29 thg 10, 2018

Ứng dụng blockchain vào quản lý hồ sơ bệnh án của người dân

Công nghệ blockchain được Trung tâm Công nghệ lõi Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) nghiên cứu ứng dụng thành công, nhằm mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ sức khỏe công dân trên toàn quốc.

Trung tâm này đã lựa chọn hồ sơ sức khỏe cá nhân để thử nghiệm giải pháp nhằm kiểm chứng và đánh giá khả năng kiểm soát công nghệ. Trên cơ sở đó nhóm nghiên cứu sẽ phát hiện các vấn đề quan trọng, tìm ra các điểm yếu để hoàn thiện công nghệ blockchain trong tương lai.

Ứng dụng này giúp việc tương tác, phối hợp giữa người bệnh với các cơ sở y tế, bệnh viện, nhà thuốc và các bộ, ban ngành liên quan diễn ra nhịp nhàng hơn. Phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân của Viettel hiện lưu trữ cơ sở dữ liệu trên hệ thống cũ theo dạng quản trị tập trung. Dù tiết kiệm tài nguyên lưu trữ nhưng nếu bị tấn công và mất dữ liệu, hệ thống sẽ sụp đổ và không thể khôi phục, lại dễ bị giả mạo.

Trung tâm này đã chuyển đổi toàn bộ cơ sở dữ liệu vào nền tảng blockchain, việc cung cấp dữ liệu lớn (big data) giúp phân tích, đánh giá dữ liệu chuẩn xác, đưa ra các kết quả và dự báo. Theo ông Phạm Văn Tuân - quản lý Trung tâm Công nghệ lõi Viettel, dự kiến sau khi đóng gói thành công sản phẩm blockchain vào quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, sẽ mở rộng quy mô nghiên cứu, ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như tài chính, chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc...

Ông Tuân cho biết hiện việc chia sẻ thông tin bệnh nhân giữa các bệnh viện còn rất phức tạp và chưa hình thành. Cứ mỗi lần đến một cơ sở y tế, người bệnh phải khai báo lại thông tin, thậm chí làm lại những xét nghiệm căn bản mà cơ sở khác đã thực hiện. Ngoài ra, người dân cũng không có thói quen lưu giữ hồ sơ bệnh án, gây khó khăn cho các bác sĩ theo dõi bệnh.

Ứng dụng sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp cơ sở y tế lưu trữ hồ sơ toàn bộ lịch sử khám, chữa bệnh của người dân. Những thông tin cá nhân cơ bản, nhóm máu, tiểu sử bệnh, những lần khám, chữa bệnh... được lưu giữ và tái sử dụng để người bệnh chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe trong suốt cuộc đời.

Hiện nay các cơ sở y tế, bệnh viện vẫn đang lưu trữ hồ sơ bệnh án dạng văn bản, ước tiêu tốn khoảng 2.300 - 2.500 tỷ đồng hằng năm, là khoản chi phí lớn có thể dành để đầu tư thiết bị, cải tạo hạ tầng hoặc cải thiện chất lượng dịch vụ..., chưa kể các vấn đề lo ngại trong bảo toàn thông tin.

Ông Tuân cho rằng, ứng dụng blockchain sẽ tập hợp và lưu trữ hồ sơ bệnh án của người dân, tạo ra cơ sở dữ liệu khổng lồ phục vụ nghiên cứu, dự báo, đề xuất khám, chữa bệnh. Đó là nguồn thông tin quan trọng hỗ trợ bác sĩ, dược sĩ và các nhà nghiên cứu về dịch bệnh, tìm ra các phương án chữa trị mới hoặc truy xuất nguồn bùng phát dịch bệnh.

Nguồn DNSG

0 comments:

Đăng nhận xét