11 thg 1, 2019

Hoàn thiện bản thân: Kiểm soát cảm xúc sợ hãi

Nếu gọi tên cảm xúc tiêu cực nhất trong các loại cảm xúc thì phải nói tới cảm xúc sợ hãi. Cảm xúc sợ hãi giúp mọi loại có thể sống sót được theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Các loại thú bị săn như thỏ, hươu, nai … vì sợ nên mới phát triển các khả năng để trốn khỏi kẻ săn mồi. Các loại thú đi săn như hổ, cáo, đại bàng,…vì sợ đói mà phát triển các khả năng để săn được mồi. Các loài vì sợ một cái gì đó mà có những thế mạnh riêng. Con nào nếu không biết sợ thì đã bị thải loại rồi.

Con người vừa là kẻ đi săn vừa là kẻ bị săn, nỗi sợ”  đã kích thích đầu óc họ để họ nghĩ ra các biện pháp tránh xa nguy hiểm, giải thích các hiện tượng tự nhiên,…Chừng nào con người không biết sợ thì chừng đó cũng là lúc con người phải đối mặt với thảm họa diệt vong.

Nhân loại sợ biến đổi khí hậu, còn chúng ta thì sợ nhiều thứ hàng ngày, không ít hơn là mấy so với tổ tiên chúng ta. Có những nỗi sợ từ thời bắt đầu có nhận thức như cái chết, bệnh tật và cũng có những nỗi sợ mới như nhà đổ, ô tô đâm, thất nghiệp,…. Chúng ta có hàng ngàn nỗi sợ, có những nỗi sợ có ích và có những nỗi sợ không đáng.

Nỗi sợ theo đạo phật cũng là một loại khổ, thuộc dạng tâm khổ. Nếu theo triết lý của đạo phật thì nỗi sợ bắt nguồn từ ham muốn sở hữu. Nếu ta vô ngã thì ta đâu còn sợ bị khinh thường, sợ chết, sợ bệnh tật? Nếu ta hiểu mọi thứ là vô thường thì làm sao phải sợ mất xe, mất nhà, mất tiền hay sợ mất đi người thân thiết?

Nỗi sợ là rào cản ngăn chúng ta hành động, khiến chúng ta ngại thay đổi, không tận dụng được cơ hội.

Nỗi sợ cũng là thứ cách ly chúng ta khỏi nguy hiểm. Nó giúp chúng ta không bị thương, bị giêt chết, bị khánh kiệt,….Vậy phải quản lý nỗi sợ ra sao để giảm thiểu tiêu cực và phát huy được mặt tích cực của nó?

Hiểu về nguồn gốc sợ hãi sẽ giúp ta quản trị được tốt hơn.

1. Không biết nên sợ
Hãy tưởng tượng bạn đang ở một phòng nhà nghỉ trong một chuyến công tác. Khi đèn đóm đã tắt hết và bạn đang sắp chìm vào giấc ngủ, bỗng bạn nghe thấy tiếng nước chảy trong toilet. Đầu óc bạn bắt đầu suy nghĩ tới nguyên nhân của tiếng động đó và bắt đầu cảm thấy sợ hãi.

Có thể bạn biết chắc đó là tiếng nước chảy nhưng vẫn tưởng tượng ra hình ảnh một cô gái mặc áo trắng tóc xõa  đi đi lại lại trong toilet. Càng tưởng tượng bạn càng sợ vì vậy bạn quyết định đi tìm hiểu nguyên nhân để dẹp đi nỗi sợ. Bạn đi vào toilet và thấy rằng do vòi nước bị hở.

Nếu như khi nghe thấy tiếng nước chảy ta không suy nghĩ gì cả thì mọi chuyện sẽ dừng lại. Nhưng cơ chế của não chúng ta luôn tìm nguyên nhân. Các nguyên nhân có thể nghĩ ra căn cứ vào trải nghiệm của chúng ta trong quá khứ. Vì vậy càng xem nhiều phim ma thì càng có nhiều thứ để nghĩ tới. Chính suy nghĩ đó sinh ra cảm xúc tương ứng.

Có người sợ hãi và cố gắng quên đi tới khi ngủ thiếp đi. Cũng có người đi vào toilet để dẹp đi nỗi sợ đó. Đôi khi người ta hành động không phải vì người ta không sợ mà vì người ta muốn chấm dứt nhanh chóng nỗi sợ.

Bạn có dám đi vào bãi tha ma buổi đêm không? Hầu hết chúng ta không dám vì chúng ta sợ ma. Ma là thứ mà chúng ta thậm chí chưa bao giờ được tận mục sở thị nhưng lại được nghe kể. Nếu như chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng không có ma thì chúng ta sẽ không sợ. Không như ví dụ trên, các vong linh là một phạm vi kiến thức rất khó để chúng ta tìm hiểu rõ nhằm vượt qua nỗi sợ.

Ngay cả một người duy vật nhất cũng vẫn sợ ma khi ở bên ngôi mộ vừa chôn lúc chiều trong một buổi tối tối đen như mực, gió thổi lạnh lẽo. Lý trí của anh có thể mạnh mẽ ban ngày nhưng lúc này cảm xúc đang điều khiển anh.

Bạn có dám đi vào khu rừng buổi đêm, bơi biển buổi đêm? mặc dù rằng ban ngày bạn có thể làm được nhưng buổi đêm thì hầu hết chúng ta không làm được. Mặc dù bơi khá tốt, có thể bơi vài km nhưng tôi chưa từng dám bơi ra xa quá 100m tính từ bờ biển do bị ám ảnh bởi các nỗi sợ mơ hồ từ phía dưới. Bằng lý trí tôi biết rằng không có gì nguy hiểm, có hàng triệu người hàng ngày vẫn làm như thế nhưng tôi vẫn không thắng được nỗi sợ của mình.

Khi bước vào một căn phòng tối đen bạn rất sợ hãi vì tưởng tượng ra rất nhiều thứ ghê gớm đang đợi trong đó. Khi đèn được bật lên bạn có thể quan sát mọi thứ hiện diện trong phòng. Nó giúp bạn thấy là không có gì nguy hiểm và bạn không còn sợ hãi nữa.

Chúng ta đi tới một kết luận chung là khi chúng ta không biết rõ một cái gì đó thì chúng ta có xu hướng tưởng tượng ra các mối nguy hiểm khiến chúng ta sợ hãi.

Ví dụ bạn cần phải gọi điện cho khách hàng. Khách hàng này bạn biết nhưng bạn không chắc là họ đồng ý với nội dung mà mình muốn bàn tới hay không. Bạn dự kiến sẽ nói A, người đó chắc sẽ trả lời là B, bạn nói C rồi người đó có thể nói D hoặc D’. Càng suy diễn xa dần thì bạn càng xa dần khỏi vùng hiểu biết vì càng xa thì càng nhiều giả thuyết. Cuối cùng thì bạn sinh ra sợ hãi và không dám nhấc máy lên gọi. Một nhân viên bảo hiểm thì không thế, họ chỉ đơn giản nhấc máy lên và bấm số; chỉ riêng việc khách hàng bốc máy và nghe đã là một thành công đối với họ rồi, họ không nghĩ xa xôi về việc họ sẽ bị từ chối hay khinh rẻ mình.

Muốn vượt ra khỏi nguyên nhân này thì 1. Biết nên không sợ và 2. Hạn chế suy diễn; cứ làm đi mọi thứ sẽ ổn.

Tại sao hạn chế suy diễn lại quan trọng tới vậy? Vì chúng ta có xu hướng khuếch đại mọi thứ cả tiêu cực lẫn tích cực.

Hồi còn nhỏ đi học có lần tôi bị một vết bẩn ở quần. Tôi hình dung ra cảnh người ta chế nhạo tôi, coi thường tôi và vì vậy tôi cố gắng giấu nó đi, càng giấu tôi càng khiến mọi người xung quanh dễ dàng phát hiện ra. Lớn lên tôi hiểu rằng thực ra là chẳng ai quan tâm tới vết bẩn ở quần tôi, cho dù họ có nhìn thấy thì họ cũng không mất thời gian đánh giá tôi làm gì. Dần dần tôi còn không để ý tới cái quần của tôi có vết bẩn nào không nữa.

