Nhiều người thường cảm thấy hụt hẫng vì buổi phỏng vấn ở công ty Nhật diễn ra rất suôn sẻ vậy mà chẳng hiểu vì lý do gì, họ lại nhận được email từ chối, bạn đã bao giờ rơi vào trường hợp tương tự ?
Phỏng vấn suôn sẻ và sự thật phía sau
Không giống như nhận định dưới góc độ ứng viên, các chuyên gia nhân sự cho rằng một buổi phỏng vấn trôi chảy thường là dấu hiệu cho thấy nhà tuyển dụng không hứng thú với ứng viên nên không đào sâu tìm hiểu năng lực bằng những câu hỏi khó. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng Nhật Bản thường giữ phép lịch sự nên cố gắng tránh né việc từ chối thẳng thừng. Đấy là nét văn hóa nhưng cũng đồng thời là sự tính toán thông minh để giữ cho hình ảnh công ty luôn tốt đẹp vì rất có thể sau này, chính ứng viên bị từ chối lại là khách hàng tiềm năng, quay lại sử dụng sản phẩm/dịch vụ của công ty.
Để không phải thất vọng khi nhận được kết quả bất ngờ thì tốt hơn hết, ứng viên nên học cách quan sát và giải mã các tín hiệu ngầm từ nhà tuyển dụng. Chẳng hạn, nhà tuyển dụng khen CV đẹp nhưng dường như chẳng quan tâm gì đến những nội dung bạn trình bày, không đặt nhiều câu hỏi về kỹ năng, kinh nghiệm liên quan đến công việc, nhà tuyển dụng luôn hài lòng với câu trả lời của bạn và không thắc mắc gì thêm… Rất có thể, họ đang cố tình đẩy nhanh tiến độ của buổi phỏng vấn để đi đến kết thúc và mong chờ gặp mặt ứng viên tiếp theo.
Đọc vị những biểu hiện dù là nhỏ nhất của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn không có những kỳ vọng ảo và không phải sốc khi kết quả không được như ý muốn.
Nói dài, nói dai có khi thành “nói dại”
Gặp được nhà tuyển dụng thân thiện và bầu không khí phỏng vấn cởi mở là niềm mong mỏi của không ít ứng viên vì khi đó, họ được thoải mái bộc lộ tính cách, tự tin là chính bản thân họ. Tuy nhiên, nếu phỏng vấn với người Nhật, bạn đừng vội chủ quan.
Nhà tuyển dụng Nhật rất lịch sự, hòa nhã nhưng đồng thời cũng rất khó khăn trong việc đánh giá, họ có thể chăm chú lắng nghe bạn luyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất về công việc cũ, sếp cũ nhưng chưa hẳn họ đã để chúng vào tâm trí nếu đó không phải là vấn đề khiến họ quan tâm. Họ có quá nhiều ứng viên cần phải phỏng vấn mỗi ngày nên họ không có đủ thời gian để tập trung vào người nào cụ thể; với họ, chỉ cần trả lời đúng trọng tâm, không dông dài là bạn đã có khả năng được lựa chọn. Nếu bạn đủ thông minh thì trong mỗi câu trả lời, bạn có thể lồng ghép những nội dung kích thích sự tò mò, khiến nhà tuyển dụng chủ động đặt thêm câu hỏi.
Nói tóm lại, muốn có cơ hội tỏa sáng khi phỏng vấn ở công ty Nhật, hãy tìm hiểu thật kỹ càng về những vấn đề mà họ thật sự quan tâm, chỉ khi bạn “gãi đúng chỗ ngứa” thì cuộc trò chuyện mới trở nên sôi nổi, nhà tuyển dụng sẽ liên tục đặt câu hỏi cho bạn với niềm hiếu kỳ thật sự, không phải như một phép xã giao.
Buổi phỏng vấn căng thẳng với người Nhật là đáng sợ hay đáng mừng
Giờ thì bạn mong chờ buổi phỏng vấn ở công ty Nhật sẽ trôi qua trong bình yên hay nhiều sóng gió, áp lực?
Dù câu trả lời của bạn là gì thì tôi cũng tin rằng bạn đã có cái nhìn mới, không còn giữ những suy nghĩ ấu trĩ “Ông/bà ấy tạo áp lực cho mình vì không ưa mình” đối với nhà tuyển dụng. Rõ ràng là đôi khi một buổi phỏng vấn căng thẳng mới là tín hiệu đáng mừng cho thấy bạn đang thể hiện rất tốt, đừng quên rằng “thời thế tạo anh hùng”, đón nhận thử thách và vượt qua nó sẽ khiến nhà tuyển dụng nhận ra bạn mới là ứng viên họ đang tìm kiếm.
Nguồn Iconic Job
0 comments:
Đăng nhận xét