Trong các lập luận được cả thế giới thừa nhận, xã hội hiện đại là nơi đàn ông và phụ nữ được bình đẳng học hỏi, có cơ hội làm việc ngang nhau. Tuy nhiên ở các nước phương Đông, nhiều định kiến xưa cũ vẫn tạo ra gánh nặng trên vai cả hai giới.
Người tị nạn tài chính
Tại gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở Thanh Xuân - Hà Nội, tiếng nói của anh trong gia đình dường như không có “trọng lượng” bằng ý kiến của chị Mai Hạnh, vợ anh. Nguyên nhân là vợ chồng anh đều làm ở doanh nghiệp ngoài nhà nước nhưng thu nhập của hai vợ chồng chỉ sàn sàn nhau, đủ chi tiêu. Chị Hạnh xinh đẹp, khéo vun vén nhà cửa, nên ai cũng khen anh Tuấn có phúc. Nhưng đúng là “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, dù anh Tuấn đưa mọi khoản thu nhập cho chị nhưng chị thường xuyên đay nghiến chồng những lúc thấy mình thua kém bạn bè, đồng nghiệp.
Chị Hạnh là người hay so sánh, lúc thì bóng gió, lúc thì nói thẳng vào mặt anh, nào là “chồng người ta thì đi ô tô, chồng tôi 10 năm nay vẫn đi con rim ghẻ từ hồi ra trường”, “chồng người ta thuê giúp việc để vợ đỡ vất vả, nhà này việc gì cũng đến tay vợ, không khác gì osin”, hay thậm chí quá đáng hơn là “chồng người ta ngày nọ ngày kia có hoa có quà cho vợ, chồng nhà này coi như điếc như mù”…
Với chị Hạnh, việc thu nhập của chồng chỉ bằng mình là một “cái tội”. Chị mặc định rằng trách nhiệm lo toan “việc lớn” là của người đàn ông, và thể hiện sự bất mãn bằng việc… chờ tới ngày anh lo những “việc lớn” đó, cương quyết không chịu cùng lên kế hoạch tài chính lâu dài cho gia đình. Anh Tuấn yếu thế, không nắm chi tiêu, cũng không biết vợ có để dành riêng hay không, lâm vào cảnh tháng nào biết tháng đó.
Quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình còn rất phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện đại. Khác với nhiều nước phương Tây, vợ chồng sòng phẳng trong quan hệ tài chính, tại Việt Nam nhiều người vẫn quan niệm người đàn ông phải là người kiếm ra nhiều tiền hơn vợ để lo mọi việc gia đình. Vì thế những người đàn ông không làm được điều này thường không được vợ coi trọng.
Gia đình anh Mai Văn Phong, chị Nguyễn Thị Ngọc ở quận Ba Đình là một gia đình như thế. Do khéo léo, duyên dáng nên chị Ngọc đã trở thành trưởng phòng ở một công ty tầm cỡ có vốn nước ngoài chỉ mấy năm sau khi ra trường. Trong khi đó, anh Phong vẫn lẹt đẹt là kỹ sư ở một cơ quan nhà nước.
Với thu nhập gấp nhiều lần chồng, chị Ngọc thường xuyên đi sớm về muộn, để con cho bà nội trông với lý do bận làm việc. Về đến nhà thì chị kêu mệt mỏi, đá thúng đụng nia. Mỗi khi anh nhắc chị quan tâm đến con để trong lòng con có hình bóng mẹ, chị bắt đầu “kể tội” chồng không lo được cho gia đình nên chị mới phải vất vả bôn ba bên ngoài, nhờ chị nên mới có nhà để ở, tivi, tủ lạnh, máy giặt “xịn” để dùng… Quá mệt mỏi với vợ, anh Phong bắt đầu coi như không có vợ. Cuộc sống gia đình ở thường chỉ có 3 người là mẹ anh Phong, anh và con, chị Ngọc đã dần trở thành khách trong ngôi nhà của chính mình.
Họ trở thành những “người tị nạn tài chính” trong căn nhà của mình. Thu nhập đưa hết cho vợ, nhưng vẫn không giải quyết được mâu thuẫn, anh Phong phát hiện ra rằng bao nhiêu năm qua anh cũng đã vô thức tự đuổi theo giấc mơ phi lý của vợ. Anh đã gồng lên để dồn tiền sang sửa căn nhà theo ý chị, gồng lên để dồn tiền mua xe, gồng lên để “thể hiện bản lĩnh” bằng việc cho con học trường quốc tế. Trong suốt nhiều năm đó, anh đã có thể tính toán các bài toán tài chính riêng, bền vững hơn, lo được cho mẹ và em, nhưng không hề, mà cố vun phần lương của mình vào cuộc đuổi bắt phù phiếm của người vợ đầy ẩn ức.
Kẻ nối dõi tông đường
Ngoài những áp lực về tài chính, con cái, nhiều người đàn ông còn mang tiếng… vô trách nhiệm với gia đình vì không tạo dựng sự nghiệp đúng theo ý bố mẹ. Đã hơn 30 tuổi, là một thợ xăm nghệ thuật có tiếng nhưng anh L.V.T ở quận Hoàng Mai trong mắt bố mẹ là cựu quan chức nhà nước thì anh vẫn… lông bông, không có một công ăn việc làm tử tế.
Theo quan điểm của bố mẹ anh, phải trở thành “người nhà nước” hay công tác ở công ty này, doanh nghiệp nọ mới xứng đáng với cái bằng đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh của anh. “Tôi thấy việc học nghề này nhưng theo đuổi nghề khác là chuyện hết sức bình thường. Bây giờ nhiều cử nhân, thậm chí thạc sỹ tiến sỹ mà cứ chờ đúng chuyên ngành mới làm thì chỉ có thất nghiệp. Tuy nhiên bố mẹ cứ nói mãi về vấn đề này khiến không khí gia đình ngày càng căng thẳng, có hôm tôi ở lại cửa hàng xăm luôn để đỡ phải về nhà”.
Anh không sợ thất bại. “Kinh doanh thì việc đổ bể là chuyện bình thường” - anh nói khi nói về khoản vay để mở cửa hàng thứ hai. Nhưng anh sợ thất bại sẽ đi kèm với sự phán xét. Nếu tay trắng, anh không xấu hổ với bản thân mình, mà sẽ phải chịu bao nhiêu lời dèm pha từ việc “không lo nổi cho vợ con”. Anh chưa hề chuẩn bị cho phương án đó.
Dù cuộc sống đã ngày càng hiện đại, mở ra những xu hướng, cơ hội nghề nghiệp mới nhưng vẫn còn rất nhiều định kiến, quan niệm xưa cũ ràng buộc những người đàn ông trong xã hội. Vấn đề nằm ở chính những người trong cuộc và gia đình: họ liệu có mở lòng để đón nhận xu hướng mới của xã hội hay vẫn phải rập khuôn theo những quan niệm đã lỗi thời?
Người đàn ông trong xã hội hiện đại có nỗi sợ nào? Họ có chịu các định kiến về giới, có mang những áp lực đặc thù của xã hội Á Đông? Họ có sẵn sàng chia sẻ hay sợ bị phán xét? Chiến dịch xã hội #toisogi do Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life tổ chức hướng tới khuyến khích người đàn ông nói ra những điều họ lo sợ.
Bạn có thể chia sẻ về bản thân hay về những người đàn ông trong đời mình ngay dưới bài viết này hoặc tại website www.toisogi.com. Những chia sẻ của bạn sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người, để cùng đi qua, để đồng lòng, và trên hết là để cải thiện chất lượng sống của tất cả chúng ta.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
0 comments:
Đăng nhận xét