Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, trong những năm vừa qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới ngày càng tăng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và doanh nghiệp startup gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0.1% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cùng chuyên môn khó hợp tác khởi nghiệp
Theo TS. Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch học Viện chiến lược và nhân sự Kingsman, vấn đề đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong quá trình khởi nghiệp đó chính là tìm được người đồng hành, người kề vai sát cánh, cùng chung ý tưởng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi khởi nghiệp thường có xu hướng tìm người đồng hành có cùng chí hướng, nhưng lại cùng chuyên môn với nhau điều này nhiều khi mang đến những sai lầm rất không đáng có.
Sai lầm cơ bản là ở chỗ, những người có chung ý tưởng nhưng có cùng chuyên môn thường hay không tôn trọng ý tưởng của nhau. Khi đó, nhóm hợp tác chỉ có chung sự hiểu biết sâu về một lĩnh nào đó sẽ nảy sinh mâu thuẫn và dẫn đến xung đột, và đây là thiếu sót căn bản trong quá trình khởi nghiệp.
Do vậy, những người cùng có ý tưởng khởi nghiệp nếu muốn hợp tác nên lựa chọn những người có chuyên môn, có trình độ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi mỗi người có thế mạnh ở một lĩnh vực như tài chính, nhân sự, bán hàng, marketing sẽ là phù hợp và dễ đưa đến cho doanh nghiệp sự thành công.Đặc biệt, trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về tài chính, nhân sự…Lúc này, doanh nghiệp nên bỏ ra một số tiền để tuyển các chuyên gia có trình độ, từ đó tận dụng khả năng, kiến thức của họ để có thể giải quyết được nhiều vấn đề như xây dựng quy trình, quy chế, thiết lập hệ thống và đặc biệt cần tận dụng họ để đào tạo hệ thống nhân sự cho doanh nghiệp về sau.
“Không nên tiếc tiền thuê chuyên gia với giá rẻ, vì căn cứ theo trình độ và khả năng, chỉ cần vài người có trình độ cao sẽ đáp ứng được công việc của nhiều người có trình độ thấp. Chế độ đãi ngộ cao vừa tạo dựng được thương hiệu cho doanh nghiệp khởi nghiệp, vừa có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn khác trong việc tuyển dụng nhân sự có chất lượng cao”, TS. Hoàng Trung Dũng nói.
TS. Hoàng Trung Dũng cũng chia sẻ rằng, khi khởi nghiệp rất cần sự đam mê và sáng tạo, nhưng ý tưởng sáng tạo và đam mê chỉ có giá trị bằng 0 nếu như không có ai giúp triển khai ý tưởng và sự đam mê đó thành hành động cụ thể và tất nhiên không thể biến ý tưởng thành tiền.
“Một ý tưởng hay, một nhân sự giỏi là phải kiếm được tiền nên doanh nghiệp phải biết quản trị nhân sự và quan tâm sâu hơn đến việc quản trị các yếu tố khác như pháp lý, quản trị rủi ro, chiến lược… bởi đây là các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp, nếu không quản trị tốt thì những hoài bão và đam mê của người khởi nghiệp cũng chỉ dừng lại ở con số 0”, ông Dũng đưa ra lời khuyên.
Quản trị nhân sự là chặng đường dài
Theo TS. Hoàng Trung Dũng, với các Startup, ngoài quản trị về vốn, đối tác thì vấn đề quản trị nguồn nhân sự là rất quan trọng. Tuy nhiên, rất nhiều startup đã không thành công vì không giữ được nguồn lực để quản trị cho doanh nghiệp mình hoạt động.
Do đó, dựa trên cơ sở của từng doanh nghiệp, quản trị nhân sự là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, ngay trong giai đoạn đầu phải đào tạo được đội ngũ kế cận, có chính sách giữ lại nhân sự nhân tài, đặc biệt là đội ngũ chủ chốt có trình độ. “Nếu chỉ ăn cắp ý tưởng của nhau, chỉ thay đổi tên công ty một chút doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại và chẳng bao giờ sản phẩm được thị trường đón nhận”, vị này nói.
Chia sẻ về bí quyết để có cách quản trị nhân sự, ông Hoàng Trung Dũng khẳng định cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, trong giai đoạn công nghệ số, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định được đội ngũ nhân sự từ vạch xuất phát đúng mực, có những hành động cụ thể về nuôi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự. Cùng với đó là cách quản trị phân khúc khách hàng sau đó mới tính đến sản phẩm sáng tạo. Chỉ khi sản phẩm sáng tạo có tính định hướng cho từng khách hàng mới có thể mở rộng thị trường một cách bền vững.
Đưa ra lời khuyên với các startup, Shark. Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group chia sẻ, đối với các Startup sáng tạo thì yếu tố con người là rất quan trọng. Việc tìm đối tác trong khởi nghiệp giống như việc mỗi người tìm mua một đôi giày, về nguyên tắc 2 chiếc giày đó phải cùng đẳng cấp, cùng thương hiệu, cùng size nhưng phải khác nhau đó là một chiếc bên phải và một chiếc bên trái.
“Minh chứng này nói lên việc hợp tác giữa các cá nhân trong khởi nghiệp phải cùng chí hướng, cùng đẳng cấp nhưng mỗi con cá nhân trong sự hợp tác đó phải có chuyên môn khác nhau, hiểu biết ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho nhau, đến khi ghép lại mới thành sự hợp tác hoàn hảo”, Shark. Phạm Thanh Hưng lưu ý.
Ngoài ra theo ông Hưng, doanh nghiệp khởi nghiệp phải định vị được mô hình kinh doanh, đó là bán thứ gì, mang lại lợi ích cho ai và ai là người trả tiền cho sản phẩm. “Các sản phẩm đều có giá trị trừ khi doanh nghiệp định vị sai sản phẩm có tỷ lệ lớn khách hàng hướng tới. Do đó, các Startup cần phải tập trung vào việc định vị sản phẩm ngay từ vạch xuất phát”, ông Hưng chia sẻ.
Theo VOV
0 comments:
Đăng nhận xét