Chúng ta đã được nghe nói rất nhiều về những chiến lược marketing cho các thương hiệu bình dân. Vậy còn thương hiệu cao cấp thì sao? Quản lý và marketing cho thương hiệu cao cấp có gì khác?
Để quản trị thương hiệu cao cấp thì kinh nghiệm và trải nghiệm lâu năm là rất cần thiết. Hầu hết việc thiết kế những trải nghiệm của khách hàng mà chúng ta có được đều bắt nguồn từ việc phát triển những thương hiệu bình dân tuy nhiên thương hiệu cao cấp hoàn toàn khác, nó đòi hỏi một cách tiếp cận cụ thể cho từng vấn đề trong quản trị và marketing. Sau đây là một số điều mà các thương hiệu cao cấp cần chú trọng để có 1 chiến lược marketing hiệu quả đem đến 1 trải nghiệm thật sự cho khách hàng.
Tăng cường niềm tin cho khách hàng
Khác với những thương hiệu bình dân cần củng cố niềm tin với mọi đối tượng khách hàng, thương hiệu cao cấp không nên cố gắng để làm hài lòng tất cả mọi người mà chỉ nên tập trung vào 1 số đối tượng cụ thể như những người được cho là tín đồ của hàng hiệu coi việc mua sắm hàng hiệu là sở thích cá nhân của mình. Để củng cố niềm tin của khách hàng, các thương hiệu cao cấp cần bắt tay vào thực hiện chứ không phải chỉ dựa vào giá trị thương hiệu. Như hãng siêu xe Ferrari để củng cố niềm tin của khách hàng về hiệu suất cao của xe, hãng đã đầu tư một lượng ngân sách khá lớn trong giải đua xe Công thức 1(Formula 1).
Có thể nói trong khi các thương hiệu bình dân tập trung vào việc đầu tư cho các công cụ, phương tiện để có thể tiếp cận một cách phổ biến nhất với khách hàng thì thương hiệu cao cấp chỉ tập trung thể hiện niềm tin thương hiệu với đúng tập khách hàng của mình.
Xây dựng biểu tượng đặc trưng, xuyên suốt
Để khách hàng thật sự khắc sâu và có trải nghiệm sâu sắc về thương hiệu cao cấp của mình bạn cần xây dựng được 1 tập hợp những biểu tượng trực quan về thương hiệu của mình từ logo, chữ lồng, hình ảnh, màu sắc… Phải in sâu vào tâm trí khách hàng thông qua việc lặp lại liên tục trên các kênh truyền thông phù hợp cho dòng sản phẩm cao cấp để khi họ nhìn thấy một hình ảnh nào đó sẽ liên tưởng ngay tới thương hiệu của bạn. Ví dụ như nhắc tới quả táo cắn dở ta liền nghĩ ngay tới Apple. Hay như Chanel đặc trưng với 2 sắc màu đen trắng cùng 1 chữ C thuận và 1 chữ C ngược móc vào nhau.
Đem đến dịch vụ độc đáo cho khách hàng
Thương hiệu cao cấp không chỉ đơn giản là cung cấp sản phẩm cho khách hàng mà phải cung cấp cho họ một dịch vụ thật sự độc đáo. Không đơn giản chỉ là một đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, thân thiện có đẳng cấp, một dịch vụ khách hàng nhanh chóng mà phải đi xa hơn trong việc tạo ra một trải nghiệm độc đáo và hoàn toàn khác biệt so với những thương hiệu khác.
Có thể lấy ví dụ về thương hiệu nước hoa Le Labo. Dòng nước hoa cao cấp này thực sự đã đem đến cho khách hàng một trải nghiệm tuyệt vời khiến họ thêm củng cố niềm tin và yêu thích sản phẩm của thương hiệu này hơn nữa. Những người tiêu dùng thường cho rằng chất lượng của nước hoa sẽ bị giảm theo thời gian. Để thay đổi suy nghĩ của những người tiêu dùng cao cấp muốn sử dụng nước hoa, Le Labo đã tạo ra một cuộc cách mạng bằng 1 trải nghiệm cá nhân đặc biệt. Khi khách hàng đến mua nước hoa, nhân viên sẽ dựa trên ngoại hình và mô tả tính cách của khách hàng để trực tiếp pha trộn một chai nước hoa bằng tay ngay trước mặt khách hàng vào thời điểm mà họ đến mua hàng. Chai nước hoa này sẽ thể hiện cá tính riêng khác biệt của từng người. Trên mỗi chai đều được đề tên khách hàng và ngày mua hàng. Tuy nhiên khách hàng không được sự dụng ngay khi mang về nhà mà phải để trong tủ lạnh 1 tuần trước khi sử dụng. Thông qua quy trình này Le Labo muốn chứng tỏ nước hoa vẫn còn nguyên chất lượng như ban đầu sau 1 thời gian sử dụng.
Có thể nói dịch vụ độc đáo mà Le Labo đưa ra rất đáng để các thương hiệu cao cấp khác học hỏi. Không chỉ bán sản phẩm mà còn tạo cho khách hàng sự khác biệt khi sử dụng sản phẩm của mình, điều mà những thương hiệu bình dân chưa làm được.
Chú trọng thiết kế trong những cửa hàng hạng sang
Những thương hiệu cao cấp cần đầu tư rất lớn cho việc thiết kế, thi công cửa hàng đặc biệt là cách trưng bày sản phẩm. Không gian, cách bài trí và màu sắc trong cửa hàng phải ăn khớp và hài hòa với nhau. Quan trọng là làm nổi bật màu sắc của biểu tượng, logo thương hiệu của mình.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới việc thiết kế cửa hàng để phù hợp với từng vùng miền, từng quốc gia để tối ưu hóa về chi phí và hiệu quả kinh doanh cũng như trải nghiệm của khách hàng.
Mở ra các câu lạc bộ khách hàng độc quyền
Câu lạc bộ khách hàng độc quyền thật sự là một yếu tố quan trọng nếu các thương hiệu cao cấp muốn giữ chân khách hàng của mình. Những người tiêu dùng cao cấp ý thức rất rõ đẳng cấp của mình. Họ chỉ chấp nhận những người có cùng đẳng cấp đứng chung 1 chỗ với mình. Các thương hiệu cao cấp cần xây dựng 1 cộng đồng độc quyền với những ưu đãi đặc biệt, tận hưởng những giá trị gia tăng và chỉ có những khách hàng thực sự của thương hiệu đó mới được gia nhập. Tuy nhiên không phải khách hàng nào cũng được chọn để gia nhập vào cộng đồng này, họ phải thể hiện được đẳng cấp và sự yêu mến, thân mật với thương hiệu mới được chọn. Như khách hàng của hãng thời trang xa xỉ Hermes phải chờ đợi trong một thời gian dài và thậm chí phải tỏ ra thân mật với thương hiệu nếu họ muốn sở hữu một chiếc túi của thương hiệu đình đám này. Chính vì vậy những khách hàng trong cộng đồng này sẽ có phần tự hào và đa phần đều là đối tượng trung thành tuyệt đối với thương hiệu.
Các thương hiệu cao cấp khi tạo ra một cộng đồng riêng như vậy sẽ tạo cho khách hàng cảm giác mình thuộc về một thế giới riêng, thế giới thượng đỉnh và độc quyền từ đó họ sẽ trung thành và tán thưởng thương hiệu.
Sử dụng truyền thông mang tính biểu tượng
Những thương hiệu cao cấp nên làm cho thương hiệu của mình mang tính huyền thoại, bí ẩn thông qua một câu chuyện được truyền thông ca ngợi. Đó có thể là câu chuyện về lịch sử ra đời của thương hiệu, về những huyền thoại gắn liền với sáng tạo của mình. Những câu chuyện này gây ra sự tò mò muốn tìm hiểu khám phá của khách hàng đồng thời tạo cho thương hiệu có một lịch sử bí ẩn, đầy sức lôi cuốn. Những điều này cần được truyền đạt 1 cách nhất quán thông qua nghệ thuật giao tiếp huyền thoại ở tất cả mọi nơi, ở mọi cửa hàng và gắn liền với từng sản phẩm.
Như vậy marketing cho các thương hiệu bình dân và thương hiệu cao cấp là hoàn toàn khác nhau. Thương hiệu cao cấp cần những chiến lược riêng và phải thật sự khác biệt mới có thể tạo ra sự tin tưởng và trung thành của những người tiêu dùng cao cấp.
Nguồn Sưu Tầm Internet
Bài liên quan --> 8P - Trụ cột marketing thương hiệu hàng hiệu
0 comments:
Đăng nhận xét