Luật An ninh mạng sẽ chính thức có hiệu lực sau 1 tháng nữa (vào ngày 1/1/2019). Những vấn đề liên đạo luật này đang rất được quan tâm.
1. Vấn đề kiểm soát thông tin cá nhân
Thực tế cho thấy từ lâu nay, thông tin của người dùng đang bị thu thập vô tội vạ, dù họ có đồng ý hay không. Để kiểm chứng, bạn có thể google cụm từ “mua data khách hàng”, hệ thống sẽ ngay lập tức trả về hàng trăm kết quả, và chỉ cần một khoản chi phí nhỏ, bạn đã có trong tay tệp data như ý với đầy đủ thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND hay thậm chí là thu nhập…
Với mục đích tăng cường an ninh mạng, các cơ quan chức năng cũng sẽ phải thu thập thông tin cá nhân, khác ở chỗ việc này được thực hiện một cách chính thức. Nếu nhận thức rằng an ninh mạng thuộc hệ thống an ninh quốc gia và việc tăng cường mức độ an toàn là cần thiết, tâm lý “bị kiểm soát” sẽ được cởi bỏ.
2. Vấn đề tác động đến môi trường kinh doanh
Điều 26 Luật An ninh mạng quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng Việt Nam cần phải có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”.
Trên thế giới hiện có 18 quốc gia thông qua quy định về quyền lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada, Trung Quốc. Thực tế cho thấy các quốc gia này đều không vì quy định đó mà bị cô lập, nên lo ngại rằng quy định trên sẽ làm giảm nguồn đầu tư nước ngoài hay gây khó khăn trong việc thu hút nhân lực và cản trở doanh nghiệp làm cách mạng công nghệ là không đủ cơ sở.
Không những thế, các điều khoản trong Luật An ninh mạng còn góp phần tạo ra môi trường kinh doanh công bằng hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước so với công ty nước ngoài. Hãy xem xét một ví dụ:
Hiện nay, khi muốn mua tên miền thông qua một công ty chính thức tại Việt Nam như Mắt Bão, cả người mua và đơn vị cung cấp tên miền đều phải chịu thuế. Nhưng một dịch vụ tên miền được cung cấp bởi doanh nghiệp nước ngoài lại không phải chịu chi phí đó. Thấy rõ sự bất công đối với các doanh nghiệp nội địa.
3. Vấn đề thu hút đầu tư
Khoản 3 Điều 26 Luật An ninh mạng quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet tại không gian mạng của Việt Nam có các hoạt động thu thập, khai thác, phân tích dữ liệu do người dùng Việt Nam tạo ra thì bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong một khoảng thời gian theo quy định của Chính phủ”.
Có lo ngại rằng điều luật này sẽ dẫn tới 2 tình huống: Một là các công ty này sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam; hai là sao chép dữ liệu thô từ trung tâm dữ liệu của họ sang các máy chủ thuê mướn ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh cho thấy việc gia nhập hay rút lui khỏi thị trường nào đó phụ thuộc phần lớn vào tiềm năng phát triển của thị trường đó chứ không chỉ đơn thuần dựa vào một đạo luật. Nhìn vào quá trình đeo bám thị trường Trung Quốc của Google hay Facebook có thể thấy rõ điều này.
Một thập kỷ qua, Facebook - một đại gia công nghệ vẫn “thèm muốn” thị trường Trung Quốc - một quốc gia đã thông qua luật an ninh mạng - nhưng vẫn chưa đặt chân vào được.
4. Vấn đề bảo vệ dữ liệu lớn
Theo Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu Âu, dữ liệu cá nhân được tập trung và bảo vệ ở mức cam kết rất cao. Trong các quyền của GDPR, người dùng sẽ có quyền phản đối việc thu thập thông tin khi chưa được đồng ý, tổ chức nào thu thập dữ liệu bắt buộc phải dừng xử lý dữ liệu của chủ thể cho đến khi có thể chứng minh những lý do chính đáng để thực hiện điều này.
Luật An ninh mạng tại Việt Nam cũng có những quy định cụ thể bảo vệ thông tin cá nhân, được ghi tại Điều 17 Luật An ninh mạng quy định: “Phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng”.
Theo đó, người dùng có thể tránh khỏi các hành vi chiếm dụng, công khai, mua bán dữ liệu trái phép. Với hành vi sử dụng Internet chưa thành thạo, độ bảo mật kém và còn dễ dãi với các bên thu thập thông tin cá nhân, Luật An ninh mạng chính là một hành lang pháp lý có lợi cho người dùng. Lần đầu tiên người dùng có nơi để yêu cầu các bên sử dụng trái phép thông tin của mình phải chấm dứt hành động.
Nguồn DNSG
0 comments:
Đăng nhận xét