18 thg 1, 2019

Hiểu thế nào cho đúng về Omni-channel?

Bán hàng đa kênh Omni-channel là từ khóa hot được nhắc tới ở Việt Nam cách đây khoảng 2-3 năm. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, vẫn có không ít người hiểu sai lệch về bản chất của nó. Không chỉ đơn giản là bán hàng trên nhiều kênh, Omni-channel phải là bán hàng đa kênh, tiếp thị đa điểm và quản lý tập trung.
Bán hàng đa kênh
Bán hàng đa kênh – Omni-channel không đơn thuần là việc bán hàng ở nhiều nơi khác nhau. Với mô hình Omni-channel, sản phẩm kinh doanh được đồng bộ trên các kênh bán hàng và hoạt động trơn tru trên 1 hệ thống quản lý. Thúc đẩy khách hàng mua sắm nhiều hơn, trải nghiệm liền mạch ở bất cứ đâu dù khách hàng online bằng di động hay laptop, trên sàn thương mại điện tử hay tại cửa hàng.

Theo khảo sát về kết quả kinh doanh năm 2017 thực hiện vào đầu năm 2018 của phần mềm quản lý bán hàng Sapo, gần như tất cả các cửa hàng đều bán hàng trên 2 kênh trở lên trong đó 5 kênh bán hàng được đánh giá hiệu quả tốt nhất lần lượt là bán tại cửa hàng, Facebook, website, Zalo/Instagram và phát triển mạng lưới đại lý/cộng tác viên.

Có nhiều kênh để khai thác, tuy nhiên, một bài học rút ra là đừng vì thế mà ôm đồm quá nhiều, kênh nào cũng đẩy hàng lên bán mà không có chiến lược tập trung. Cách tốt nhất để bán hàng đa kênh hiệu quả là cần có thời gian trải nghiệm thử trên các kênh. Sau đó chọn lọc kênh phù hợp nhất, mang lại hiệu quả tốt nhất và tìm cách tối ưu trải nghiệm của khách hàng trên kênh đó.

Tiếp thị đa điểm
Một khách hàng sẽ mua hàng khi họ được tiếp cận một cách đúng và đủ. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực marketing, trung bình một khách hàng kể từ lần đầu nhìn thấy thương hiệu đến lúc mua hàng, thương hiệu đó sẽ phải xuất hiện lặp lại 21 lần hoặc hơn. Đó là lý do vì sao, các doanh nghiệp, cửa hàng cần phải gia tăng điểm chạm, điểm tiếp xúc với khách hàng hơn.

Với từng lĩnh vực, từng đối tượng khách hàng sẽ có những cách tiếp thị khác nhau tuy nhiên, một điểm chung là các cửa hàng đều có xu hướng sử dụng nhiều công cụ, cách thức để tiếp xúc với khách hàng tiềm năng nhiều hơn. Từ đó thúc đẩy doanh thu hiệu quả.

 Với nhóm cửa hàng bán lẻ, theo khảo sát của chúng tôi, Top 5 kênh tiếp thị được các cửa hàng sử dụng nhiều nhất đó là tiếp thị trên facebook (87%), tiếp thị tại cửa hàng (70%) và tiếp thị online qua các kênh khác như email marketing, đăng bài trên diễn đàn, youtube... (51%), tối ưu công cụ tìm kiếm-SEO (43%), Google Adwords (38%).

Với nhóm shop online, nền tảng website Bizweb cũng khảo sát trên 3.000 chủ website thì thấy rằng 5 kênh tiếp thị được sử dụng nhiều nhất là quảng cáo Facebook (80%), đăng bài trên các diễn đàn (63%), Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm-SEO (62%), quảng cáo Google Adwords (56%), quảng cáo Zalo (52%).

Để xây dựng được trải nghiệm liền mạch của khách hàng, giữ chân họ thì việc xây dựng một hệ thống bán hàng đa kênh cần được ưu tiên hàng đầu. Ở đây không chỉ là có mặt trên nhiều kênh, sử dụng nhiều công cụ tiếp thị để xuất hiện dày đặc hơn mà còn phải cần có sự kết nối, chuyển tiếp trải nghiệm. Ví dụ, khách hàng vào website đặt hàng nhưng vì một lý do nào đó họ không hoàn thành mà rời khỏi website. Ngày hôm sau, họ lại nhìn thấy sản phẩm đó khi bạn chạy quảng cáo trên Facebook, họ click vào sẽ hiển thị nơi hôm qua họ đang đặt hàng và tiếp tục đặt đơn đang dang dở đó. Đây có thể coi là một trải nghiệm tốt, thúc đẩy khách mua hàng trong một trạng thái dễ chịu, hài lòng.

Quản lý dữ liệu tập trung
Thực tế có nhiều cửa hàng có tới hàng trăm, hàng nghìn mã sản phẩm, việc ghi nhớ, thay đổi thông tin trên nhiều kênh là việc mất rất nhiều thời gian, chưa nói đến việc xử lý đơn hàng, vận chuyển... dẫn đến thiếu đồng bộ thông tin, hình ảnh, giá cả trên các kênh. Sẽ lại càng khó khăn hơn để tổng kết, báo cáo bán hàng của từng kênh sau từng ngày, từng tuần, từng tháng hay của từng nhân viên….

Việc phân bổ nguồn lực để xử lý riêng rẽ từng kênh đã khiến cho chủ cửa hàng mất nhiều thời gian, công sức cũng như ngân sách. Các nền tảng hỗ trợ bán hàng đa kênh cũng đã đang cố gắng làm tốt vai trò của họ. Tuy nhiên, trên thực tế mới chỉ có các ông lớn có thể áp dụng chuẩn mô hình omni-channel ví dụ như Thế giới di động, Nguyễn Kim…

Trên thị trường hiện nay chưa có giải pháp, nền tảng nào giải quyết tuyệt đối đúng chuẩn về Omni-channel, đặc biệt là việc quản lý dữ liệu tập trung một cách mượt mà trên các kênh khác nhau như website, sàn, mạng xã hội... Giữa các hệ thống tích hợp đâu đó vẫn còn những bánh răng chưa thực sự ăn khớp với nhau vì bản chất các hệ thống khác nhau rất khó để tích hợp trơn tru. Với nhu cầu ngày càng tăng về quản lý bán hàng omni-channel và sự áp dụng công nghệ hiện đại, trong tương lai gần chắc chắn sẽ có thêm những giải pháp giúp xử lý triệt để, đưa bán hàng đa kênh omni-channel về đúng nghĩa.

Nguồn Trí thức trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét