25 thg 12, 2018

10 đặc điểm tệ nhất của sếp tồi khiến nhân viên bỏ việc

Một khảo sát mới đây của công ty có tên là BambooHR ở 1.000 người lao động đã xếp hạng những lý do hàng đầu khiến người lao động bỏ việc. Khảo sát cũng phát hiện ra rằng 44% những người được khảo sát bỏ việc vì phải làm việc với một vị “sếp” tồi.

1. Sếp nhận thành tích của nhân viên (63%)
Một trong những phát hiện lớn của khảo sát này là các nhân viên rất ghét việc sếp nhận vơ thành tích của mình. Và những nhân viên lớn tuổi (trên 45 tuổi) thì còn ghét việc này hơn nhiều. Lý do: ai cũng muốn được công nhận, sau đó được thách thức hoàn thành các mục tiêu khác cao hơn. Khi họ nhận ra những thành quả của mình bị người khác đánh cắp, họ sẽ mất đi tất cả động lực.

2. Sếp không tin tưởng hoặc không trao quyền cho bạn (62%)
Lòng tin và sự ủy quyền có thể thay đổi nhận thức của nhân viên. Khi bạn trao niềm tin cho nhân viên, về cơ bản là bạn đang tạo điều kiện cho nhân viên hoàn thành nhiệm vụ. Những ông chủ tồi không hiểu được điều đó. Họ chỉ huy và kiểm soát, cho rằng nhân viên sẽ thất bại hoặc gây mâu thuẫn. Để thay đổi, sếp phải cho nhân viên thấy rằng họ ổn với những thất bại nho nhỏ.

3. Sếp không quan tâm nếu bạn làm việc quá sức (58%)
Nếu sếp đang đi chơi golf hay đi nghỉ mát ở Orlando mà nhân viên đang làm việc mờ mắt trong văn phòng, thì đó chính là vấn đề. Bởi vì ở góc độ của người lao động, chẳng có ví dụ nào về cách làm một công việc, ai đó giải thích về cách hoàn thành nhiệm vụ hay bất cứ thời gian biểu nào ngoài việc “hãy làm cho xong việc này trước khi sếp bắt đầu chú ý lại”.

4. Sếp không ủng hộ khi bạn nói tới tiền thưởng, tiền thêm giờ (57%)
Tiền thưởng, tiền làm thêm giờ là cách ghi nhận những nỗ lực của nhân viên về mặt tài chính. Người lao động sẽ có xu hướng từ bỏ nếu như những cố gắng của họ không nhận về xứng đáng.

5. Sếp tuyển dụng hoặc thăng chức sai người (56%)
Sự thiên vị là một động cơ khác khiến nhân viên nghỉ việc. Một ông chủ tồi sẽ chọn những người mà họ thích, bất kể trình độ, kỹ năng. Ông chủ tồi không đánh giá chính xác tất cả nhân viên và không hiểu một công việc hoặc một vị trí đòi hỏi những gì.

6. Sếp không ủng hộ bạn khi bạn tranh cãi với khách hàng của công ty (55%)
Tất cả mọi người đều cần người ủng hộ, đặc biệt nếu sự ủng hộ đó đến từ sếp. Nếu nhân viên đúng, họ cần sếp tôn trọng sự thật đó.

7. Sếp không đưa ra những định hướng rõ ràng cho vị trí công việc (54%)
Khi một nhân viên không biết phải làm gì, điều đó sẽ gây ra xung đột. Nhân viên nào cũng muốn những kỹ năng của mình được sử dụng và có nhu cầu thể hiện họ có những khả năng tuyệt vời. Sếp giỏi là người biết cách nuôi dưỡng tất cả những kỹ năng và sự sáng tạo đó theo đúng cách. Sếp tồi thì chỉ để cho nó chết.

8. Sếp kiểm soát tiểu tiết và không cho phép “tự do làm việc” (53%)
Một yếu tố khác giết chết động lực làm việc của nhân viên là khi sếp soi mói suốt ngày. Điều đó cũng cho thấy sự thiếu thấu cảm, bởi vì ông chủ chỉ đang nhìn kết quả công việc của họ như một cái đánh dấu đã làm xong trong cuốn sổ tay hay trên màn hình máy tính. Trong khi họ là một con người đang làm việc. Một ông chủ giỏi là người biết công nhận rằng mọi nhân viên đều có nhu cầu cá nhân và đều có mong muốn làm việc một cách sáng tạo và theo định hướng của riêng mình.

9. Sếp tập trung nhiều vào điểm yếu của nhân viên hơn là điểm mạnh (53%)
Một ông chủ tồi là người chỉ thích chỉ ra những thứ mà bạn làm sai. Ông chủ giỏi là người bỏ qua những vấn đề nhỏ và tập trung vào kết quả.

10. Sếp không đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho nhân viên (52%)
Nhân viên cần biết như thế nào được gọi là thành công khi nắm giữ vị trí này, cần làm những bước gì để hoàn thành nhiệm vụ đó. Khi mà họ không biết mục tiêu và kỳ vọng dành cho mình, họ sẽ rơi vào tình trạng làm việc kém năng suất và thiếu nhiệt huyết.

Theo Inc

0 comments:

Đăng nhận xét