Trí thông minh cảm xúc hay trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EI) thường được dùng dưới hàm ý mô tả chỉ số cảm xúc (Emotional Intelligence Quotient – EQ) tức năng lực tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của mỗi cá nhân.
Hiện nay, EI đã trở thành khái niệm cực kỳ phổ biến mà qua đó nhiều người đang vận dụng để nâng cao khả năng nhận biết, hiểu và quản lý cảm xúc cá nhân tốt hơn đồng thời tác động tích cực đến cảm xúc của người khác. Thuật ngữ EI được định nghĩa chính thức lần đầu tiên bởi hai nhà nghiên cứu: Peter Salovey và John D. Mayer vào năm 1990. Sau đó, năm 1995, chủ đề này được Daniel Goleman phổ biến rộng rãi hơn trong cuốn sách mang tên “Emotional Intelligence” (đã được xuất bản ở Việt Nam với tiêu đề “Trí tuệ xúc cảm”).
Quan tâm đến việc tìm hiểu thêm những cách hiểu mới và áp dụng EI để giải quyết các thách thức một cách thiết thực, tác giả bài viết này, Kathy Caprino, đã kết nối với Justin Bariso – một nhà văn, nhà tư vấn giúp cho các tổ chức có suy nghĩ khác biệt và giao tiếp hiệu quả hơn. Ba năm gần đây, LinkedIn đặt biệt danh cho Bariso là “Top Voice” về “Quản lý & Văn hoá”. Cuốn sách mới của ông “EQ Applied: The Real-World Guide to Emotional Intelligence” (tạm dịch: Chỉ số cảm xúc thực hành: Hướng dẫn thực tế về trí tuệ cảm xúc) đã chia sẻ các nghiên cứu thú vị, ví dụ hiện đại và những câu chuyện cá nhân để diễn giải cách thức EI hoạt động, và gợi ý phương pháp phát triển EQ cho các cá nhân.
Sau đây hãy cùng Career Builder Việt Nam xem nội dung cuộc phỏng vấn thú vị của Caprino với Bariso nhé!
Kathy Caprino (KC):Dường như chúng ta đang thấy sự hồi sinh của chủ đề thông minh cảm xúc. Vì sao ông lại nghĩ như vậy?
Justin Bariso (JB): Tôi cho rằng có vài lý do chính.Ý tưởng đằng sau khái niệm EI không mới mẻ, nhưng chủ đề này đã từng đạt được sự ủng hộ cực lớn hơn 20 năm trước, vào giữa thập niên 90 và thập kỷ tiếp theo. Có một thế hệ của những người đi làm, ví dụ như Millenials và Gen-Y, vốn không đủ già dặn để hiểu hết nguyên lý cơ bản và đánh giá cao lợi ích của EQ. Nhưng hiện tại, khi việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, tôi nghĩ rằng những người thuộc độ tuổi này chính là nhóm đang háo hức khám phá về thông minh cảm xúc lần đầu tiên. Bên cạnh đó, môi trường hiện tại chúng ta sống cũng là một yếu tố. Tình hình chính trị nước Mỹ có nhiều đứt gãy. Các tiêu chuẩn chất lượng của thế giới ảo bị hạ thấp vì các hành động hạ nhục người khác bằng lời nói và công kích cá nhân. Công nghệ phát triển nhanh đến mức mọi người chỉ bắt đầu nhận ra sự tiêu cực khi bị áp đảo bởi khối lượng quá lớn thông tin mới nhưng chưa xác thực, hoặc từ việc nhận quá nhiều nội dung quảng cáo khi các công ty tập trung khai thác thông tin cá nhân đã khai báo trực tuyến, hoặc từ tình trạng chúng ta đang kết nối và giao tiếp liên tục đến quên mất trách nhiệm dừng lại suy xét đúng sai. EI có thể giúp đối phó tốt các vấn đề nêu trên, và rõ ràng là ngày càng nhiều người nhận ra điều này.
KC: Sự hiểu biết của chúng ta về EI đã thay đổi thế nào trong hơn 20 năm qua, từ khi nó được phổ biến lần đầu tiên?
JB: Có lẽ thực tế lớn nhất là chúng ta không còn nhìn EI gắn liền với đạo đức nữa. Trong một thời gian dài, những nhóm người ủng hộ đã đề xướng EI như giải pháp cuối cùng cho nhiều vấn đề khác nhau, từ bắt nạt ở trường học cho đến gắn kết tinh thần nhân viên. Nhưng rõ ràng, giống như trí thông minh, EI là công cụ có thể sử dụng cho mục đích đạo đức lẫn phi đạo đức. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng những nhân cách ái kỷ và thậm chí bệnh nhân tâm thần lại đặc biệt nổi trội với vài đặc điểm nhất định của EI, bao gồm cả khả năng điều khiển cảm xúc người khác.
KC: Vậy làm thế nào để những hiểu biết mới này về EI có thể giúp chúng ta thành công hơn trong công việc?
JB: Hãy xem xét một ví dụ – khả năng hưởng lợi từ phản hồi.Sheryl Sandberg đã từng nói rằng một trong những phẩm chất mà bà ấy tìm kiếm nhiều nhất ở nhân viên là khả năng phản hồi tốt.Vì sao vậy? Bởi việc phê bình mang tính xây dựng là cực kỳ khó khăn với hầu hết mọi người. Đa số chúng ta sẽ trở nên nhạy cảm hoặc buồn phiền khi ai đó bảo mình đã sai hoặc chỉ cho cách làm tốt hơn. Điều này là lẽ tự nhiên, cảm giác không thoải mái khi bị chỉnh sửa.Nhưng một cải tiến đơn giản có thể tạo nên điều kỳ diệu cho sự phát triển cá nhân. Phải học cách xem những lời chỉ trích không phải sự tấn công mà là bài học kinh nghiệm. Các phản hồi tiêu cực có thể vẫn nhức nhối, nhưng bây giờ bạn nên đặt cảm xúc sang một bên rồi ngẫm xem những điều vừa nhận được có thể giúp bạn phát triển ra sao. Ngay cả các chỉ trích không hề có cơ sở vẫn mang lại lợi ích, nó giúp bạn hiểu được quan điểm và thực tại của người xung quanh.Nào, bây giờ bạn lại đang đứng ở một phía khác, người đưa ra phản hồi cho ai đó. Thách thức ở đây là bạn hiểu đối phương thường có cảm giác thế nào, đôi khi bạn sẽ ngần ngại đưa ra phản hồi cần thiết vì sợ người kia tổn thương hay bị sứt mẻ mối quan hệ. Hoặc lắm lúc có thể vì phong cách phản hồi của bạn thẳng thừng, lỗ mãng đến mức người nghe phật lòng và có cảm xúc tiêu cực.Nếu biết tận dụng các cơ hội để xây dựng lòng tin – ví dụ đưa ra lời khen chân thành và hữu ích – bạn cứ ngay thẳng trong những tình huống phải đưa ra phản hồi góp ý. Một khi ai đó đã dành vị trí cho bạn trong suy nghĩ, nhiều khả năng họ quan tâm và muốn lắng nghe nhận xét của bạn.Học cách xác định và giải quyết cảm xúc có thể giúp bạn quản lý xung đột hiệu quả, tăng tính thuyết phục đồng thời xây dựng mối quan hệ sâu sắc và bền chặt hơn. Từ đó năng lực cảm xúc trong công việc của bạn cũng tăng lên.
KC: Tuy nhiên ông cũng cho rằng EI không phải lúc nào cũng là điều tốt, vì sao vậy?
JB:Vâng, tham nhũng quyền lực. Không thể chối cãi EI là một loại quyền lực. Nhiều lãnh đạo khét tiếng nhất trong lịch sử đã chứng minh họ sở hữu EI cực kỳ cao, hoặc ít nhất là một số đặc điểm của nó. Có phải tính tư lợi đã thúc đẩy họ tăng IQ? Hay khả năng cảm xúc của họ đã tiếp nhiên liệu cho sự tư lợi?Đó là câu hỏi khó trả lời, nhưng chính tôi cũng từng cảm thấy sức hấp dẫn của EQ trong việc khiến bản thân lôi cuốn hơn.Ví dụ như tôi bị cám dỗ sử dụng các kiến thức về cảm xúc của con người để tác động hoặc thuyết phục họ. Mọi người đều làm điều này, với mức độ khác nhau, chỉ là chúng ta ít nhận ra. Chẳng hạn như bạn sẽ trở nên tử tế hơn với ai đó có điều mà bạn muốn. Hành động này có phi đạo đức không? Lời đáp sau cùng là tuỳ tình huống. Câu hỏi quan trọng nhất cần xem xét: “Tôi có đang thuyết phục người này làm điều gì khiến họ sau này phải hối tiếc?”Nắm được logic này, bạn sẽ hiểu vì sao EI có thể trở thành công cụ đặc biệt nguy hiểm khi trao nhầm tay kẻ xấu. Nhưng bạn cũng hình dung được EI có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các mục tiêu và động lực của mình như thế nào. Đó là lý do tôi đoan chắc rằng EI chỉ là một phần của vấn đề, thiếu mất kim chỉ nam mạnh mẽ cho tinh thần và các nguyên tắc đạo đức dẫn dắt sự phát triển, mọi người dễ lầm đường lạc lối.
KC: Quyển sách đề cập nhiều về sự đồng cảm, nhưng ông đã nói rằng hầu hết mọi người ngày nay đồng cảm sai cách. Ông có thể chia sẻ rõ hơn?
JB: Thực tế là ai trong chúng ta cũng muốn nhận được nhiều sự thông cảm trong cuộc sống.Nhưng ta lại thường rất khó khăn khi nghĩ cho người khác, đặc biệt là những người mang giá trị hoặc có niềm tin khác với mình. Vậy nên, có rơi vào tình huống thực sự cần đến sự đồng cảm thì chúng ta mới hiểu những người khác hơn và giúp họ hiểu về mình đúng hơn.Hãy nhớ rằng, đồng cảm không phải là đồng ý.Chris Voss, người từng là chuyên gia đàm phán bắt cóc hàng đầu của FBI trong nhiều năm, đã có sự lý giải tuyệt vời cho điều này. Ông ấy chia sẻ rằng thực tế mình có khả năng thể hiện sự đồng cảm với bất cứ ai – kẻ bắt cóc hay tên khủng bố, ông ấy làm vậy nếu có bất kỳ cơ hội nào khiến họ quyết định thả các nạn nhân. Không đồng tình với các nguyên tắc hay phương pháp của tội phạm nhưng ông nỗ lực hết sức để hiểu họ từ đâu đến, suy nghĩ gì, muốn làm gì nhằm xây dựng sự đồng cảm, từ đó họ sẽ lần lượt chấp nhận và nghe theo lời ông.Bạn có thể áp dụng cùng nguyên tắc này khi giao tiếp với mọi người hàng ngày, bất kể sự khác biệt giữa đôi bên là gì. Đồng cảm không có nghĩa là đồng tình với niềm tin của người khác, chỉ đơn giản là cố gắng hiểu chúng tốt hơn. Nếu bạn làm được vậy, đối phương sẽ rất cảm kích và đáp trả tương ứng.
KC: Ông có lời khuyên nào cho độc giả để họ có thể cải thiện EQ tốt hơn ngay từ hôm nay?
JB: Nhắn nhủ quan trọng nhất tôi có thể dành cho các bạn chính là hãy học cách kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ của mình. Nói điều này thực sự dễ hơn làm, nhưng nếu luyện tập đủ nhiều bạn hoàn toàn có thể thay đổi cục diện.Suy ngẫm điều này: Đa số các cảm xúc mà chúng ta trải qua hầu như theo bản năng, nên ta không thể thực sự kiểm soát chúng trong một khoảnh khắc nào đó. Tuy nhiên, chúng ta luôn có thể kiểm soát cách bản thân phản ứng lại với những cảm giác này, bằng cách tập trung vào suy nghĩ của chính mình.Để minh hoạ, giả sử như bạn có xu hướng phản ứng bốc đồng, nó gây ra nhiều rắc rối ngoài ý muốn và khiến bạn hối tiếc về sau. Nhưng nếu phát triển được khả năng “tạm dừng vài giây” để suy xét và cân nhắc trước khi nói hoặc làm, bạn sẽ kiểm soát được cảm xúc và ngăn chặn nhiều sai lầm không đáng có.Mặt khác, bạn có thể gặp phải vấn đề ngược lại. Theo bản năng, bạn thường giữ lại những suy nghĩ và ngại chia sẻ ý kiến hay quan điểm riêng. Trường hợp này, bạn cũng cần “tạm dừng”, nhưng là để tự hỏi mình: “Nếu bây giờ tôi không nói gì cả, sau này có hối hận không?”. Với nhiều người, sự thay đổi đơn giản này mang lại động lực để họ cất lên tiếng nói.
Tạm dừng là một trong nhiều phương pháp hiệu quả, có thể hoàn thành cùng mục tiêu xây dựng trí tuệ cảm xúc cao hơn: kiểm soát suy nghĩ, quản lý cảm xúc và khiến chúng hỗ trợ thay vì chống lại bạn.
Nguồn Career Builder Vietnam
0 comments:
Đăng nhận xét