10 thg 1, 2019

6 nhân vật Tam Quốc gửi thông điệp nhắn nhủ chuẩn xác dành cho người đời sau: Đáng ngẫm!

Cuộc đời của các nhân vật như Lưu Bị, Trương Phi, Bàng Thống... đã gửi lại cho đời sau nhiều triết lý nhân sinh đáng ngẫm.

1. Triết lý từ Lưu Bị
Cuộc đời và sự nghiệp của Lưu Bị nói cho chúng ta một chân lý: Một tập đoàn mạnh, hoàn toàn có thể được gây dựng từ những người bán rong ở vỉa hè.

Năm xưa vì gia cảnh nghèo khó, cha lại mất sớm, Lưu Bị phải tự lao động kiếm sống từ rất sớm. Ông từng cùng mẹ ruột làm nghề bện giày cỏ, chiếu cỏ để mưu sinh qua ngày.

Việc gia nhập trấn áp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng và làm quan cho triều đình đã đánh dấu bước mở đầu cho sự nghiệp chính trị của Lưu Bị. Sau này, chính ông cũng đã gây dựng được cho mình một thế lực đáng gờm thời Tam Quốc.

2. Triết lý từ Bàng Thống
Nhìn lại cuộc đời của Bàng Thống, ta có thể rút ra một điều: Dáng vẻ xấu xí có thể ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả xin việc.

"Tam Quốc diễn nghĩa" từng miêu tả Bàng Thống "mày rậm, mũi gồ, mặt đen, râu ngắn, bề ngoài xấu xí".

Cũng vì lý do này mà ngay cả khi sở hữu tài năng sánh ngang Gia Cát Lượng, Bàng Thống cũng từng có thời gian không được trọng dụng khi phụng sự dưới trướng Tôn Quyền.

Ngay cả khi đầu quân cho Lưu Bị, vị quân chủ này lúc đầu vì thấy ông xấu xí nên chỉ cho làm chức Huyện lệnh, sau này mới được tin dùng.

3. Triết lý từ Nhị Kiều
Số phận của hai mỹ nhân nức tiếng vùng Giang Đông là Đại Kiều và Tiểu Kiều để lại cho đời sau một thông điệp: Đàn ông vừa có tiền tài lại vừa đẹp trai không thể là người ở bên bạn tới cuối cùng.

Là hai mỹ nữ có tiếng thời Tam Quốc, Nhị Kiều đều có những mối hôn sự vô cùng viên mãn với hai nhân vật tuổi trẻ tài cao. Theo đó, Đại Kiều thành thân với quân chủ lập nên nhà Đông Ngô là Tôn Sách, còn Tiểu Kiều lấy tướng sĩ tài ba thời bấy giờ là Chu Du.

Chỉ tiếc rằng, hai vị phu quân hoàn mỹ của Đại Kiều và Tiểu Kiều đều không may yểu mệnh qua đời khi còn quá trẻ. Tôn Sách bị ám sát khi chưa đầy 25 tuổi, còn Chu Du cũng mất tại Nam Quận khi tuổi đời chỉ vừa 35.

Sau khi phu quân qua đời, tương truyền rằng Nhị Kiều đã trở lại Kiều gia trang để ẩn cư và sống thầm lặng trong suốt quãng đời còn lại.

4. Triết lý từ Trương Phi
Kết cục của Trương Phi truyền lại cho các nhà kinh doanh ngày nay một bài học kinh điển: Phải đối đãi tử tế với nhân viên. Nếu áp dụng chế độ hà khắc quá lâu, ắt sẽ bị người dưới trả thù, cho dù không bị hại cũng sẽ dẫn tới đình công tập thể hoặc nhân tài nhảy việc.

Trương Phi là người huynh đệ kết nghĩa của Lưu Bị, Quan Vũ và cũng là một tướng lĩnh cốt cán trong tập đoàn chính trị nhà Thục Hán. Vị tướng này có tính cách nổi tiếng nóng nảy, đối với cấp dưới vốn có phần nghiêm nghị, hà khắc.

Vào năm 221, Lưu Bị lên ngôi Hoàng đế, Thục Hán chuẩn bị khởi binh đánh Đông Ngô với lý do giúp quân chủ báo thù cho Quan Vũ.

Bấy giờ, Trương Phi bắt hai tướng dưới trướng là Trương Đạt và Phạm Cương phải gấp rút may cho đủ áo giáp trắng để tang Quan Vũ. Nhưng thời hạn chủ tướng đưa ra quá gấp rút, hai người nhiều lần xin gia hạn mà không thành, thậm chí còn bị đánh đập, chửi mắng.

Kết quả là trong đêm ấy, hai kẻ Trương - Phạm lợi dụng lúc Trương Phi ngủ say đã lẻn vào ám sát ông rồi chạy trốn. Vị tướng cả đời dũng mãnh trên sa trường cuối cùng vong mạng trong tay hai kẻ phản phúc.

5. Triết lý từ Lưu Thiện
Số phận của Lưu Thiện cũng như nhà Thục Hán đã cho chúng ta nhìn thấy một sự thật: Con nhà giàu mà không có bản lĩnh, dù cho cấp dưới có tài giỏi đến đâu thì sản nghiệp cũng khó tránh khỏi kết cục bị thâu tóm.

Lưu Thiện vốn là con trai ruột của Lưu Bị, đồng thời cũng là vị Hoàng đế thứ hai và cuối cùng của nhà Thục Hán.

Được phụ hoàng truyền lại cho một cơ ngơi đồ sộ cùng với không ít nhân tài, nhưng Lưu Thiện trong mắt người đời lại bị coi là vị quân chủ vô năng, kém cỏi và nhát gan.

Có lẽ cũng vì vậy mà ngay cả khi đã được những nhân vật tài ba như Gia Cát Lượng, Khương Duy phụ tá, nhà Thục Hán dưới sự trị vì của Lưu Thiện vẫn không tránh khỏi kết cục bị thôn tính trong tay nước Ngụy.

6. Triết lý từ Ngụy Diên
Kết cục bi thảm của Ngụy Diên truyền lại cho người đời một chân lý: Nhảy việc không thể mù quáng, nhất là khi đã bị tâm phúc của ông chủ "không vừa mắt" thì khó có thể phát triển ở công ty, "cố đấm ăn xôi" chẳng bằng nhảy việc thêm lần nữa.

Lúc đầu, Ngụy Diên vốn làm tướng ở Kinh Châu dưới thời Lưu Biểu. Sau này ông phò tá cho tập đoàn chính trị của Lưu Bị.

Ông được miêu tả là người "văn võ song toàn, trí dũng hơn người" nhưng lại không mấy được trọng dụng khi phụng sự cho Lưu Bị.

Một trong những nguyên nhân trong số đó được lý giải là do Gia Cát Lượng có quan điểm tiêu cực về danh tướng họ Ngụy, hay nói cách khác là Ngụy Diên vốn không được lòng Khổng Minh.

Sau này, Ngụy Diên bị khép vào tội mưu phản. Cho tới ngày nay, vụ án Ngụy Diên mưu phản vẫn được coi là một trong số những nghi án lớn nhất thời Tam Quốc, thậm chí nhiều người cho rằng cái chết của vị danh tướng họ Ngụy này quá đỗi oan uổng.

Đây chỉ là một phần nhỏ trong số các triết lý thâm sâu mà những nhân vật Tam Quốc truyền lại cho hậu thế.

Nhìn lại số phận của các nhân vật thời Tam Quốc, có thể thấy rõ một điều, không ít người trong số họ vốn chỉ là quân cờ để người khác định đoạt sống chết. Muốn làm chủ vận mệnh để thay đổi cuộc đời mình, nhất định phải rèn luyện hai yếu tố, đó chính là dũng và nghĩa.

Nguồn Internet

0 comments:

Đăng nhận xét