24 thg 12, 2018

Sinh viên làm thêm có nên chọn chạy bàn, đi order đồ ăn, lương 12.000 đồng/giờ hay chỉ tập trung học rồi đi thực tập đúng chuyên ngành?

Làm thêm, thực tập hay tình nguyện sẽ là những cơ hội đầu tiên để các bạn sinh viên tiếp xúc với thế giới thực ngoài cánh cổng trường Đại học. Đây là khi bạn còn được phép sai lầm mà không phải chịu quá nhiều trách nhiệm, là khi bạn còn được dạy bảo không công, thậm chí được trả tiền để học.

Hôm rồi, một cô em họ mới vừa đỗ đại học hỏi chuyện đi làm thêm thời sinh viên. Tôi bảo em trong 2 năm đầu có thể chọn những công việc làm thêm phù hợp với lịch học để tích lũy kĩ năng. Đến 2 năm cuối hãy bắt đầu đi thực tập, làm thêm đúng chuyên ngành để học thêm kiến thức về ngành. Tôi kể cho em nghe về việc làm thêm ở công ty cũ của tôi. Mẹ em ngồi cạnh bảo: "Đi học thì tập trung vào học chứ làm thêm vất vả như cháu bảo để làm gì!"

Cô ấy nói đúng về chuyện sinh viên nên tập trung vào việc học. Nhưng là một người đã học, tốt nghiệp và đi làm, tôi lại có cái nhìn khác một chút về chuyện đi làm thêm. Những công việc vất vả (với điều kiện không ảnh hưởng tới việc học) đem lại những giá trị đặc biệt. Nói không ngoa thì chính những công việc làm thêm này có thể sẽ là điểm khác biệt, là lợi thế của các bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học sau này.

Chuyện nghỉ việc sau vài tiếng thử việc
Tôi từng làm trong một chuỗi nhà hàng có tiếng và thường trong tình trạng kín bàn mỗi ngày. Các bạn nhân viên phục vụ bàn đều làm ca ít nhất 5 tiếng và đa số đều làm ca 8 tiếng. Các trưởng nhóm thường phải làm từ 10 tiếng trở lên. Đấy là còn chưa tính những ngày được nhờ "cover" (làm thay) một đồng nghiệp làm lệch ca.

Mỗi ca làm việc các bạn có 30 phút để ăn. Điện thoại bị cấm sử dụng trong thời gian làm việc. Đồng nghiệp và sếp đều rất tốt bụng và sẵn sàng hướng dẫn nếu bạn cần. Gần một nửa số khách tới nhà hàng là người nước ngoài nên các bạn nhân viên có rất nhiều cơ hội để thực hành ngoại ngữ.

Thế nhưng không nhiều người trụ lại được quá lâu. Phần vì các bạn sinh viên khi tốt nghiệp đều tìm một công việc chính thức theo ngành học của mình. Còn một phần không ít nhân viên xin nghỉ sau một vài tháng, một vài tuần, một vài ngày, thậm chí là một vài tiếng. Có những đợt số lượng nhân viên tuyển vào còn ít hơn số người xin nghỉ.

Những người ở lại được lâu dài, giờ đều đã lên chức thành trưởng nhóm, giám sát hay thậm chí là ứng viên cho vị trí quản lí cả một nhà hàng doanh thu vài tỉ đồng mỗi tháng. Mức lương của những nhân viên này tương đương với một nhân viên văn phòng bình thường có thâm niên 2-3 năm. Các bạn ấy hầu hết đều ít hơn tôi 1 - 2 tuổi và vẫn luôn làm tôi bất ngờ về kĩ năng của mình.

"Làm thêm dễ mà"
Đôi khi chúng ta nhìn những công việc làm thêm như phục vụ bàn bằng ánh mắt chủ quan và thấy rằng việc bưng bê vài đĩa thức ăn có gì là khó. Tôi cũng từng nghĩ vậy cho tới khi chính mắt thấy được sự phức tạp của cả một cỗ máy khổng lồ trong một nhà hàng lớn và cách mỗi nhân viên ở đó phải gồng mình để cả bộ máy ấy có thể hoạt động trơn tru nhất có thể.

Các bạn nhân viên phục vụ có mặt trước giờ mở cửa 3 tiếng. Mỗi người chỉ có vài ba phút chuẩn bị sẵn sàng vào ca làm việc. Một dịch vụ ăn uống tốt nhất được bắt đầu từ việc lau vài chục bộ bàn ghế, vài ba bộ cửa kính lớn, quét dọn vài trăm mét vuông sàn, tưới cây (đôi khi là lau lá cây nếu trên bề mặt lá quá bụi).

Một vài bạn khác thì chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu để pha đồ uống, kiểm tra dụng cụ, làm đá… Một nhóm thì ngồi gập từng chiếc khăn ăn, chuẩn bị từng bộ dao dĩa. Một hai bạn khác sẽ kiểm đếm số khăn ăn bẩn để giao cho hiệu giặt là và chuẩn bị đếm số khăn sạch được mang đến. Những việc ấy lặp lại mỗi ngày, đúng hơn là mỗi buổi trước giờ phục vụ khách.

Một tuần một lần, nhân viên sẽ phải tổng vệ sinh cả nhà hàng một lần. Các bạn ấy có 2 tiếng để cọ rửa sàn, quét bụi trên điều hòa và những vị trí cao, vệ sinh từng ngóc ngách không nằm trong mục vệ sinh hàng ngày. Những đầu việc ấy được thực hiện trong khi vẫn phải hoàn thành những công việc thường ngày.

Ngay như những bạn lễ tân với nhiệm vụ nghe điện thoại, nhận đặt bàn, chào đón khách tại cửa cũng bị xoay như chong chóng vào những giờ phục vụ bữa ăn chính. Phải làm sao để xếp được tối đa số bàn nhưng không khiến các bộ phận khác quá tải? Phải làm sao để từ chối khách mà không khiến họ khó chịu? Phải làm sao để không có quá nhiều khách ở khu vực đợi? Những điều này đều đỏi hỏi kĩ năng giao tiếp và ứng biến nhanh nhẹn và linh hoạt.

Những giọt mồ hôi không ai thấy
Mỗi giờ ăn trưa, ăn tối, nhà hàng phục vụ vài trăm lượt khách là chuyện bình thường. Với mức giá không quá bình dân phải trả, khách hàng có quyền đòi hỏi chất lượng dịch vụ cũng không bình dân. Nhân viên cần luôn tươi cười với khách, thay bát đĩa sau mỗi món ăn và luôn sẵn sàng phản hồi các yêu cầu của khách.

Nhưng đó chỉ là những gì khách hàng nhìn thấy. Đằng sau những đĩa đồ ăn nóng hổi ấy là cả một quý trình truyền đạt những "order" tới bếp, điều tiết thời gian để đồ lên không quá nhanh, không quá chậm. Vì đồ ăn lên quá nhanh khách sẽ không ăn kịp dẫn đến món ăn nguội, ảnh hưởng đến chất lượng; đồ ăn lên quá chậm sẽ khiến thực khách bực bội. Phải làm sao để một bữa ăn có thể nhận được nhiều lượt khách nhất nhưng cũng không khiến khách hàng cảm thấy bị giục giã phải ăn nhanh. Tất nhiên, mọi thứ được thực hiện với một nụ cười thường trực trên môi.

Kể ra thế này thì cũng "thường" thôi. Nhưng cái nhịp điệu làm việc trong những giờ cao điểm ấy thực sự chóng mặt với kẻ ngoại đạo như tôi. Ấy vậy mà như thế vẫn chưa hề gì so với những giọt mồ hôi các bạn bỏ ra phía sau "sân khấu" sang chảnh ấy.

Quyển thực đơn vài chục trang với vài ba đến cả chục nguyên liệu mỗi món cần học thuộc để có thể sẵn sàng tư vấn và giải đáp những thắc mắc của khách. Nhà hàng sẽ gặp rắc rối không nhỏ nếu khách không thích hay nghiêm trọng hơn là bị dị ứng với một nguyên liệu mà bạn lỡ "quên" khi khách hỏi về món ăn.

Mỗi ngày, bạn sẽ cần kiểm đếm và lên kế hoạch nhập thêm hàng mỗi ngày. Chỉ cần sơ sẩy một chút, cả ca bán hàng hôm đó có thể phải dừng bán một món, gây thiệt hại cả chục triệu đồng. Tuy mỗi người thường có một nhiệm vụ cụ thể ở từng khâu nhưng mỗi nhân viên cần nắm rõ tất cả quy trình vận hành để có thể lấp chỗ trống khi cần.

Từng cử chỉ, tác phong khi giao tiếp với khách đều phải chuẩn mực. Các bạn phải học cách giải quyết vấn đề ra sao khi có rắc rối xảy ra… Tất cả đều nằm trong phạm vi công việc của nhân viên phục vụ với mức lương khoảng trên dưới 20.000/giờ. Lương của các bạn chỉ tăng khi làm việc có tiến bộ.

Khi có nhiều trải nghiệm ăn uống hơn, tôi vỡ lẽ ra rằng ngoài những yếu tố như đồ ăn, đồ uống, không gian, thì chính nhân viên phục vụ cũng là một phần quan trọng tạo nên linh hồn cho một nhà hàng, hay quán café. Giữa những lựa chọn tương đương nhau tôi sẽ chọn nơi mà nhân viên cho tôi cảm giác thoải mái và được trân trọng.

Nên nhớ họ cũng là con người, cũng có buồn vui, nóng giận. Thế nên tôi thực sự khâm phục những nhân viên phục vụ luôn nghiêm túc và trân trọng công việc của mình. Họ cố gắng hết sức để mang tới cho khách hàng trải nghiệm hài lòng nhất ngay cả khi họ đang gặp những chuyện buồn trong cuộc sống riêng.

Cái cách tôi từng nghe các bạn nhân viên ở nhà hàng kể về những người khách họ phục vụ và đôi mắt sáng lên khi nhận được những lời khen khiến tôi hiểu rõ về tinh thần cần có trong ngành dịch vụ hay bất kì một công việc nào khác. Tôi chỉ mong rằng sẽ có thêm thật nhiều những bạn trẻ như thế, nghiêm túc với công việc của mình, dù chỉ là một công việc làm thêm trong thời gian không dài.

Làm thêm có cần chọn công việc vất vả đến thế không?
Tôi đã từng giới thiệu vài đứa em vào làm dù biết chắc chúng sẽ kêu trời sau ngày đầu tiên thử việc. Tuy rằng công việc vất vả thế đấy nhưng tôi luôn động viên các em ở lại vì không phải ở đâu chúng cũng có cơ hội học hỏi như ở nơi này, đặc biệt là còn được trả tiền để học. Bạn có thể học được chừng này thứ từ một công việc làm thêm vất vả như trên:

Làm việc với cường độ và áp lực cao
Làm việc trong một nhà hàng đông khách là làm việc dưới cường độ cao đến chóng mặt. Ở đó, bạn bị ném vào khó khăn và áp lực. Nhưng khi vượt qua tất cả những thử thách ấy rồi, bạn sẽ có thể đón nhận những vất vả khác bình thản hơn thay vì nghĩ đến 2 chữ "bỏ cuộc" ngay từ những trở ngại đầu tiên.

Nâng cao khả năng giao tiếp
Ngành dịch vụ là môi trường lí tưởng để học hỏi kĩ năng giao tiếp mà ai rồi cũng cần trong cuộc sống. Bạn phải học cách mỉm cười để khách cảm thấy thoải mái. Bạn sẽ học được cách cúi đầu xin lỗi trước khi trình bày bất kì lí do gì. Bạn sẽ biết nhìn ngôn ngữ hình thể để đoán biết tâm trạng và nhu cầu của người đối diện.

Bạn cũng sẽ phải học cách kiềm chế và ứng xử chuyên nghiệp, lịch sự ngay cả khi các "thượng đế" trở nên thật vô lí và xấu xí. Cuộc đời ngoài trường đại học sẽ rất nhiều sóng gió và vô vàn người cũng những tình huống "giời ơi". Chính cách bạn đương đầu với những thử thách ấy sẽ quyết định bạn sẽ đi tới đâu.

Bài học về sự tiến bộ
Bạn sẽ được tiếp xúc với áp lực phải tiến bộ. Ở trường đại học với những giảng đường gần trăm sinh viên sẽ không có giáo viên chủ nhiệm nào đốc thúc bạn phải tiến bộ mỗi ngày. Bạn có thể học lại rồi thi lại đến chừng nào bạn còn có tiền, có thời gian và chưa hết hạn lấy bằng.

Thế nhưng ở một môi trường chuyên nghiệp, không ai muốn giữ một kẻ đứng yên. Dù cho bạn khởi đầu xuất sắc đến đâu, nếu bạn không tiến lên cùng nhịp độ của tổ chức, bạn sẽ lại kẻ bị đào thải. Bạn sẽ học được cách làm việc dưới sự giám sát của 3-4 người ở những cấp độ quản lý khác nhau. Bạn sẽ được trải qua những buổi kiểm tra định kì. Bạn có cơ hội để thay đổi sau những buổi họp đánh giá cá nhân với một định mức thời gian đủ cho bạn cố gắng nhưng không làm nhà hàng tổn thất.

Kĩ năng giải quyết vấn đề và tư duy nhanh nhạy
Trong môi trường dịch vụ, vấn đề có thể xuất hiện bất cứ lúc nào dù khâu chuẩn bị tốt đến đâu. Đó là khi những nhân viên nhà hàng phải thật nhanh chóng đưa ra giải pháp để giảm mức độ ảnh hưởng xuống tối thiểu. Bạn sẽ được luyện tập sự bình tĩnh và khả năng tư duy nhanh nhạy khi vấn đề xảy ra.

Cách nhân viên đối mặt với những rắc rối bất chợt không chỉ thể hiện khả năng của nhân viên đó mà còn đại diện cho mức dịch vụ của chính nhà hàng. Ví dụ như khi mang đồ ăn ra cho khách, trước lúc đặt xuống bàn, bạn nhìn thấy có một sợi tóc trong đồ ăn. Bạn chỉ có một giây để nghĩ ra một lí do cho việc mang đồ quay trở lại bếp mà không nói ra sự thật về sợi tóc.

Học cách làm việc tỉ mỉ và chu đáo
Không những cần phải nhanh nhẹn, nhân viên phục vụ bàn trong một nhà hàng có phần "sang chảnh" thế này sẽ phải là những người rất tỉ mỉ và chu đáo trong từng chi tiết. Ở một quán ăn vỉa hè, người ta có thể không bắt bẻ mặt bàn còn dính nước nhưng trong những nhà hàng như ở đây, một vết nước trên bàn cũng là một lỗi khó chấp nhận được.

Có thể nói chính sự chu đáo và chi tiết là mấu chốt để tạo ra khác biệt trong nhiều trường hợp. Giữa những lựa chọn tương đương thì những mảnh ghép nhỏ nhất, ít nổi bật nhất lại tạo ra giá trị phân định cho một sản phẩm, một dịch vụ, hay một con người.

Mỗi người có một con đường riêng
Tôi thấy khá buồn cười khi từng đọc được một vài bình luận như thế này dưới bài đăng tuyển nhân viên phục vụ nhà hàng: "Là đi chạy bàn đó em. Tìm việc gì khác đi", "Tuyển bưng bê thôi mà"… Các bạn có thể nghĩ rằng công việc này thật đơn giản, như tôi đã từng nghĩ. Nhưng xin đừng hạ thấp bất kì công việc nào. Vì mỗi trải nghiệm công việc dù tốt hay xấu sẽ cho bạn những kinh nghiệm có ích ở một giai đoạn trong cuộc đời.

Làm thêm, thực tập hay tình nguyện sẽ là những cơ hội đầu tiên để các bạn sinh viên tiếp xúc với thế giới thực ngoài cánh cổng trường Đại học. Đây là khi bạn còn được phép sai lầm mà không phải chịu quá nhiều trách nhiệm, là khi bạn còn được dạy bảo không công, thậm chí được trả tiền để học.

Tôi viết ra chừng đó điều cũng không phải để nói rằng những bạn đã nghỉ việc sau một thời gian ngắn là sai. Có nhiều bạn trong đó chưa từng làm việc gì trước đây và bị khối lượng và cường độ làm việc "dọa" chạy ngay từ buổi đầu tiên. Một số bạn khác nhận ra mình không hợp với công việc và xin nghỉ để tiếp tục tìm kiếm con đường của mình…

Mỗi người lại có những câu chuyện và lựa chọn của riêng mình. Miễn là bạn chắc chắn với quyết định của mình thì tôi tin, một khi còn đi là còn hi vọng. Chỉ cần không từ bỏ thì cứ đi rồi sẽ đến thôi. Chuyện làm thêm cũng vậy mà chuyện đời sau này cũng thế.

Về câu hỏi "Sinh viên làm thêm nên chọn công việc nhẹ nhàng hay vất vả?", tôi không thể đưa ra chỉ một đáp án. Người có thể chọn là chính mỗi người các bạn mà thôi.

*Bài viết được trích từ trang ''Đời Mày Thì Có Gì Mà Kể".

Theo Trí Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét