Có rất nhiều công cụ tiếp thị trực tuyến (digital marketing), nhưng để đạt hiệu quả cao, điều quan trọng là phải chọn đúng công cụ, đặc biệt là khi bán hàng trên một nền tảng thương mại điện tử.
May mắn là, trên thị trường không hề thiếu những công cụ hỗ trợ, chỉ cần hiểu rõ về cách vận hành của “chợ” thương mại điện tử để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt về việc nên sử dụng những công cụ nào.
Inc. gợi ý 12 công cụ "quyền năng" hỗ trợ cho những người muốn mở "gian hàng" trên trang thương mại điện tử Amazon, nó không chỉ hữu ích với nhà bán hàng mà ngay cả các nền tảng thương mại điện tử cũng nên nghiên cứu nhằm hỗ trợ đối tác:
1. Feedback Genius: Giúp sản phẩm có thêm nhiều phản hồi tích cực
Một khách hàng mua sắm online sẽ tìm kiếm điều gì trước khi đưa ra lựa chọn một thương hiệu cụ thể, giữa một rừng những thương hiệu khác nhau? Dĩ nhiên họ sẽ tìm kiếm những phản hồi, đánh giá (review) của người khác.
Người tiêu dùng hiện đại rất giống nhau: trước khi chi khoản tiền khó khăn lắm mới kiếm được để mua một món hàng trực tuyến, họ có xu hướng muốn xem những phản hồi từ những khách hàng hài lòng. Vì thế, Amazon có cung cấp một hệ thống đánh giá sản phẩm. Nhưng hệ thống đó sẽ có ích gì nếu như khách hàng không sử dụng nó?
Đó chính là lý do Feedback Genius ra đời. Nó là một công cụ kết nối tự động với khách hàng sau khi họ nhận được một sản phẩm. Nó sẽ gửi đến họ một lời yêu cầu thật lịch sự để kêu gọi họ để lại phản hồi.
Feedback Genius được thiết kế dành riêng cho các nhà bán hàng trên Amazon. Nó sẽ tự động gửi email đến khách hàng, nhờ đó, họ sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để xây dựng thương hiệu.
2. Jungle Scout: Hỗ trợ nghiên cứu sản phẩm và thị trường ngách
Những sản phẩm nào hiện đang “hot” trên Amazon? Những sản phẩm ngách nào đang phổ biến? Nếu muốn trả lời những câu hỏi này, hãy tham khảo Jungle Scout – công cụ được Forbes gọi là “tài nguyên tốt nhất dành cho việc nghiên cứu sản phẩm dựa trên dữ liệu”.
Đầu tiên, Jungle Scout cung cấp một cơ sở dữ liệu sản phẩm để sàng lọc ra những sản phẩm đang được bán ra, trong vô số các loại sản phẩm khác. Cơ sở dữ liệu này sẽ cung cấp tất cả những thông tin quan trọng cần thiết giúp nhà bán hàng đưa ra quyết định nên hay không nên “nhảy vào” một thị trường nào đó.
Đồng thời, công cụ này còn bao gồm một trình theo dõi sản phẩm, được thiết kế để giúp họ tiết kiệm nhiều giờ đồng hồ nghiên cứu. Họ cũng có thể sử dụng nó để theo dõi các đối thủ cạnh tranh.
Cuối cùng, Jungle Scout còn cung cấp một “thợ săn ngách”, giúp nhà bán hàng khám phá ra những dòng doanh thu ẩn.
3. AMZ Tracker – công cụ theo dõi từ khóa
Theo dõi từ khóa là một phần việc quan trọng đối với các nhà bán hàng theo hình thức thương mại điện tử. Đó chính là lý do khiến AMZ Tracker trở thành một công cụ giá trị.
AMZ Tracker là công cụ đầu tiên về theo dõi từ khóa trên Amazon, nghĩa là nó đã có nhiều thời gian “trưởng thành” hơn các đối thủ khác.
Công cụ này không chỉ dùng để theo dõi từ khóa một cách đơn giản. Bạn còn có thể dùng nó để thấy được các đối thủ đang bán được nhiều hàng đến mức nào. Thêm nữa, AMZ Tracker còn cung cấp một tính năng SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), giúp bạn cải thiện thứ hạng từ khóa, từ đó gia tăng doanh thu.
Đồng thời, công cụ này cũng giúp bạn tối ưu hóa danh sách sản phẩm của mình. Trình phân tích “On Page Analyzer” của nó sẽ hiển thị những cách tiếp cận hợp lý của bạn cũng như những chỗ bạn cần phải cải thiện.
4. Bộ công cụ đa năng Keyword Inspector
Bộ công cụ Keyword Inspector bao gồm nhiều công cụ như Reverse ASIN Keyword Tool, Keyword Trends Tool..., giúp bạn tìm những từ khóa mua hàng trên Amazon dành cho sản phẩm của mình cũng như những từ khóa có liên quan, đảm bảo những danh sách hàng hóa của bạn sẽ được khách hàng mục tiêu tìm thấy.
Keyword Inspector cũng cung cấp một số công cụ miễn phí: Amazon Suggestions Tool giúp bạn tìm ra những từ khóa đuôi dài hiệu quả, Amazon Search Terms Optimizer Tool giúp tối đa hóa khả năng hiển thị tìm kiếm…
5. Công cụ nghiêu cứu sản phẩm và từ khóa Scope
Một công cụ khác về nghiên cứu sản phẩm và từ khóa trên Amazon là Scope. Với Scope, bạn có thể khám phá ra danh sách những từ khóa hiệu quả hàng đầu của bạn lẫn đối thủ, từ đó biết được mình nên sử dụng từ khóa nào.
