Khi được độc giả hỏi: "Đam mê có phải bí mật để gắn bó với công việc truyền thông suốt 15 năm qua không?", blogger Nguyễn Ngọc Long đáp: "Tôi đam mê truyền thông nhưng gắn bó vì tiền".
Người trẻ chưa chuẩn bị kỹ càng về năng lực và cả thái độ khi nhảy việc
Không biết từ bao giờ, "nhảy việc" không còn là một điều quan trọng đến mức chúng ta phải đắn đo, thức trắng đêm để suy nghĩ, cân nhắc. Nhiều người thú thật, đôi khi họ nhảy việc chỉ vì tập trung đến danh tiếng công ty, mức lương chứ không quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp. Những bạn trẻ mới ra trường đôi khi còn nhiều "ảo tưởng" về một công việc nhàn hạ với mức lương cao ngất... Chính vì thế, tình trạng "vỡ mộng" sau một thời gian đi làm khá phổ biến.
Ngày nay nhiều người trẻ nhảy việc, họ sẵn sàng "ra đi" bởi lí do cần môi trường mới để có thể sáng tạo hơn. Trong buổi giao lưu trực tuyến Bí quyết nhảy việc: "Cuộc sống bế tắc hay cuộc đời nở hoa", tất cả phụ thuộc vào bạn! do CafeF và báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức, blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long đã chia sẻ rằng, lý lẽ sáng tạo cần bay nhảy chỉ là ngụy biện của những người kém cỏi, những người trẻ đừng bao giờ tin vào điều đó.
Nhiều người trẻ nhảy việc nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Theo quan sát của Blogger Nguyễn Ngọc Long, anh thấy có một lỗ hổng, không hẳn là kỹ năng mà là thái độ. Đó là sự trung thực và lòng tự trọng của nhiều người đi làm đang thiếu và yếu ở mức cực kỳ báo động. Có những người, họ gian dối tới mức "nói xạo không ngượng miệng" về bản thân mà chính họ cũng không nhận ra điều đó.
Để thay đổi điều này, những người đi làm bắt buộc phải học và hiểu, trân trọng các giá trị quá trọng này. Chỉ khi có những phẩm chất, yếu tố, kỹ năng quan trọng của một nhân sự, thì dù có nhảy việc hay làm việc ở công ty cũ thì họ vẫn hữu dụng, thành công.
Bạn cần chủ động, kiên trì, trung thực, giữ lời và dù có việc gì xảy ra cũng nhận thức rõ rằng mọi chuyện đều xuất phát từ chính mình, mình muốn phát triển, thì không được đổ lỗi cho các tác nhân bên ngoài mà phải quay về sửa đổi mình trước nhất.
Nếu cần tiền và sự ổn định thì đừng nhảy việc
Trong buổi giao lưu, một bạn trẻ trải lòng về sự bế tắc khi "khối lượng việc khổng lồ, đồng nghiệp chơi xấu, gần như không có thăng tiến thêm. Ưu điểm duy nhất là mức lương tốt và sự ổn định".
Trước sự băn khoăn của bạn trẻ về việc không biết nhảy việc có phải là một lối thoát tốt hay không, Blogger Nguyễn Ngọc Long khẳng định: "Nếu mối bận tâm lớn nhất của em lúc này là tiền và sự ổn định thì đừng bao giờ nhảy việc. Hãy chịu nhịn, thậm chứ là chịu nhục cũng được. Anh chẳng thấy có gì gọi là "bế tắc" khi em cần tiền, và công ty vẫn trả tiền cho em hàng tháng? Đừng đòi hỏi nhiều quá như vậy, và cũng đừng đứng núi này trông núi khác.
Không đồng nghiệp nào rảnh tới mức suốt ngày suốt tháng đi chơi xấu em được. Người ta cũng phải có công việc và cuộc sống của người ta. Còn việc không thăng tiến, đơn giản là do em dốt".
Cũng có người thắc mắc rằng, trong nhiều trường hợp, khi một nhân sự quyết định nghỉ việc, người sếp có nên xem lại bản thân mình, cách mình điều hành, quản lý? Dù may mắn không có sếp tồi và cũng không nhảy việc vì sếp, nhưng theo quan điểm cá nhân của anh Nguyễn Ngọc Long: "Nếu tôi thực sự cần tiền, cần việc mà chẳng may gặp sếp tồi, nhưng sếp vẫn trả đủ lương thì tôi không nhẩy việc. Tôi biết ở từng thời điểm, điều gì là quan trọng nhất với mình".
Nhiều người quyết định nhảy việc khi cảm thấy bản thân không còn thuộc về nơi này, họ cho rằng công ty cũ sẽ trở thành quá khứ và đồng nghiệp sẽ thành người dưng nên có cách cư xử theo kiểu "không ăn được thì đạp cho hôi hoặc cạn tàu ráo máng", lôi kéo cả đồng nghiệp khác nghỉ theo mình. Theo anh Nguyễn Ngọc Long, đó là hành động không đúng và rất nguy hiểm cho hình ảnh cá nhân của bạn và cả các mối quan hệ xã hội sau này, nhất là ở môi trường mới.
Trước thực trạng, nhiều bạn trẻ nhảy việc rất chóng vánh, để lại những điều không hay ho ở công ty cũ. Blogger Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh: "Tôi cho rằng cách ứng xử tốt nhất, văn minh nhất là phải làm sao để hình ảnh của mình, những kỷ niệm về mình trong lòng người ở lại là đẹp đẽ và lung linh nhất… Hãy thuộc câu hát 'Trái đất tròn là ta còn gặp nhau'. Khi ấy, các bạn tự biết phải ứng xử sao cho phù hợp và thông minh nhất!".
Những lần chuyển đổi công việc đều sẽ ghi dấu lại trong CV và ảnh hưởng tới công việc trong tương lai của mỗi người. Một độc giả muốn anh Nguyễn Ngọc Long tư vấn về cách nhảy việc thông minh để xây dựng hình ảnh cá nhân thật tốt. Là một chuyên gia truyền thông nhiều kinh nghiệm về thương hiệu cá nhân, anh Long nhận đình: "Việc em đã từng làm ở đâu không góp phần nhiều vào tiến trình xây dựng thương hiệu cá nhân. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ thành tích em đạt được ở công ty cũ, và dấu ấn cảm xúc em để lại trong lòng sếp, cũng như đồng nghiệp. Hãy suy nghĩ nghiêm túc về điều đó".
Theo Trí thức trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét