Omni channel có nghĩa là bán hàng đa kênh trên cùng một nền tảng và hướng đến thống nhất, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Hiện nay, khái niệm Omni channel (Tạm dịch: Tiếp thị đa kênh) có vẻ như đang bị các chủ shop hiểu lầm đơn giản chỉ là bán hàng trên nhiều kênh (Multi-Channel).
Song thực tế, đây là nền tảng bán hàng đa kênh nhưng phải có sự kết nối xuyên suốt, nhất quán giữa các kênh với nhau và tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Chức năng của Omni channel
Hay nói một cách dễ hiểu hơn, đây chính là việc người kinh doanh bán hàng trên các kênh khác nhau (như mạng xã hội, website, gọi điện thoại cho đến các ứng dụng trên smartphone) theo một cách nhất quán, liên tục trên tất cả các thiết bị có thể tiếp cận được với khác hàng, giúp quá trình mua hàng của khách thuận tiện, hiệu quả, tối ưu dù mua qua bất cứ hình thức nào.
Là một “thành viên” mới, sau traditional marketing, digital marketing và social marketing, Omni channel marketing được coi là công cụ để tăng doanh số nhanh nhất.
Với xu thế lượng người online ngày càng nhiều, Omni channel marketing gần như sẽ trở thành phương thức phổ biến mà các nhà bán lẻ áp dụng bởi độ phủ sóng rộng, chi phí thấp, cũng như hiệu quả mà nó mang lại. Hiện tại, đây cũng là xu hướng của kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực bán lẻ nói riêng.
Cách ứng dụng Omni channel
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong phân khúc vừa và nhỏ không biết bắt đầu từ đâu để bắt nhịp, vận dụng tốt xu hướng này.
Một ví dụ đơn giản. Khi kinh doanh một mặt hàng nào, bạn sử dụng Omni channel và thông qua đó sẽ thấu hiểu được mong muốn của khách hàng, giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm và tương tác lại với thương hiệu của mình.
Đơn vị kinh doanh sẽ tương tác với khách hàng trên nhiều kênh như mạng xã hội Facebook, YouTube, website, gmail….
Theo đó, chủ hàng sẽ nắm rõ và phân tích hiệu quả profile của các khách hàng nhằm mang lại một bức tranh tổng quát về nhu cầu, sở thích của người mua, qua đó có thể mang lại cho họ những trải nghiệm tốt nhất.
Ví dụ:
Một cách đơn giản để có thể biết khách hàng của mình đang nghĩ gì, đó là thông qua một cuộc khảo sát, các thương hiệu đặt một câu hỏi đơn giản với khách hàng. Từ đó, nhờ vào những phân tích thống kê để đưa ra kết quả phù hợp và có ích nhất.
Mỗi một phân khúc khách hàng lại có một loại phương tiện thông tin hay thiết bị yêu thích nào đó. Trong một ngày, ít nhất các kênh này sẽ được họ truy cập 3-4 lần hoặc nhiều hơn.
Theo đó, các thương hiệu sẽ dựa vào các dữ liệu thông tin tìm kiếm được để phân loại và áp dụng các cách thức sao cho phù hợp như gửi e-mail, gọi điện, nhắn tin hay quảng bá trên mạng xã hội.
Tóm lại, Omni-channel là một phương thức marketing giúp phối hợp các kênh một cách thống nhất giúp tăng độ phủ sóng thương hiệu và quan tâm đến khách hàng nhiều hơn.
Không “mặt dày” không thể kinh doanh online
Ông Trần Trọng Tuyến - Tổng thư ký VECOM - CEO Công ty CP Công nghệ DKT, đơn vị đầu tiên cung cấp nền tảng này tại Việt Nam cho biết, Omni channel đang được các nước sử dụng khá hiệu quả song ở Việt Nam còn rất hạn chế.
Hiện mức giá của nền tảng bán hàng Omni channel dao động mức 3-4 triệu đồng/năm song chúng mang lại hiệu quả rất lớn mà không phải đơn vị kinh doanh nào cũng biết.
Song theo ông Tuyến, để bắt đầu với TMĐT, mỗi người có những xuất phát điểm khác nhau. Với kinh doanh online, không nhất thiết phải bắt đầu khi đã hiểu rõ tất cả các thứ và phải đúng trình tự kinh doanh qua các kênh khác nhau.
“Cũng giống như làm ra một sản phẩm, nhiều người phải quảng bá, truyền thông, làm thương hiệu… sau đó mới tung ra sản phẩm. Tuy nhiên, cũng không ít đơn vị “mặt dày” mang sản phẩm đến gặp khách hàng và bán luôn”, ông Tuyến cho hay.
Cũng theo ông, các đơn vị kinh doanh cần tận dụng những nền tảng mới nhất để bán hàng, không cần quá tuần tự, thậm chí ngay cả khi hiểu sai cũng được, không cần cầu toàn, sai thì rút kinh nghiệm rồi sửa, vừa đi vừa đo lường và điều chỉnh.
Đồng quan điểm với ông Tuyến, Bà Trịnh Vân Hoa - Giám đốc điều hành của Nguyễn Kim cho rằng, các chủ kinh doanh không cần phải đi từng bước từ bán hàng đơn kênh (single channel) đến bán hàng đa kênh (multi channel, cross channel) rồi mới đến Omni channel mà bạn có thể đi tắt đón đầu từ đơn kênh đến đa kênh Omni channel.
“Nếu bạn không tạo ra sự thay đổi, hãy tham gia vào làn sóng thay đổi vì nếu không bạn sẽ nằm ngoài cuộc chơi và mất dần vị thế của mình”, đại diện Nguyễn Kim cho hay.
Nguồn Trí Thức Trẻ
0 comments:
Đăng nhận xét