Thay vì thông qua tòa án để giải quyết, không ít doanh nghiệp lại sử dụng công ty chuyên kinh doanh dịch vụ đòi nợ để thu hồi các khoản nợ từ đối tác.
Song, thực tế đã có nhiều biến tướng từ các công ty thu hồi nợ, gây hoang mang cho "con nợ", và nếu không ngăn chặn, niềm tin vào môi trường kinh doanh ổn định, bền vững sẽ bị tác động.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ (hay còn gọi là đòi nợ thuê) đang biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Thay vì tiến hành đòi nợ theo trình tự, quy định pháp luật thì các công ty này hay sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất xã hội đen; trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.
UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Tài Chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.
Lý do đưa ra kiến nghị trên theo UBND Thành phố, "vay nợ" là quan hệ dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án... Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại sẽ có thẩm quyền thi hành. Do đó, không cần thiết phải có thêm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.
rường hợp không thể cấm, Thành phố đề nghị trung ương ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động như quy định về đồng phục, số lượng nhân viên tối đa mỗi lần đòi nợ... để tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự. Ngoài ra, cần thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ, đối tượng đòi nợ để tránh tình trạng không đòi trực tiếp con nợ mà qua thân nhân và gia đình của con nợ, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân...
Theo thống kê của UBND TP.HCM, đến cuối năm 2017, trên địa bàn thành phố đã có 65 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để hoạt động ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Thế nhưng, chỉ có 44 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục và được cơ quan công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Con số này đã cho thấy dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê đang ẩn chứa quá nhiều bất ổn, bởi đã có những công ty hoạt động theo kiểu trá hình, lợi dụng sự chấp thuận của pháp luật để tồn tại ngoài luồng.
Chưa kể, theo khảo sát của chính quyền Thành phố, để đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ), các công ty đòi nợ thuê thường sử dụng nhiều chiêu trò mang tính chất xã hội đen như trấn áp khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhưng những hành vi như thế vẫn chưa cấu thành tội phạm vì chưa xảy ra hậu quả nên rất khó xử lý. Ngoài ra, hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện xuất hiện nhiều biến tướng. Một số vụ việc có đấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Mặc dù TP.HCM đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo phối hợp giữa các ngành, các cấp nhằm quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh này theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chưa có văn bản quy định cụ thể phạm vi địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Việc công ty đăng ký kinh doanh tại tỉnh, thành phố khác nhưng ủy quyền cho văn phòng đại diện tại TP.HCM để thực hiện việc thu hồi nợ cũng gây khó khăn trong công tác quản lý, vì văn phòng đại diện không quy định phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự nên cơ quan công an không quản lý được.
Năm 2017, các cơ quan chức năng Thành phố đã tổ chức kiểm tra 28 lượt doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phạt hành chính 13 trường hợp với tổng số tiền hơn 91 triệu đồng với các hành vi vi phạm như sử dụng nhân viên không đúng điều kiện tiêu chuẩn; hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh trật tự mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Điển hình như Công ty CP dịch vụ đòi nợ Nam Sài Gòn; Công ty TNHH Dịch vụ đòi nợ Phương Nam và Công ty TNHH Dịch vụ đòi nợ Trung Nghĩa. Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì phát hiện cùng hành vi vi phạm "Hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự". Công an Thành phố đã phạt mỗi đơn vị 20 triệu đồng.
PGS.TS. Nguyễn Văn Trình - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam thì chưa phù hợp để phát triển loại hình kinh doanh đòi nợ thuê vì các quy phạm pháp luật và cơ chế kiểm tra giám sát của cơ quan Nhà nước cũng không theo kịp.
Cũng theo ông Trình, ở các nước trên thế giới điển hình là Mỹ, dịch vụ đòi nợ thuê phải tuân thủ chặt chẽ các quy đinh về thời gian, cách thức, quy trình phối hợp với cơ quan chức năng và sẽ bị xử lý nghiêm nếu có hình thức khủng bố, đe dọa an toàn người dân.
Theo đó, bên đòi nợ chỉ được phép liên lạc với khách hàng vay tiền trong khung giờ từ 8h đến 21h; công ty đòi nợ cũng không được tiếp cận bên vay nợ ở nơi họ làm việc sau khi đã được khách hàng cho biết hành vi đó là không được người chủ lao động cho phép hoặc chấp nhận...
Mới đây tại nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 đề nghị Bộ Công an phải ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen", siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi. Trước đó, hồi tháng 8, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Bộ Tài chính đã đề xuất Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự với các công ty này.
Các doanh nghiệp phải cấp đồng phục cho người lao động (có tên công ty, mẫu công khai tại trụ sở chính và các chi nhánh). Nhân viên phải đeo thẻ và xuất trình giấy giới thiệu của công ty khi làm việc với khách nợ hoặc tổ chức, cá nhân liên quan. Khi nhân viên kết thúc hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải thu hồi trang phục và thẻ đã cấp.
Nguồn DNSG
0 comments:
Đăng nhận xét