Không phải mọi thứ đều được tìm thấy từ trong sách, có những thứ cần bạn trải nghiệm và đúc kết ra cho bản thân.
1. Năng lực quản lý ngưỡng kì vọng
Có một công thức như sau: hạnh phúc = hiện thực – ngưỡng kì vọng.
Lấy một ví dụ rất gần gũi, khi chúng ta vừa bước vào một môi trường làm việc mới, nếu ngay lúc đầu bạn đã là một người ưu tú, vậy thì hiển nhiên sự kì vọng của mọi người xung quanh đối với bạn sẽ không ngừng một tăng cao.
Đến cuối cùng, sẽ thường xuất hiện những yêu cầu mà bạn không thể đáp ứng được. Lúc này, những đánh giá tiêu cực về bạn cũng dần dần xuất hiện, thậm chí đôi khi bạn còn bị đánh giá là không bằng những người thường ngày bình bình, không có gì nổi bật cho lắm.
Vì vậy, chúng ta cần phải biết cách làm sao để quản lý "ngưỡng kì vọng" của người khác đối với mình. Phương pháp thường thấy đó là "nén" lại sở trường, tuyệt chiêu của bạn. Có những người ngay cả khi đối phương mong chờ một điều gì đó ở họ, nhưng nếu chưa đến thời khắc quan trọng thì họ sẽ tuyệt đối không lấy ra dùng.
Nhưng những người xung quanh cũng không phải là tên ngốc, nhiều lần làm như vậy rồi người khác sẽ cảm thấy bạn đang "giấu nghề". Chẳng hạn như những người lúc nào cũng nói là "Ôi không, mình làm bài không tốt lắm" hay "Ừ thì thi cũng bình thường thôi" nhưng cuối cùng điểm lại cao nhất khối.
Cần phải biết khống chế một cách hiệu quả những kì vọng mà mọi người dành cho bạn. Nếu không biết cách quản lý hiệu quả thì khi kì vọng của mọi người đối với bạn tăng lên bạn sẽ phải đôi mặt với những áp lực khiến mình không thể tốt lên được, thậm chí còn ngã gục trước áp lực đó.
2. Khả năng ứng phó với sự thay đổi của thời gian
Tin rằng phần lớn mọi người đều đã hoặc đang có cảm giác cảm thấy thời gian trôi thật nhanh. Lúc còn học tiểu học thì thời gian được tính theo tháng, lên đại học thì tính theo kì, khi có công việc rồi thì lại tính theo năm. Càng trưởng thành càng cảm thấy thời gian trôi qua thật nhanh.
Thử hỏi ba mẹ của bạn xem, họ sẽ nói với bạn rằng: chớp mắt một cái mà đã 10 năm rồi. Họ luôn hồi tưởng lại những câu chuyện của 20, 30 năm về trước, cảm giác như chuyện vừa mới xảy ra hôm qua vậy.
Có một cách nói khá thú vị như sau: lúc 5 tuổi, kí ức của con người có 5 năm, lúc này khi thêm 1 năm nữa, tức là năm 6 tuổi thì kí ức tăng thêm 1/5; 6 tuổi đến 7 tuổi, kí ức tăng thêm 1/6; 7 tuổi đến 8 tuổi, kí ức tăng thêm 1/7. Cứ tính như vậy thì đến năm bạn 21 tuổi, kí ức sẽ chỉ tăng thêm 1/20 nữa thôi.
Nếu như hồi tưởng lại thật tỉ mỉ, bạn sẽ phát hiện ra: lúc còn nhỏ, 10 phút nghỉ giữa giờ, đủ để bạn chạy ra sân chơi trò gì đó, nhưng bạn của hiện tại, chỉ vừa mở một cuốn sách ra, hình như chẳng làm cái gì, một tiếng đồng hồ đã trôi qua rồi. Hay lúc nhỏ, ba tháng nghỉ hè cảm thấy dài đằng đẵng. Bây giờ thì… 1 tháng, sao chỉ có 4 tuần? Chớp mắt một cái đã hết 1 tháng rồi.
Càng trưởng thành những chuyện cần phải làm và lo nghĩ lại càng nhiều. Cảm thấy thời gian trôi qua thật nhanh cũng là chuyện thường thấy. Quan trọng là hãy làm sao để có thể ứng phó với sự thay đổi đó, làm sao để sống hết mình với thời gian, không để nó trôi qua một cách vô ích, làm sao để sau này khi đã già rồi, ngồi hồi tưởng lại câu chuyện của 20, 30 năm trước mà không cảm thấy hối hận, không phải thốt lên rằng "giá như khi đó…".
Thời gian là thứ một khi đã trôi qua thì sẽ không thể quay lại, quan trọng là ở bạn. Mỗi người có một cách để ứng phó với thời gian khác nhau, cá nhân tôi cho rằng sống hết mình cũng chính là một năng lực giúp bạn ứng phó với sự thay đổi tự nhiên này. Còn bạn thì sao? Thiết nghĩ bạn là người rõ câu trả lời nhất.
Theo Trí Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét