Điều quan trọng trong công việc là rước khi ta bắt tay vào làm việc gì ta phải dành thời gian để tạo động lực nhằm thực hiện hoạt động đó. Động lực là trả lời của các câu hỏi sau:
1. Tại sao bạn phải làm việc đó?
2. Điều đó quan trọng với bạn tới mức độ nào? Có phương án nào hay hơn không? Có thể bỏ cuộc giữa chừng được không?
Bài viết này giúp bạn khơi dậy động lực để hoàn thiện bản thân:
Cảm hứng từ mục đích sống.
Khi mới ra trường thực sự tôi chỉ có mong muốn kiếm được việc làm. Điều kiện của việc làm đó là đúng cái chuyên ngành mình học. Đa số sinh viên mới ra trường đều vậy vì vậy đòi hỏi họ trả lời được câu hỏi “Mục tiêu 3 năm tới của bạn là gì?”, ” Bạn có đam mê gì không?” thực sự là những câu hỏi khó đòi hỏi phài có sự chuẩn bị chu đáo.
Chúng ta có thể trả lời thực sự TA MUỐN GÌ thông qua khung sau:
Những cái bạn muốn xoay quanh ba trục:
1. Vật chất: tiền bạc, sự an toàn
2. Tinh thần: được người khác tôn trọng, được làm cái gì mình thích
3. Gia đình: thực ra bao trùm nó là xã hội nhưng Gia đình sẽ gần gũi với ta hơn.
Mỗi người trong chúng ta đều có mức độ khác nhau tạo ra các hình lập phương có điểm D khác nhau.
1. Làm sao để thỏa mãn nhu cầu vật chất?
Vật chất là tiền, tiền sẽ mua hàng hóa và dịch vụ. Bạn có các cách để có được tiền như sau:
– Tài sản thừa kế: Nếu bố mẹ bạn để lại cho bạn khoảng 20 tỷ thì tiền lãi ngân hàng cũng đủ sống thoải mái cả đời.
– Tự doanh: Tự trồng trọt chăn nuôi, tự mở cửa hàng kinh doanh cá thể, tự mở doanh nghiệp.
– Làm thuê: làm thuê nhận lương cho một công ty nào đó.
Tiêu chí nào quyết định mức độ thu nhập của bạn?
Tôi nghĩ nó phụ thuộc vào năng lực của mỗi người, năng lực càng cao thì càng có khả năng tạo ra giá trị cao (có khả năng và muốn là khác nhau nhé, có khả năng mà không muốn làm thì cũng không tạo ra giá trị). Bạn tạo ra giá trị 100 đ thì cho dù làm thuê thì người ta cũng trả cho bạn 20 đồng. Nếu bạn tự doanh thì được ăn cả ngã về không, tạo ra 100 đồng thì bạn ăn cả 100 đồng.
Tạo 100 đồng ở làm thuê sẽ dễ hơn tạo 100 đồng ở tự doanh. Làm thuê bạn không cần lo quản trị, một số nguồn lực người khác quản lý giúp bạn, cũng chẳng cần vốn, làm sai thì không phải trả giá. Tự doanh thì phải chịu trách nhiệm tất tần tật và nhận giá trị thông qua người làm thuê. Cái gì cũng có cái giá của nó.
Năng lực tạo ra giá trị, năng lực bao gồm 1. Kiến thức; 2. Kỹ năng và 3. Thái độ. Nếu ba yếu tố này không tăng theo năm tháng thì mức độ tăng thu nhập của bạn không bù nổi lạm phát.
Đó là một lý do ta phải tự hoàn thiện chính mình liên tục.
2. Làm sao để thỏa mãn nhu cầu tinh thần
Người ta tôn trọng bạn vì bạn có gì đó hơn họ nhiều. Ở một trình độ nhất định bạn mới có thể tự thỏa mãn được cái mình thích.
Ví dụ như bạn rất thích đá bóng, nguồn lực cần thiết chỉ là sắp xếp đủ thời gian. Do năng suất lao động thấp cộng với kỹ năng quản lý thời gian kém bạn sẽ có câu cửa miệng “Tôi không có đủ thời gian để làm điều đó.”
Bạn có thể bù khú với bạn bè ngay cả khi bạn rất ngèo vì vậy nhu cầu này tương đối độc lập với nhu cầu vật chất. Một số nhu cầu tinh thần cao cấp hơn lại đòi hỏi yếu tố vật chất ví dụ như đi du lịch, gôn, đánh bạc,…
Bạn phải nhớ rằng cái bạn thích phụ thuộc vào trình độ của bạn. Trình độ càng cao thì sở thích càng đúng đắn. Những thứ bạn thích bây giờ ngày mai bạn sẽ nhận ra là đó thực sự không phải cái bạn thực sự thích.
Khi nhận thức được cái mình thích thì bạn phải có trình độ để thỏa mãn ý thích đó. Bạn có thể thích leo lên đỉnh phanxipan nhưng sức khỏe không cho phép. Bạn có thể thích đi về cội nguồn của đạo phật nhưng không có tiền.
Nếu trình độ bạn không gia tăng thì mọi thứ không có gì thay đổi.
3. Làm sao để thỏa mãn yếu tố gia đình
Gia đình là nơi bạn sống. Mục tiêu ban đầu của bạn là tìm người yêu. Sau đó là có một gia đình nhỏ. Sau đó là có một đứa con. Sau đó là có đứa thứ hai. Gia đình bạn được an toàn và luôn vui vẻ.
Gia đình là một xã hội thu nhỏ rất phức tạp. Rất nhiều đôi vợi chồng ly dị bắt nguồn từ những nguyên nhân rất nhỏ không được phát hiện và giải quyết kịp thời.
Tại sao bạn phải đi học đại học? vì bạn sẽ có nhiều khả năng kiếm được ông chồng hoặc vợ cũng có bằng tương ứng. Nếu bạn có bằng cao đẳng mà nhất là con trai thì vợ cứ từ cao đẳng đổ xuống. Cho dù giáo dục của ta còn nhiều vấn đề nhưng chắc chắn trình độ học vấn khác nhau thì cư xử cũng khác nhau
Bạn sẽ phải dự đoán và xử lý ngay lập tức các mối bất hòa vừa mới nhen nhóm. Bạn phải dạy con cái học, sau này nó lớn lên nó sẽ tôn trọng bạn hơn khi bạn giỏi. Nếu bạn có ham muốn hoàn thiện bản thân thì bạn sẽ truyền được cho con bạn ý chí đó. Nếu bạn không có thì con bạn cũng sẽ không có.
3 Yếu tố này đều quan trọng, chẳng ai hạnh phúc trọn vẹn mà thiếu một. Dựa trên 3 tiêu chí này bạn xây dựng cho mình các mục tiêu tương ứng. Ví dụ:
Mục tiêu tài chính:
– Tới 2016 phải dành dụm được 100 triệu; tới 2020 phải có 500 triệu
Mục tiêu tinh thần:
– Tới 2016 phải làm quản lý.
– Tới 2020 phải mở được công ty riêng.
– Đi du lịch tới Singapore.
Mục tiêu gia đình:
– Tới 2016 phải có người yêu.
– Tới 2020 phải lập gia đình.
(Tới 2016 được hiểu là kết thúc 2016 bạn sẽ đạt được cái mục tiêu đó)
Bạn phải tính tới việc link giữa các mục tiêu ở mỗi nhóm để tạo ra hình lập phương không lệch lẹo. Lấy ví dụ việc có người yêu hay lập gia đình chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc tích lũy thu nhập của bạn do phải chi ra nhiều hơn. Hoặc khi có con do chi tiêu sẽ nhiều hơn nên bạn phải có một khoản tích lũy vào đúng thời điểm đó.
Cuộc sống không phải là một cuộc dạo chơi dành cho những kẻ khờ. Mỗi người chúng ta đang mải miết đi trên con đường, ai khỏe thì đi nhanh, ai chậm thì bị bỏ lại. Cảm giác thỏa mãn với những gì đang có nếu hiểu theo kiểu “chẳng cần làm gì thêm nữa” là bạn đang thiếu ham muốn hoàn thiện bản thân. Có nghĩa bạn đang đứng yên trên con đường và nhìn người khác vượt qua mình.
Khi bạn đứng yên thì bạn sẽ mất dần những gì bạn đang có.
Nếu mỗi ngày của bạn là một ngày phải chiến đấu và chịu đựng thì bạn sẽ sớm bỏ cuộc. Mỗi ngày trôi qua phải là một ngày vui. Không hẳn cứ chơi thì mới vui. Tạo ra những thành công nho nhỏ sẽ tạo cho bạn niềm vui.
Định lượng như thế nào là đúng
Bạn phải phát biểu rõ cái mình muốn, nếu phát biểu mục tiêu của bạn chỉ là “làm giàu” và ” được hạnh phúc” thì đó không phải mục tiêu.
Trục tọa độ được chia ra thành các mức. Bạn đặt ra các mục tiêu lớn trong kế hoạch dài hạn, mục tiêu trung bình trong kế hoạch trung hạn và mục tiêu nhỏ trong kế hoạch ngắn hạn. Ví dụ:
Tới 2016 sẽ có tích lũy 50 triệu. Tới 2018 là 300tr và tới 2020 là 800 tr.
Nếu bạn đang có 0 đồng và bạn muốn tới 2016 phải có 800tr thì đó là mục tiêu bất khả thi.
Nếu bạn ước tới 2016 có 10tr thì đó là mục tiêu quá dễ đạt được.
