinh ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và khiến thâm hụt thương mại của Mỹ ngày càng phình to.
Kinh tế thế giới đứng trước nhiều nguy cơ
Theo giới phân tích, "canh bạc" đầy rủi ro của Tổng thống Trump đang bước sang 1 giai đoạn mới nguy hiểm hơn. "Khi thuế quan chính thức có hiệu lực, mọi thứ trở nên rõ ràng rằng xung đột thương mại là có thực. Mọi thứ có thể tiến triển rất nhanh, giống như 1 quả cầu tuyết đang lăn xuống", Robert Holleyman, cựu phó đại diện thương mại Mỹ dưới thời ông Obama nhận xét. Khi các nước trả đũa lẫn nhau, người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên thế giới sẽ phải trực tiếp gánh chịu chi phí. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế vào một loạt mặt hàng từ đậu tương đến thịt lợn mà nước này nhập khẩu từ Mỹ.
Trước đó EU và Canada đã đáp trả thuế nhôm và thép nhập khẩu của Mỹ.
Theo Bloomberg Economics, nếu như Mỹ và Trung Quốc "hạ nhiệt" sau những đòn đầu tiên, kinh tế hai bên sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên trong kịch bản tồi tệ nhất là Mỹ đánh thuế 10% đối với tất cả các nước còn lại trên thế giới và các nước đồng loạt trả đũa thì đến năm 2020 tăng trưởng của Mỹ có thể giảm 0,8 điểm phần trăm.
IMF cũng cảnh báo nếu căng hẳng thương mại kéo dài đà tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2011 của kinh tế thế giới có thể bị xói mòn. Trong khi đó các chuyên gia kinh tế của JPMorgan Chase lo ngại rủi ro lớn nhất sẽ là những tác động gián tiếp từ việc điều kiện tín dụng bị thắt chặt và niềm tin của doanh nghiệp suy giảm, khiến đầu tư sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và thị trường tài chính cũng đối mặt với nhiều nguy cơ.
Harley-Davidson là một trong những công ty mang tính biểu tượng của nước Mỹ bị ảnh hưởng. Nhà sản xuất motor này vừa tuyên bố sẽ chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi nước Mỹ để tránh bị EU đánh thuế. Bên cạnh đó có nhiều công ty khác từ Apple, Walmart cho đến General Motors đang đặt nhà máy ở Trung Quốc và sẽ rất dễ trở thành đối tượng bị Trung Quốc trả đũa bằng cách làm chậm các thủ tục hải quan, tăng cường thanh tra thuế và siết chặt chính sách quản lý.
Trump đang trên lộ trình thực hiện lời hứa đặt nước Mỹ lên trước tiên trong các chính sách kinh tế và ngoại giao mà ông đã đưa ra khi tranh cử Tổng thống cách đây 2 năm. Ông luôn buộc tội Trung Quốc cướp đi việc làm trong ngành sản xuất của người Mỹ và thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng, gây ra thâm hụt thương mại song phương lên tới 336 tỷ USD.
Chính thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử đã giúp ông ghi điểm với các cử tri. Tuy nhiên hiện tại các chuyên gia đang cảnh báo nếu như chiến tranh thương mại lên đến đỉnh điểm và nền kinh tế của các bang nông nghiệp - cũng chính là những người ủng hộ ông nhiều nhất - sẽ bị thiệt hại và do đó đảng Cộng hòa sẽ gặp bất lợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét