21 thg 10, 2018

Cách mạng công nghiệp 4.0: Sự thay đổi không chỉ ở cá nhân nhà lãnh đạo

Ông Indranil Roy - Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn Deloitte Consulting Đông Nam Á nói rằng, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải học cách làm việc cùng nhau trong kỷ nguyên 4.0.

* Đang có những vấn đề nảy sinh liên quan đến việc làm trong khu vực và trên thế giới. Theo ông, công việc mới sẽ thế nào trong kỷ nguyên 4.0?

- Chúng tôi nhìn ở khía cạnh tích cực trong cuộc cách mạng này và có nhiều công ty đang tận dụng được lợi thế từ thời kỳ mới. Khi nói tới sản xuất, người ta ví Việt Nam với Trung Quốc. Điều này mang ý nghĩa tích cực, vì Việt Nam đã tận dụng tốt chuỗi cung ứng và sản xuất từ doanh nghiệp nhiều nước đến đầu tư.

Nhưng theo tôi, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam là rất nhiều. Không chỉ ở Việt Nam mà nhìn rộng ra khối ASEAN, nhiều số liệu cho thấy, khoảng 70% công việc đang có trong khu vực có thể bị thay thế trong 5 năm tới dựa vào những công nghệ sẵn có ngày hôm nay.

Cơ hội cho Việt Nam là lực lượng lao động trẻ. Việc đào tạo nguồn lao động để làm những công việc khác, làm những công việc mới, như trong lĩnh vực thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ, công nghệ, phần mềm... đang mở ra. Vấn đề của Việt Nam là làm thế nào để nâng cao kỹ năng của người lao động, làm thế nào để đào tạo và đào tạo lại một lượng lớn người lao động để họ theo kịp chuyển động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

* Ông đánh giá thế nào về sự tận dụng cơ hội mới của các doanh nghiệp Việt Nam?

- Đang có nhiều công ty tận dụng được lợi thế từ cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và hầu hết là các startup. Doanh nghiệp mới thành lập thường là nhỏ và có thể ra quyết định nhanh chóng, trong khi các công ty lớn với hàng nghìn nhân viên, không làm được như vậy.

Chẳng hạn, không ít công ty lớn đưa ra thị trường một sản phẩm, dịch vụ mới là 47 ngày, trong khi với Amazon chỉ 16 giây. Điều này cho thấy sự khác nhau rất lớn về tốc độ ra quyết định và thực thi quyết định, làm thay đổi cách một tổ chức vận hành.

Tôi nghĩ, mô hình doanh nghiệp mới sẽ không còn cồng kềnh khi các công ty của Việt Nam được xây dựng, phát triển với tinh thần startup. Đây là cách mà các tổ chức sẽ phải thực hiện. Do đó, lãnh đạo cũng như nhân viên các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông, dịch vụ, giải trí phải nghĩ và hành động, cảm nhận như một startup.
Ông Indranil Roy - Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn Deloitte Consulting Đông Nam Á
* Như ông nói, môi trường mới sẽ dễ dàng hơn cho các startup cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam?

- Đúng vậy, nhưng Chính phủ Việt Nam cần dành "không gian riêng" cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và startup. Ở đó, thách thức không phải là sự cồng kềnh, rườm rà mà là năng lực và hiểu biết. Tin tốt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là công nghệ đang ngày càng sẵn có, dễ tiếp cận và chi phí rẻ hơn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể áp dụng công nghệ, sử dụng app, điện toán đám mây để hình thành sản phẩm và dịch vụ nhanh hơn, với giá cạnh tranh hơn.

Vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường là không biết công nghệ gì đang có sẵn. Vì vậy, vai trò của chính phủ và truyền thông rất quan trọng trong việc mang sự hiểu biết đó tới loại hình doanh nghiệp này. Chính phủ cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, áp dụng những công nghệ đã có trong kinh doanh.

* Nhưng những gì ông nói đòi hỏi sự sẵn sàng từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp?

- Qua đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp hay các CEO trên thế giới, khu vực và Việt Nam, tôi thấy rằng, họ đều hiểu cần phải làm gì. Do đó, không phải là nhận thức, vấn đề lớn là rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam được xây dựng khá cồng kềnh. Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp làm việc chỉ với riêng lĩnh vực của họ.

Vấn đề bây giờ không phải là thay đổi cá nhân mà là thay đổi nhóm. Nếu các phòng ban của doanh nghiệp không làm việc với nhau sẽ khó giải quyết được vấn đề, khó tạo ra giá trị cao cho doanh nghiệp. Do đó, trong cách mạng công nghiệp 4.0, nhóm lãnh đạo doanh nghiệp cần phải học cách làm việc cùng nhau.

* Cảm ơn ông!

Nguồn DNSG

0 comments:

Đăng nhận xét