Một mục tiêu trong khả năng thực hiện nhưng phải nỗ lực một chút mới có được ấy là mục tiêu đúng. Càng sớm đặt mục tiêu bạn càng đỡ bị ép mục tiêu sau này. Ví dụ tới 2020 mà lúc đó bạn vẫn có 0 đồng trong khi tới 2022 bạn phải có 800 tr thì bạn sẽ ép mình phải đạt được với rất rất nhiều nỗ lực.
Tương tự đối với yếu tố tinh thần và gia đình. Để làm cho tinh thần thoải mái kể ra cũng không khó lắm. Ví như sở thích của tôi là bơi, viết blog với đọc sách thì tôi có thể thỏa mãn nó hàng ngày vào bất cứ lúc nào. Nếu sở thích của bạn là đánh gôn hay đá bóng thì hơi phức tạp một chút nhưng cũng có thể thực hiện được.
Các mục tiêu tinh thần lớn như được người khác tôn trọng, được làm những thứ mình thích thì có thể định lượng thông qua câu hỏi “Bạn muốn người khác tôn trọng bạn ở mức độ nào và người ta tôn trọng bạn bởi cái gì?”
Hy vọng bạn có thể tạo cho mình một động lực đủ lớn thông qua bài viết này.
Làm rõ yếu tố được làm cái mình thích
Hãy thử ngồi tử tế ngay ngắn và liệt kê ra những thứ bạn thích làm. Nếu trước đây bạn chưa từng làm điều này thì bạn sẽ thấy ngạc nhiên rằng bây giờ bạn mới biết mình thích gì.
Trong những thứ bạn thích có những thứ bạn có thể thỏa mãn một cách dễ dàng ví dụ như đi dạo trên đường thanh niên, đi bộ vòng quanh hồ, đi uống cafe, xem bộ phim yêu thích, rủ đứa bạn chuyện phiếm,… đó là những sở thích trước mắt. Có những sở thích dài hạn hơn như bạn thích vẽ tranh và làm nghề vẽ tranh, bạn thích được làm ông chủ trang trại, thích đi xe máy xuyên chiều dài đất nước, thích được một mình trên đảo vắng.
Những sở thích dài hạn đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ càng về sức khỏe, tài chính, thời gian. Chính vì vậy đối với trục Tinh thần bạn vẫn có thể đặt ra các mục tiêu cho riêng mình.
Các mục tiêu là những con chuột. Khi bạn đuổi theo con chuột và bắt được nó, không những bạn có con chuột mà bạn còn có thêm sức khỏe và kinh nghiệm. Khi các mục tiêu trong đời đạt được thì bạn cũng đã tự hoàn thiện chính mình. Hoàn thiện chính mình là kết quả của việc đạt mục tiêu và nó cũng là nguyên nhân để bạn có thể đạt mục tiêu
Vòng luẩn quẩn
Có một quy luật tâm lý là khi người ta yếu một cái gì đó thì người ta luôn cố gắng giấu nó đi thậm chí là thể hiện nó một cách ngược lại. Khi bạn dốt bạn lại cố gắng tỏ ra bạn giỏi, khi bạn người thiếu nhiệt tình thì bạn lại tỏ ra là người nhiệt tình, khi sức khỏe yếu bạn lại tỏ ra là mình khỏe, khi bạn nghèo thì bạn cố tỏ ra là mình giàu.
Hành vi này xuất phát từ suy nghĩ mặc cảm về những điểm yếu của mình. Nhưng bạn thử nhìn xem Người giàu có bao giờ cố tỏ ra là mình giàu không? Người giỏi có bao giờ cố gắng tỏ ra là người giỏi? Người nhiệt tình cố gắng tỏ ra là mình nhiệt tình?
Khi bạn càng tỏ ra là mình trái lại so với thực tế thì bạn lại càng lộ ra các điểm yếu của bạn và thứ hai là bạn sẽ không có cơ hội để cải thiện điểm yếu của mình. Nếu đụng vào vấn đề gì bạn cũng bảo là mình biết thì chẳng ai đi hướng dẫn bạn làm gì.
Chúng ta cũng có xu hướng đem điểm yếu của ta so sánh với điểm mạnh của người rồi ghen ghét họ. Người nghèo thì ghét người giàu, người dốt thì ghét người giỏi, người xấu thì ghét người xinh,…Nếu bạn đã ghét một cái gì đó thì bạn sẽ tự đẩy nó ra xa; lại lâm vào cái vòng luẩn quẩn.
Vì vậy muốn làm một cái gì đó trở nên tốt hơn thì đầu tiên bạn phải chấp nhận hiện thực đã. Không ai trách mắng bạn khi bạn thể hiện rằng mình thiếu hiểu biết một lĩnh vực nào đó. Người ta chỉ ghét bạn khi bạn không biết nhưng cứ cố tỏ ra là mình biết.
Nguồn Chiến Lược Sống
0 comments:
Đăng nhận xét