23 thg 11, 2018

Bỏ ngỏ hướng nghiệp - lãng phí nhân đôi

Hướng nghiệp là vấn đề quan trọng, thế nhưng xã hội chưa đầu tư nhiều cho học sinh phổ thông có điều kiện cọ xát, tự nhận biết năng lực, sở thích, khả năng tiến thân, thành đạt trong nghề để các em và gia đình tìm ra đáp số đúng nhất.
Tham dự một buổi phỏng vấn tuyển dụng của một công ty, như chạm vào hiện trạng tuổi trẻ đô thị quá nhiều hoang mang.

Lật bảng điểm của một cử nhân ngành quản trị kinh doanh với những cột số rất đẹp. Bạn học giỏi nhưng tại sao lại đăng ký vào làm tại bộ phận nhà hàng? Bạn trả lời không có khiếu kinh doanh, bán hàng; làm thử ở vài công ty không chịu được áp lực và rất chán nên bạn tìm nghề khác đỡ áp lực hơn.

Có bằng ngoại ngữ nhưng cử nhân trẻ này chỉ nói được hai câu tiếng Anh cho biết bạn tên gì và đến từ đâu. Vậy tại sao chỉ muốn làm việc ở nhà hàng mà bạn đã lãng phí tuổi thanh xuân và tiền bạc để theo đuổi bốn năm đại học?

Bạn bảo để lấp lỗ hổng ngoại ngữ, bạn sẽ cố gắng học thêm. Một câu hứa hẹn có vẻ khó tin, bởi sau nhiều năm học ở trường trung học và bốn năm đại học, bạn đã không nói được ngoại ngữ thì bây giờ đi làm, thời gian đâu để bạn học? Và giám đốc nhân sự lại từ chối nhận bạn vào làm công việc mà bạn cho là vô cùng đơn giản: nhân viên nhà hàng của khách sạn.

Vị giám đốc ấy bảo không thể hiểu tại sao bao nhiêu gia đình chấp nhận tiêu tốn tiền bạc cho con em lãng phí những năm tháng đẹp nhất, sung sức nhất trong cuộc đời học những nghề không phù hợp với các em, hoặc chương trình được học, kiến thức lĩnh hội được các em không thể áp dụng vào thực tiễn làm việc. Những em nào không cố gắng học thêm, trang bị thêm kỹ năng thì hầu như luôn bị loại trong các kỳ tuyển dụng, và các em đã rất ngạc nhiên khi trưng ra cho nhà tuyển dụng bảng điểm đẹp, bằng ngoại ngữ ít nhất cũng trình độ B mà vẫn bị từ chối.

Cả xã hội lãng phí khi nhìn vào ngành khách sạn, đồng loạt từ nhân viên lễ tân, nhân viên sảnh, nhân viên nhà hàng đều có bằng đại học, thậm chí bằng của hai chuyên ngành khác nhau. Ra đến cửa khách sạn cũng không hiếm gặp tài xế taxi còn có cả bằng thạc sĩ! Tất cả vẫn vừa làm, vừa chờ đợi cơ hội tốt hơn để sử dụng tấm bằng.

Rồi cuộc sống hối hả, thời gian trôi qua, nhiều người đã "dính chặt" vào nghề "làm tạm", kiến thức rơi rụng, chỉ còn niềm an ủi là dù sao cũng đã tốt nghiệp đại học và vẫn nuôi hy vọng mơ hồ rằng cơ may còn ở phía trước.

Một bạn nói: "Nếu không học đại học, em sẽ ở phía sau cả xã hội. Tất cả đều có bằng đại học, em sẽ vượt qua họ bằng gì?". Câu trả lời của giám đốc nhân sự là: "Trong khối kinh tế tư nhân, người ta cần bạn có nghề chuyên môn và thực hành được, đồng thời chỉ cần bạn trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh, chứ không cần bạn nộp chứng chỉ A, B, C ngoại ngữ".

Trở lại trường hợp cử nhân quản trị kinh doanh xin làm nhân viên nhà hàng, giám đốc nhân sự nói: "Bạn này chỉ cần đào tạo nghề và ngoại ngữ trong 3 tháng là thành nhân viên nhà hàng rồi, sao lại lãng phí cả tuổi thanh xuân và tiền bạc để lấy tấm bằng đại học rồi cất đi như vậy. Chúng tôi trả lương theo mức độ lành nghề của nhân viên, không căn cứ vào trình độ đại học của bạn ấy".

Dưới góc độ kinh doanh, các ông chủ doanh nghiệp không bàn về chất lượng đào tạo nghề của các trường đại học, cao đẳng, chỉ khuyến cáo các gia đình nên cân nhắc kỹ khi cho con em theo học những ngành nghề các em không thích, mà chỉ để thỏa mãn sĩ diện của gia đình.

Sau thời gian "ngủ đông" ở bậc đại học, các em lại bắt đầu học làm việc thật sự ở doanh nghiệp, kéo dài thời gian học hành. Tình trạng này xảy ra với cả các du học sinh, ra nước ngoài học đại học nhưng vì rất nhiều lý do, khi trở về các em cũng không thể làm đúng nghề, trong đó lý do chính là chọn ngành học theo mộng ước của cha mẹ.

Nguồn DNSG

0 comments:

Đăng nhận xét