14 thg 12, 2018

Nghề nghiệp phân chia sang hèn: Bài học lớn của chàng trai khi biết cha bạn gái là công nhân nghèo


Trong xã hội hiện đại, nghề nghiệp dường như có cái gọi là "phân chia sang hèn". Dường như có người chỉ cần làm nghề nào đó là mặc nhiên thuộc về giới thượng lưu, còn một số người thì không dám ngước mắt nhìn người khác vì chính nghề nghiệp của mình.
Gần đây, có một cô gái chia sẻ trên mạng xã hội về cuộc sống của người cha là công nhân xây dựng. Hồi nhỏ mỗi khi được cha bế thì cô chê bẩn, chê xấu. Đến nay, khi đã trưởng thành, cô mới thấu hiểu nỗi khổ tâm của cha.

Lúc nhỏ vì cha mẹ luôn bận rộn nên cô thường ở trong quán của dì. Một lần, sau khi tan ca, người cha liền vui vẻ đến đón cô. Nhưng cô bé tiểu học lớp 4 kia cứ không ngừng đẩy tay người cha ấy ra và nói: "Cha, cha hôi lắm, đừng bế con".

Cô bé thơ ngây kia chẳng biết rằng câu nói của mình như lưỡi dao sắc lẹm cứa vào tim cha. Cô thấy thần sắc cha bỗng nhiên ảm đạm, nét mặt thoáng buồn. Mãi cho đến nhiều năm sau đó, cô đã hiểu sự đời, mới hối hận sâu sắc vì năm xưa đã buột miệng nói ra những lời cay nghiệt đó.

Cuối cùng cô cũng cũng hiểu ra, nghề nghiệp không có sang hèn, chỉ cần nỗ lực thiết thực kiếm tiền bằng mồ hôi công sức là được. Người cha là công nhân mãi mãi là người hùng trong tim cô, và ông vĩ đại hơn hết thảy.

Khi lên đại học, cô thường đến công trường thăm cha, cùng cha ăn bữa tối. Khi tan tầm, cô thường ở bên người cha còn nồng nặc mồ hôi và ôm chặt lấy ông, chỉ hy vọng có thể bày tỏ lòng ăn năn của cô với người cha đáng thương của mình.

Bạn trai có lần nói với cô rằng công việc của cha cô có chút "hạ đẳng", người cũng không được sạch sẽ. Cô lập tức phản bác rằng: "Tuy em không biết cái gọi là nghề nghiệp cao thấp sang hèn, nhưng nếu dùng mức độ sạch sẽ của trang phục để đánh giá một nghề nghiệp, thì nghề nghiệp cao cấp nhất có lẽ là làm một con sâu gạo. Họ không bẩn thỉu, mà cái bẩn thỉu là trái tim và cặp mắt của anh". Sau ngày hôm ấy, cô nói lời chia tay với chàng trai, bất kể anh ta có nài nỉ, đau đớn, vật vã níu kéo thế nào đi nữa.

Sau khi trưởng thành cô biết cha mình đã phải hy sinh rất nhiều vì gia đình. Tiền ăn học, trang phục của cô từ nhỏ đến đại học đều là từ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và máu của cha mà trang trải. Ông đã dùng cả sinh mệnh của mình để nuôi nấng cô trưởng thành.

Rất nhiều lần tay cha bị thương, ông vẫn cứ lẳng lặng không nói ra. Cho đến một hôm cô muốn xoa bóp tay chân giúp cha, mới phát hiện ra vết thương mấy hôm trước cha bị cốt thép đâm vào. Lúc xoa thuốc cho cha, cô mới phát hiện ra vết thương khi cha cô bị ngã từ giàn giáo xuống. Khi ăn cơm cùng cha, lặng lẽ quan sát mắt và ngón tay cha, cô cố giấu nước mắt ở trong lòng.

Mỗi lần nghe tin trên truyền hình ở nơi nào đó có tai nạn đổ giàn giáo, cô lập tức gọi điện cho cha. Cô rất sợ người nhận điện thoại hôm đó không phải là giọng mạnh mẽ của cha, mà là người khác thông báo tin đau đớn.

Để gánh vác một gia đình, rất nhiều người phải đổ mồ hôi xối xả trong những ngày hè nóng nực, hoặc phải chịu rủi ro về sinh mệnh. Tất cả những gì họ làm duy chỉ vì một mục đích là để người thân của mình có thể được yên ổn, có được một bữa cơm.

Nghề nghiệp nào cũng cao quý như nhau. Cái cao quý không phải thể hiện bằng vỏ ngoài sang trọng, lịch lãm hay quý phái. Điều cao quý nhất lại xuất phát từ nội tâm, từ bản chất lương thiện của con người. Có biết bao kẻ ác đội lốt người sang trọng, có biết bao tiểu nhân đội lốt người quân tử, chẳng hay bạn có biết được chăng? 

Đừng bao giờ phán xét một người bằng vẻ ngoài của họ. Những công nhân vất vả sớm hôm trên công trường ngoài kia, những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, biết đâu đấy bên trong họ lại là một trái tim cao quý đang tỏa sáng…

Nguồn CafeBiz

0 comments:

Đăng nhận xét