Hồi còn nhỏ tôi dốt nhất một văn. Tập làm văn của tôi chưa bao giờ được 6 điểm, thường là 4 và 5. Bù lại tôi giỏi môn toán. Cứ mỗi lần đọc bài kiểm tra môn toán là tôi tự hào lắm và môn văn là tôi xấu hổ lắm. Tôi tưởng tượng ra cảnh các bạn khác trầm trồ thán phúc hay chê bai coi thường tôi. Lớn lên tôi phát hiện ra rằng thực ra bản chất con người vốn ích kỷ, họ chỉ quan tâm tới những gì liên quan tới họ mà thôi.

Bạn có nhớ được người nào đạt giải nhất đường lên đỉnh olympia năm nay? Ai đạt huy chương vàng bơi lội đợt vừa rồi? Khi gặp một người là tiến sỹ giáo sư bạn có thấy kính phục họ hơn không?

Việc suy diễn để đi tới gốc của vấn đề là rất tốt vì nó giúp chúng ta tính toán hết các khả năng nhưng vì chúng ta có xu hướng khuếch đại nên nó làm sai lệch so với thực tế rất nhiều.

Khi tưởng tượng trúng sổ xố ta chỉ tưởng tượng ra việc chúng ta có thể làm được bao nhiêu thứ với tiền kiếm được mà chúng ta quên mất nhiều bất tiện khác.

Khi tưởng tượng lấy được cô vợ đẹp ta chỉ hình dung ra cảnh lãng mạn tay trong tay đi trên bãi biển mà quên đi mắt trái của cô ý.

Khi nhìn thấy một anh chàng đẹp trai bạn suy ra rằng anh ta sở hữu mọi đức tính tốt.

2. Biết nên sợ
Khi bạn mở rộng phạm vi kiến thức thì sẽ giảm đi những nỗi sợ do không biết nhưng sẽ tăng dần những nỗi sợ do biết.

Bạn có sợ hổ không? Một đứa bé mới sinh ra nếu không được dạy dỗ thì có thể coi con hổ như con mèo. Bạn thì không thế, bạn biết rằng đừng dại chơi đùa với hổ vì nó có thể dùng bạn cho bữa tối. Vì biết rằng con hổ rất nguy hiểm nên bạn sợ hổ.

Bạn sợ lửa, sợ đám đông, sợ kẻ cướp, sợ ô tô tải, …

Nếu như kiến thức của bạn là đúng thì bạn đã sợ đúng. Nếu kiến thức của bạn là sai thì bạn đã sợ những thứ không nên sợ.

Người ta bảo phải liều thì mới thành công chứ cái gì cũng sợ thì chẳng làm nên trò trống gì. Bất cứ một sự vật, hiện tượng gì cũng có hai mặt của nó; bạn được cái này bạn sẽ phải mất đi cái khác. Bạn không thể tìm ở đâu chỉ có một mặt, chỉ có đẹp, chỉ có tốt, chỉ có an toàn,….

Người ta vẫn cứ chinh phục đỉnh phanxipang, đi tới các vùng cực, lặn xuống biển sâu, nhảy dù, đi phượt…. mặc dù nguy hiểm. Càng rủi ro thì kết quả mang lại nếu thành công sẽ càng cao mặc dù rằng có thể mất đi mạng sống của mình.

Trong kinh doanh lĩnh vực kinh doanh càng nhiều rủi ro thì càng có ít người dám dấn thân vì vậy mà khi thành công thì cái nhận được sẽ càng cao.

Có những trường hợp bỏ học mà vẫn thành công trong kinh doanh cũng xuất phát từ việc vì học nên biết sợ; không học nên không sợ.

Như vậy muốn vượt ra khỏi nguyên nhân này thì 1.Bạn phải có kiến thức đúng, 2.Không biết nên không sợ và 3. Chấp nhận rủi ro.

Khi du lịch tới Ai cập bạn rất sợ vì có thể bị bắt cóc nhưng khi du lịch tới Singapore bạn lại không sợ vì biết rằng đó là nơi an toàn. Nếu như bạn nhận được thông tin sai lệch ngược lại thì khi đi tới Ai cập bạn thấy an toàn, khi tới Singapore thì bạn lại sợ bị bắt cóc.

Bạn không dám chạm tay vào lửa vì bạn biết rằng nó rất nóng. Khi chạm vào nước thì bạn biết sẽ là cảm giác mát lạnh dễ chịu. Nếu bạn nhận được thông tin sai lệch rằng chạm vào lửa sẽ mát thì chỉ sau một lần trải nghiệm bạn sẽ thay đổi nhận thức của mình.

Hàng ngày bạn nhận rất nhiều thông tin sai lệch. Rất nhiều những nhận thức mà bạn đang có là không đúng. Chỉ có tự mình trải nghiệm mới giúp điều chỉnh nhận thức dần tới chân lý. Nếu bạn chạm vào lửa và biết rằng nó rất nóng nhưng bạn lại không đưa ra kết luận rằng Lửa là nóng thì bạn sẽ lại tiếp tục chạm vào lửa trong tương lai.

Đối mặt với sự sợ hãi sẽ giúp bạn vượt qua được nỗi sợ vì hầu hết các nỗi sợ của ta là không thực. Không dám đối mặt với sự sợ hãi có nghĩa rằng cứ loanh quanh trong vùng an toàn của mình. Khi vượt qua sự sợ hãi bạn sẽ mở rộng vùng an toàn của mình để cảm thấy thoải mái hơn.

Một số nỗi sợ phổ biến:

– Sợ bị coi thường: xuất phát từ lòng tự tôn của mỗi con người. Nó lý giải tại sao bạn không đi xin ăn ngoài đường, hay những cố gắng của bạn để có những vị trí cao hơn trong công ty.

Nó là nguồn gốc của Tức giận khi ai đó tỏ ra coi thường bạn. Nó khiến bạn có cảm giác xấu hổ khi làm gì đó có thể khiến người khác chê cười.

Nó là nguồn gốc của do dự, cầu toàn, khoe khoang, khoác lác, nổ, sợ bị từ chối.

Liều thuốc chữa là hạ thấp cái tôi của ta xuống. Điều này không có nghĩa là bạn đánh mất đi sự tự trọng, chỉ là bạn hãy từ bỏ đi cái danh hão. Rất nhiều người trong chúng ta bỏ đi những thứ rõ ràng để chạy theo những thứ phù phiếm.

Chúng ta có cách sinh ra giống nhau và đều sẽ chết vào một ngày nào đó. Trong khoảng giữa này bạn lại đi lo lắng về việc người khác suy nghĩ về mình như thế nào. Khi nhìn thấy một người ăn xin trên đường bạn không hề có cảm giác coi thường họ nhưng khi tưởng tượng ra cái cảnh mình ngửa tay xin tiền người khác thì bạn nghĩ lại khác.

– Sợ bị mất đi  cái mình đang có: càng sở hữu nhiều thứ thì càng dễ lâm vào trạng thái lo lắng bị mất. Con cái, người thân, tiền bạc, nhà cửa,….

Nó là nguồn gốc của sự tiếc nuối quá khứ khi ta đã không làm được một cái gì đó như ý. Nó khiến bạn lo âu cho tương lai khi tưởng tượng ra cách mà bạn mất đi những cái mình đang có. Nó khiến bạn ghen tức khi người khác sở hữu những thứ mà bạn ao ước.

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lo âu khi lần đầu tiên con tôi bị ốm, lần đầu tiên nó đi nhà trẻ, lần đầu tiên vào lớp 1. Và ngay cả bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn lo âu về sự an toàn của con khi xem một vụ tai nạn nào đó trên mạng.

Tôi cũng cảm thấy buồn lòng khi nhìn thấy một vết xước mới trên xe. Một vết rách trên cái áo mới mua,….

Liều thuốc chữa là bạn đừng ràng buộc quá nhiều vào một cái gì đó. Nó không có nghĩa là bạn không nên lấy vợ hay chồng, không dám có con, không dám mua một ngôi nhà mới, không dám mua một cái xe mới. Chỉ là bạn cần cân nhắc thật kỹ lưỡng việc quyết định có nên sở hữu một cái gì đó không. Nếu đã sở hữu thì bạn phải hiểu rằng mọi thứ đều không là mãi mãi, một ngày nào đó bạn sẽ mất đi vật sở hữu đó.

Lo lắng
Cách đây vài năm tôi có thắc mắc là hôm nào cũng phải rất khó nhọc mới dậy đi làm được nhưng những ngày nghỉ lại dậy sớm hơn cả những ngày đi làm. Đặc biệt là những ngày thứ hai, việc rời khỏi giường quả là khó khăn.

Rồi tôi tìm ra nguyên nhân tạo nên sự khác biệt. Ngày thường tôi khó dậy vì nỗi sợ phải đối mặt với công việc trong khi những ngày nghỉ thì khác. Ngày nào càng có nhiều việc khó khăn thì càng khó dậy sớm.

Ai đi làm mà chẳng phải lo lắng, lo lắng nhiều quá thì thành stress. Lo lắng là hệ quả của sợ hãi. Càng lo lắng ta càng giảm năng suất lao động, càng mệt mỏi vì vậy nếu ta càng giảm thời gian cũng như cường độ lo lắng xuống thì càng tốt.

Tôi nghĩ có một vài điều sẽ giúp chúng ta như sau:

1. Nguyên tắc Stockdale: Suy nghĩ rằng mọi khó khăn rồi sẽ qua, sau đó đối mặt nó. Bất cứ khó khăn nào cũng đều sẽ qua, cái này không cần phải bàn cãi; bạn có thể chiêm nghiệm quá khứ của mình để rút ra bài học đó. Bạn chỉ cần cố gắng hết sức, thời gian sẽ giải quyết nốt phần còn lại, đừng lo lắng vì lo lắng sẽ làm đầu óc trì trệ.

2. Quyết định nhanh: Nếu có vấn đề gì đó thì hãy viết nó ra giấy rồi ghi ra giải pháp. Hoạt động này sẽ giúp tách vấn đề đó ra khỏi đầu bạn. Nếu vấn đề còn ở trong đầu thì bạn còn tưởng tượng, còn suy diễn.

3. Sống ở hiện tại: đang làm gì thì chỉ tập trung làm cái đó. Hãy lên lịch biểu khoảng thời gian sẽ giải quyết vấn đề đó. Cố gắng giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt nhưng nếu như không thể giải quyết nó sớm được thì hãy viết nó ra giấy và quên nó đi.

4. Các vấn đề không bao giờ hết: nếu bạn là người hay rơi vào trạng thái lo lắng thì đó là do thói quen của bộ não. Không bao giờ bạn có thể thôi lo lắng, khi không có vấn đề nào thì não bạn sẽ sản xuất ra vấn đề để thỏa mãn ham muốn lo lắng của nó. Bạn phải thay đổi thói quen tư duy thay vì cố gắng giải quyết hết các vấn đề gặp phải hay mong chờ một ngày sẽ không còn vấn đề nào.

5. Nếu bạn không còn vấn đề nào cả thì cuộc sống thật vô nghĩa: Mỗi một đối tượng trên thế giới này đều có một vai trò nào đó hay có một mục đích sống xác định. Khi không có vai trò gì thì nó tự đào thải mất đi. Các vai trò này đều không dễ dàng thực hiện vì vậy các vấn đề luôn hiện hữu. Khi không có vấn đề gì cũng có nghĩa là không có vai trò gì. Bạn cần tin là cuộc sống không có vấn đề là cuộc sống cực chán; vấn đề càng lớn thì khi vượt qua ta càng hạnh phúc.

6. Tách biệt giữa bên ngoài và bên trong: Mỗi người đối mặt với các thực tại khách quan bằng những cảm xúc, hành động hoàn toàn khác nhau. Vấn đề được giải quyết bằng hành động cụ thể mà không phụ thuộc vào cường độ lo lắng của bạn.

Nguồn Chiến Lược Sống

0 comments:

Đăng nhận xét