28 thg 8, 2018

Chuỗi thực phẩm an toàn với cuộc đua 3F

Người tiêu dùng sẽ có cơ hội nhiều hơn với thực phẩm an toàn khi nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào sản phẩm sạch, từ trồng trọt, chăn nuôi đến phân phối.

Tăng chuỗi thực phẩm an toàn
Giữa tháng 8/2018, Ban Quản lý Thực phẩm an toàn TP.HCM đã trao chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn cho 33 siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra khu vực TP.HCM, kho phân phối thực phẩm tươi sống của Saigon Co.op tại Bình Dương và 21 nhà cung cấp các mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản cho hệ thống phân phối của Saigon Co.op.

Trước đó, trong tháng 3/2018, Ban Quản lý Thực phẩm an toàn TP.HCM cũng đã trao 10 chứng nhận cho 7 nông trại sản xuất và 3 cơ sở chế biến thuộc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (Vingroup).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, để được cấp chuỗi thực phẩm an toàn, các đơn vị của Saigon Co.op phải kiểm soát điều kiện cơ sở vật chất tại đơn vị kinh doanh cũng như các yêu cầu về quy định của chuỗi. Trong đó, các nhà sản xuất, nhà cung cấp phải đảm bảo sản phẩm truy xuất nguồn gốc, không tồn dư hóa chất cấm sử dụng, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng và kiểm soát tốt từ sản xuất đến lưu thông.

Tính đến nay, TP.HCM đã cấp 215 chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Tổng sản lượng nông sản thực phẩm an toàn được chứng nhận cung cấp ra thị trường hơn 100.000 tấn/ngày, chủ yếu là rau củ quả, trứng, thịt, thủy sản. Trong số này, TP.HCM chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của thị trường, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Cụ thể, rau củ quả sản xuất tại TP.HCM chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu người dân, động vật sống 10%, thủy sản và sản phẩm thủy sản 15 - 20%.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, chuỗi thực phẩm an toàn mang lại lợi ích cho cộng đồng, đảm bảo thực phẩm đang lưu thông được quản lý chặt chẽ về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc. Khi gọi là chuỗi thì sản phẩm tham gia phải sạch từ đồng ruộng, chuồng trại cho đến phân phối. Vì vậy, VietGAP, GlobalGAP cùng những tiêu chuẩn khác nằm trong chuỗi này.

Để được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn, các cơ sở phải đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng cũng như hệ thống quản lý. Trong đó, các cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện thực phẩm an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các nhà sản xuất, nhà cung cấp phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, không tồn dư hóa chất cấm sử dụng và kiểm soát tốt từ sản xuất đến lưu thông.

"Triển khai chuỗi thực phẩm an toàn đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, trong đó vai trò của nhà bán lẻ rất quan trọng. Bởi chuỗi thực phẩm an toàn phải đảm bảo từ khâu sản xuất đến phân phối, bán lẻ đến tay người tiêu dùng nên khâu vận chuyển, bảo quản là rất quan trọng. Chuỗi thực phẩm an toàn ngày càng khẳng định vai trò là tiêu chí đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nhà bán lẻ, góp phần khuyến khích người tiêu dùng tin dùng sản phẩm nội địa", bà Phạm Khánh Phong Lan đánh giá.

Cuộc đua 3F
Mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín "từ trang trại đến bàn ăn" (gọi tắt là 3F, trong đó, Feed là thức ăn chăn nuôi, Farm là trang trại và Food là thực phẩm trên bàn ăn) đã được nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Điển hình là Công ty Vissan. Từ năm 2011, Vissan bắt đầu thực hiện mô hình này bằng việc xây dựng cụm công nghiệp chế biến thực phẩm ở Long An với vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Nhà máy được xây dựng khép kín, từ khâu giết mổ, chế biến, đóng gói. Khi đi vào hoạt động năm 2019, nhà máy của Vissan có công suất giết mổ thuộc hàng lớn nhất nước. Vissan đã hợp tác với đối tác Hà Lan thiết lập chuỗi giá trị cung ứng thịt heo sạch, an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc với tổng kinh phí 3 triệu USD.

Cuối năm 2015, Vissan công bố cung cấp đồng loạt thịt heo VietGap cho các điểm bán trong siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Đến giữa tháng 4/2016, Vissan khẳng định 100% thịt heo bán trên các quầy kinh doanh thịt tươi  của Công ty đều đạt chuẩn VietGAP. Vissan chuẩn bị áp dụng hút chân không cũng như đưa vào bao gói một số chất khí giúp gia tăng thời gian bảo quản sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty Vissan chia sẻ: "Theo đuổi mô hình này, doanh thu của Công ty có thể tăng cao nhưng lợi nhuận không tương xứng vì chi phí đầu tư lớn. Điều mà Vissan đạt được chính là thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng".

Cũng trong cuộc đua xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn, năm 2013, Công ty CP Ba Huân xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao tại Bình Dương với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 320 tỷ đồng. Tiếp đó, năm 2014, Công ty xây dựng nhà máy chế biến tại Long An với quy mô 3ha với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 60 tỷ đồng.

Nhà máy có khu giết mổ tự động công suất 1.500 - 2.500 con/giờ, khu chế biến thực phẩm công suất 4 - 10 tấn/ngày. Ngoài trứng, thịt gia cầm, Ba Huân còn sản xuất và cung cấp thịt gà tươi, xúc xích gà, lạp xưởng gà, chà bông gà, gà viên và một số món chế biến từ gà.

Tương tự, nhiều năm qua, Công ty Vĩnh Thành Đạt đầu tư mạnh cho chuỗi thực phẩm an toàn bằng nhà máy xử lý trứng gia cầm có truy xuất nguồn gốc. Mới đây, Công ty xây thêm nhà máy sản xuất trên diện tích 4ha tại Sóc Trăng với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Vĩnh Thành Đạt còn mở trang trại nuôi vịt đẻ trứng theo mô hình truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, bên cạnh việc cung cấp trứng gia cầm sạch, Vĩnh Thành Đạt còn sản xuất thực phẩm chế biến như trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu, trứng vịt muối ăn liền, trứng bắc thảo ăn liền.

Trong lĩnh vực nông sản, rau quả, VinEco bắt nhịp với cuộc đua 3F từ năm 2013. Theo đại diện của VinEco, tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn giúp Công ty hoàn thiện quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng. Trong tương lai, VinEco sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, tăng cường sản xuất, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất cũng như tăng số lượng mặt hàng để đáp ứng sự đa dạng của thị trường. Đến nay, mỗi tháng VinEco cung cấp ra thị trường gần 3.000 tấn nông sản an toàn gồm các loại rau, nấm, trái cây với gần 200 chủng loại, tương đương gần 36.000 tấn/năm.

Nguồn DNSG

0 comments:

Đăng nhận xét