Đây là những điều mà rất nhiều người đang ở giai đoạn phát triển sự nghiệp phải tiếc nuối.
Khi nhìn lại cuộc đời mình, dù ở giai đoạn nào, dù ít dù nhiều, sẽ luôn có những điều khiến chúng ta tiếc nuối, kiểu như “Tôi ước gì mình đã…”.
Nữ chuyên gia đào tạo kỹ năng lãnh đạo Kathy Caprino - người có hơn 10 năm tập trung vào việc huấn luyện, giảng dạy, đào tạo và giúp đỡ những người đang ở giai đoạn phát triển sự nghiệp, giúp họ đào sâu, khám phá về công việc phù hợp với họ - chia sẻ rằng, rất nhiều người “ở lưng chừng sự nghiệp” tiếc rằng mình đã…
1. Nghe theo những gì mọi người nói về thứ cần học và điều cần theo đuổi
Rất nhiều người tin rằng khi bạn 40 tuổi, bạn sẽ nhìn rõ mọi thứ trong cuộc sống, và đưa ra các quyết định thực sự của riêng bạn. Thật buồn mà nói, thực tế không hoàn toàn đúng vậy. Hàng ngàn người trên thế giới cảm thất rất nuối tiếc và đau khổ vì họ đang sống một cuộc đời của người khác. Họ phải sống theo cách mà ba mẹ định hướng, và bị ép làm việc mà người khác mong muốn làm.
Có nhiều người trung niên (40 – 60 tuổi) mới nhận ra rằng họ đang làm không đúng công việc phù hợp, theo đuổi những mục tiêu sai lầm, bởi vì họ từng học ở những trường mà ba mẹ định hướng cho họ, để họ “có được những điều tốt, có được sự an toàn và ổn định”.
Họ cũng thừa nhận rằng có những điều tưởng chừng như vô thức hoặc có tính phong tục tập quán khiến họ cảm thấy nên trở thành bác sĩ, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư... Thực tế là những người này đã không có đủ can đảm để tự ra quyết định, hoặc nói "không".
Để có một cuộc sống hạnh phúc, hãy can đảm nói “có” với những giá trị mà bạn tin tưởng, ngừng sống cuộc sống của người khác, cho dù đó là cha mẹ.
2. Quá bận tâm tới công việc
Rất nhiều đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi trung niên chia sẻ rằng họ rất nuối tiếc về những gì đã bỏ lỡ trong cuộc đời, vì họ chỉ biết có việc làm. Họ bỏ lỡ cơ hội ở bên con cái, hoặc thậm chí bỏ lỡ cơ hội có con. Họ bỏ lỡ cơ hội để xây dựng niềm tin và sự gần gũi với người bạn đời, gia đình và bạn bè. Họ bỏ lỡ cơ hội để khám phá, du lịch, tận hưởng, học hỏi, rèn luyện, hưởng thụ thiên nhiên và sự thư giãn. Họ bỏ lỡ quá nhiều và hy sinh quá nhiều để theo đuổi những mục tiêu nghề nghiệp mà giờ đây họ cảm thấy thật vô nghĩa và trống rỗng.
Khi 80 hoặc 90 tuổi, họ không còn suy tính gì về những mục tiêu công việc mà họ đã từng hết sức nỗ lực để đạt được, mà họ nghĩ về tình cảm và gia đình, về những người thực sự quan trọng. Họ thật sự rất nuối tiếc về những gì đã không làm cho hoặc làm cùng những người mà họ thương yêu.
3. Để nỗi sợ hãi ngăn cản quyết định thay đổi
Có nhiều nỗi sợ ngăn cản chúng ta hành động. Nhưng những sợ hãi lớn nhất đều thường xoay quay sự thất bại, sự mất mát và sự đau khổ.
Những người ở lưng chừng sự nghiệp chia sẻ rằng họ rất sợ thất bại, sợ tan vỡ, sợ không còn khả năng đảm bảo tài chính cho gia đình mình. Họ sợ rời khỏi "vùng an toàn", cho dù biết việc duy trì tình trạng hiện tại là khá nguy hiểm và bất ổn.
Cho tới khi chúng ta chưa thể bước ra khỏi vùng an toàn, những nỗi sợ sẽ vẫn khiến chúng ta bế tắc.
4. Không nhận diện được những tình huống nguy hại
Rất nhiều người đã chia sẻ về nguồn gốc của những hiểm họa trong ứng xử đối với cuộc sống hay với các mối quan hệ của họ. Và họ cũng chia sẻ rằng họ không hề biết cách nào để giải quyết chúng.
Ngày nay, những hiểm họa càng trở nên nguy hiểm hơn, và rất nhiều trong số chúng đến từ việc bị stress, từ những suy nghĩ tiêu cực, hay sâu xa hơn là từ những phương pháp sai lầm mà chúng ta đã được nuôi dưỡng hay được dạy bảo (hoặc không được dạy bảo) về việc đâu là ứng xử chấp nhận được và không chấp nhận được. Những hành vi này cũng bị thay đổi vì lòng tự trọng đã bị tổn thương nặng nề - bởi ám ảnh thời niên thiếu, những vết thương trong cuộc sống hay việc phải nhận quá nhiều tổn thương trong công việc.
Những ứng xử nguy hại - trong công việc, trong các mối quan hệ và trong cả chính suy nghĩ của chúng ta - sẽ khiến chúng ta cực kỳ đau khổ, nhưng thường thì chúng ta không đủ tỉnh táo để nhận ra điều đó cho tới khi chúng khiến ta gục ngã, hoặc khiến ta có những hành động quyết đoán hơn, để biết yêu thương, chăm sóc và biết tự bảo vệ bản thân.
5. Để bản thân bị mắc kẹt bởi tiền bạc
Tiền là thứ xuất hiện trong hầu hết các vấn đề mà những người đang phát triển sự nghiệp phải quan tâm. Họ sợ vấn đề tiền bạc, hoặc sợ phải làm nô lệ cho nó, thường là họ rất hối hận vì điều này. Mọi người chia sẻ rằng họ biết họ đang không được sống một cuộc sống mà họ mong muốn, họ rất buồn vì điều đó, nhưng họ lại không biết được cách nào để thoát khỏi điều này bởi vị họ đang bị mắc kẹt vì tiền bạc.
Hoặc là họ cảm thấy cần phải tiếp tục kiếm được giống như những gì họ đang kiếm được trong ngày hôm nay, nên họ sẽ không thay đổi phương pháp hoặc rời khỏi những nguy hiểm trong công việc, hoặc là họ cảm thấy tuyệt vọng vì không kiếm được đủ, nên họ muốn theo đuổi thứ gì đó "an toàn" mà họ biết rằng đến cuối cùng nó vẫn sẽ khiến họ khốn khổ.
Mối quan hệ của chúng ta với đồng tiền trở nên rất chặt chẽ. Những điều tiêu cực, những câu chuyện kèm sự sợ hãi mà chúng ta tự kể với chính mình sẽ luôn thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta, mặc cho chúng ta có nỗ lực thế nào. Nếu chúng ta không đi tới tận cùng của "vùng sợ hãi tiền bạc" và xóa bỏ nó, chúng ta sẽ vẫn bị kẹt trong sự lo lắng, tuyệt vọng trong suốt phần đời còn lại của mình.
Cảm nhận được những năm tháng bạn còn lại phía trước ít hơn hẳn quãng thời gian mà bạn đã trải qua là một trải nghiệm rất đặc biệt. Với nhiều người, nó gợi lên một cảm giác cấp bách để nhìn nhận những gì là sai trái trong cuộc sống - những thứ khiến bạn ốm đau, buồn chán, tuyệt vọng, giận dữ… Nó thúc đẩy chúng ta tập trung lòng can đảm, và cam kết thực hiện những gì cần thiết để bắt đầu cuộc sống mà mình mong muốn.
Nguồn Entrepreneur
0 comments:
Đăng nhận xét