Công cụ này cũng sẽ giúp bạn tối ưu hóa những chiến dịch quảng cáo trả tiền PPC (pay-per-click) với những từ khóa có khả năng đem lại kết quả tốt nhất.
Đồng thời, Scope còn cho thấy nhiều ngách có thể mang đến biên lợi nhuận cao với ít sự cạnh tranh.
Cuối cùng, Scope cũng góp phần giúp ích cho việc quản lý rủi ro bằng cách thể hiện thông tin ước tính vận tốc bán hàng, doanh thu hằng tháng và lợi nhuận sau khi trừ một số chi phí phải trả cho Amazon.
6. Unicorn Smasher – công cụ để “thống trị” Amazon
Vào website của Unicorn Smasher, bạn sẽ được chào mừng bởi dòng chữ “Hãy tìm một sản phẩm hoàn hảo để bắt đầu thống trị trên Amazon”. Tại đây, bạn có thể tải xuống nhiều công cụ để bán hàng thành công trên Amazon. Với Unicorn Smasher, bạn sẽ có được dữ liệu sản phẩm toàn diện, bao gồm giá cả, thứ hạng bán chạy, doanh thu ước tính, phản hồi…
Bạn cũng có thể nhận được một dashboard (bảng điều khiển) giúp bạn quản lý tất cả những nghiên cứu của mình ở một nơi duy nhất.
Unicorn Smasher còn cập nhật doanh thu ước tính cho hàng chục ngàn sản phẩm. Bạn có thể sử dụng thông tin này để đưa ra các dự báo doanh thu.
Một trong những phần tuyệt vời nhất của Unicorn Smasher là nó có thể tích hợp với công cụ AMZ Tracker đã nói ở trên.
7. MerchantWords: Biết được người mua hàng trực tuyến đang tìm kiếm điều gì
Bạn muốn biết về những cụm từ mà người mua hàng trên Amazon sử dụng mỗi ngày? Hãy thử dùng MerchantWords.
MerchantWords không chỉ tập hợp những từ khóa trên Amazon mà còn những từ khóa trên các trang khác, như Walmart hay Jet. Thông tin này sẽ trao cho bạn nhiều thông tin chi tiết hơn về những điều người mua hàng đang tìm kiếm trực tuyến.
Công cụ này cũng giúp bạn tìm ra những từ khóa tương tự nhau, từ đó cải thiện doanh số bán hàng.
8. Theo dõi giá cả trên Amazon với camelcamelcamel
Nói một cách ngắn gọn, camelcamelcamel là một công cụ theo dõi giá cả trên Amazon. Bạn có thể sử dụng nó để nhận được thông báo (thông qua email hoặc Twitter) khi giá của một sản phẩm bạn đang theo dõi bị giảm xuống.
Hơn nữa, camelcamelcamel cũng cung cấp các bảng lịch sử giá cả của hơn 18 triệu sản phẩm trên Amazon.
Với công cụ này, bạn cũng có thể tích hợp việc theo dõi lịch sử giá cả sản phẩm ở ngay bên trong trình duyệt mình đang sử dụng.
9. Keepa: Theo dõi giá cả trên phạm vi quốc tế
Keepa cũng là một công cụ theo dõi giá cả trên Amazon, cho phép bạn:
- Hiển thị biểu đồ lịch sử giá cả
- Thiết lập các thông báo về thông tin giảm giá và tính khả dụng của sản phẩm
- Hiển thị những thông tin lịch sử ngay bên trong trình duyệt của bạn
- So sánh giá cả trên Amazon
- Nhìn thấy những giao dịch gần nhất
Keepa cũng hỗ trợ trên quy mô quốc tế. Bạn có thể dùng nó để hiển thị lịch sử giá cả sản phẩm ở 11 quốc gia.
10. SellerLogic: Thiết lập mức giá hợp lý tùy theo nhu cầu
SellerLogic giúp tối ưu giá sản phẩm của bạn trên Amazon. Nó giúp bạn tìm thấy mức giá có thể gia tăng khả năng bán được hàng mà vẫn có được biên lợi nhuận tốt, thông qua các chiến lược sau:
- Buy Box: mức giá sẽ đưa sản phẩm của bạn vào vị trí Buy Box
- Position: mức giá sẽ giúp bạn được hiển thị ở vị trí đặc biệt trong các kết quả tìm kiếm
- Sales: mức giá sẽ giúp bạn tối đa hóa doanh thu
- Same Price: mức giá phù hợp so với các đối thủ
Một công cụ khác về chiến lược định giá là Appeagle. Nó sẽ tự động thay đổi chiến lược giá, giúp bạn thậm chí không cần "động một ngón tay" để thiết lập lại mức giá hợp lý mỗi ngày.
Bên cạnh Amazon, Appeagle cũng hỗ trợ các nhà bán hàng trên một marketplace khác là Walmart.
12. RepricerExpress: Kết hợp tiếp thị tự động và tối ưu hóa giá cả dựa trên dữ liệu
Công cụ cuối cùng cũng là một công cụ định giá: RepricerExpress.
Website RepricerExpress cam kết giúp bạn “giành được nhiều vị trí Buy Box hơn mà không cần phải theo dõi liên tục”. Nói cách khác, công cụ này kết hợp 2 yếu tố: tiếp thị tự động và tối ưu hóa giá cả dựa trên dữ liệu được cập nhật.
Ngoài chức năng giúp bạn đưa sản phẩm vào vị trí Buy Box, RepricerExpress cũng tối ưu hóa giá cả để chúng có thể được ở vào vị trí “More Choices” (“Những lựa chọn khác”), cũng như loại bớt một số người bán nhất định ra khỏi danh sách đối thủ của bạn.
Nguồn Internet
0 comments:
Đăng nhận xét