7 thg 7, 2018

Vụ chiếm đoạt 50 tỷ tại Eximbank: "Hot girl ngân hàng" bật khóc tại tòa

Trong 2 ngày 5 và 6/7, TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Thị Lam (SN 1987, trú xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) và 15 đồng bọn trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tới 50 tỷ đồng tại Chi nhánh ngân hàng Eximbank Vinh.
Cả 16 bị can này nguyên là cán bộ, nhân viên phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và Chi nhánh Eximbank Vinh bị truy tố xét xử về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi tạm dừng phiên tòa 7 ngày, với lý do một số tình tiết chưa được làm rõ và chưa có trong hồ sơ thì sau phần xét hỏi, Viện KSND đã đề nghị HĐXX đưa ra mức án đối với bị cáo Nguyễn Thị Lam là tù chung thân và Đặng Đình Hồng, nguyên giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương mức án 36 tháng tù; các bị cáo còn lại cho hưởng án treo.

Phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra với phần tranh luận “nảy lửa” của các luật sư bào chữa cho các bị cáo về việc luận tội của đại diện Viện KSND.

“Hot girl” Eximbank bật khóc tại tòa
Nguyễn Thị Lam
Theo cáo trạng, từ năm 2012 - 2016, Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng lòng tin, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn trả tiền lãi suất, tiền thưởng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như: Lệnh chi, bảng kê tiền, ủy nhiệm chi để khách hàng ký khống hoặc giả mạo chữ ký của khách hàng. Khi đã có trong tay các loại giấy tờ này, Nguyễn Thị Lam đưa đến cho nhân viên ngân hàng, nói dối là rút, chuyển tiền hộ khách hàng.

Một phần vì tin tưởng Lam, phần do sự chỉ đạo, quản lý lỏng lẻo của Đặng Đình Hồng, các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền mặc dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ, khách hàng không có mặt. Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của 6 khách hàng ở Nghệ An trong hệ thống ngân hàng Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Trong buổi xét hỏi ngày 5/7, luật sư tiếp tục đặt câu hỏi cho các khách hàng VIP để làm rõ số tiền Lam chiếm đoạt. Luật sư bào chữa cho bị cáo Lam cũng cung cấp chứng cứ thể hiện 1 trong số 6 khách hàng kể trên đã nhận một số khoản tiền từ Lam; các trao đổi vay mượn 12 tỷ đồng giữa Nguyễn Trung Hiếu và Nguyễn Thị Lam qua email và tin nhắn điện thoại. Tuy nhiên, ông Hiếu phủ nhận các bằng chứng này.

Trong quá trình điều tra, Nguyễn Thị Lam đã đề nghị được giám định sức khỏe tâm thần. Kết quả giám định cho thấy Lam bị rối loạn tâm lý chứ không bị tâm thần. Nữ bị cáo này đã bật khóc lớn khi nghe đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An đề nghị mức án chung thân.

Vị đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Đình Hồng mức án 36-39 tháng tù giam, các bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án nhẹ hơn và được hưởng án treo về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Tại phần tranh luận với quan điểm luận tội của viện kiểm soát,  luật sư bào chữa cho bị cáo Lam cho rằng không có cơ sở khẳng định Lam chiếm đoạt 50 tỷ đồng như cáo trạng nêu. Các tài liệu chứng cứ chứng minh số tiền mà nữ bị cáo này chiếm đoạt là hơn 36 tỷ đồng nên mức án chung thân mà đại diện Viện KSND đề nghị là quá nghiêm khắc.

Ngoài ra, trong vụ án có nhiều vấn đề chưa được làm rõ, đặc biệt là chứng minh dòng tiền đi của Lam sau khi chiếm đoạt. Vì vậy vị luật sư bào chữa cho bị cáo Lam đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án.

15 bị cáo đồng chối tội?

Trong ngày 6/7, các luật sư tiếp tục tranh luận với quan điểm luận tội của đại diện VKSND tỉnh Nghệ An.

Bị cáo Đặng Đình Hồng (nguyên Giám đốc Eximbank Đô Lương) cho rằng, bản thân và 14 nhân viên ngân hàng không có động cơ, không vụ lợi, không được gì trong vụ Nguyễn Thị Lam chiếm đoạt 50 tỷ đồng.

Bị cáo Hồng đứng bào chữa cho mình: “Bản thân tôi không có ý thức và động cơ phạm tội, không được lợi gì trong vụ việc này kể cả trong nhận thức trong suy nghĩ và trong việc làm thực tế. Mục đích cuối cùng chỉ mang lại hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận cho Ngân hàng Eximbank. Trong việc làm của tôi đó, bản thân tôi không ý thức được hành vi việc làm của mình gây nguy hiểm cho xã hội và gây ra hậu quả cho khách hàng”.

Bị cáo Hồng cũng nói lên thực trạng khó khăn của chi nhánh ngân hàng Eximbank Vinh khi Hồng làm giám đốc Phòng giao dịch, như nhân sự phòng giao dịch Đô Lương ít không đủ số lượng, lợi nhuận ít, sức ép huy động vốn…

Phía ngân hàng và luật sư của ngân hàng cũng đưa ra các quan điểm bảo vệ cho Eximbank. Riêng bị cáo Hồng nói: “Thực sự chúng tôi lúc đó được cấp trên khen ngợi tăng trưởng nguồn vốn, tăng trưởng dư nợ. Bản thân tôi về làm giám đốc chi nhánh mới ba năm mà vướng vào vòng lao lý hôm nay rất đau đớn. Tôi và 15 nhân viên là bị cáo hôm nay không tư lợi một đồng nào. Tôi mong HĐXX xem xét cho tôi được hưởng án tù treo”.

Tại phiên tranh luận, có hai nữ bị cáo khách kêu oan cho rằng bản thân không phạm tội và đề nghị xử lý cả trách nhiệm của khách hàng để Lam chiếm đoạt tiền.

Có tới 8 Luật sư bào chữa cho 8 bị cáo là nhân viên, kiểm sát viên ngân hàng bị truy tố cho rằng, hành vi của các kiểm sát viên và nhân viên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho 8 giao dịch viên, nhân viên và thủ quỹ có liên đới trong vụ án này.

Như đã đưa tin, từ năm 2012 đến 2016, Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Do tin tưởng Lam và với sự chỉ đạo, quản lý lỏng lẻo của Hồng và các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền mặc dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ, khách hàng không có mặt. Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của 6 khách hàng ở Nghệ An trong hệ thống ngân hàng Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Nguồn Baodautu

0 comments:

Đăng nhận xét