28 thg 2, 2019

8 lý do để bạn phớt lờ hay cân nhắc lại một lời mời làm việc

Tin tốt là bạn đã nhận được một công việc. Trong thời buổi nền kinh tế vẫn quay cuồng như thế, nhận được lời mời làm việc rõ ràng là một thành công đáng mừng. Nhưng tin xấu là bạn đang băn khoăn chưa biết quyết định sao với vị trí có vẻ chưa phù hợp này. Rồi bạn sẽ đưa sự nghiệp của mình đến đâu đây?

Xem nào, sự thực là sẽ có những lúc chúng ta phải chấp nhận bất kỳ lời mời làm việc nào mở ra với mình, ngay cả khi biết nó không hề phù hợp. Lý do có thể là bạn sắp phải bán nhà trả nợ, đang nuôi dưỡng thêm người thân, hay ví tiền cạn kiệt đến mức không thể thuê phòng trọ và trang trải phí sinh hoạt hàng ngày một cách vừa ý nữa rồi. Hoàn toàn có thể hiểu được tình huống đã khó khăn đến mức nào, mục tiêu ưu tiên chính là tìm được công việc chứ không phải tìm ra công việc hoàn hảo.

Những ai gan lì muốn “án binh” chờ việc như ý cũng sẽ gặp áp lực tương ứng. Phải gặm nhấm cảm giác mòn mỏi vì quá trình tìm việc mất quá nhiều thời gian hơn dự kiến, hay sốt ruột nhìn xung quanh thấy mỗi mình lông bông trong khi tất cả bạn bè cùng tốt nghiệp đã ổn định việc làm. Hoàn cảnh như thế chẳng lý tưởng chút nào, nhưng bạn đừng vì vậy mà hốt hoảng vớ tạm một công việc trước mắt, thực sự chẳng góp chút lợi ích gì cho hành trang sự nghiệp nhé!

Nhằm giúp bạn trấn an tinh thần và lấy lại định hướng, dưới đây Career Builder Việt Nam  sẽ kể ra 8 lý do rất hợp lý để bạn mạnh dạn nói câu từ chối:

1. Đấy là ngõ cụt, không phải đường vòng
Đôi khi chúng ta bị “lạc trôi” vào một công việc sai lầm, và tin xấu chưa dừng lại ở đây. Bạn thường nghe nhiều câu chuyện thành công vẽ ra các chương đầy màu sắc về những người hùng dũng cảm bước đi theo cách riêng và chạm đỉnh vinh quang. Nhưng còn vô số “bộ phim buồn”, nơi mà nhân vật chính phải chấp nhận dừng chân vô thời hạn với một công việc vất vả và chán nản đến nỗi không còn cảm nhận được hi vọng hay có thể nhìn ngắm thành quả ước mơ nữa thì sao? Khi cân nhắc một công việc, dù là tạm thời, hãy dám thử thách nhưng cần tỉnh táo!

Lời khuyên: Liệu đâu đó trong vài ngóc ngách, công việc mới vẫn tạo cho bạn đôi phần tiến bộ trên con đường nghề nghiệp đã chọn? Hay công việc thay thế này sẽ chặn lối dẫn đến mục tiêu của bạn một cách triệt để? Lựa chọn tạm thời tốt nhất chính là công việc vẫn cho phép bạn tiếp tục phát triển bản thân, mang lại trải nghiệm làm giàu thêm cho lý lịch, và dễ dàng đề cập khi ứng tuyển công việc tiếp theo. Một công việc tồi tệ sẽ xoáy bạn rơi vào hố đen, nơi không thể tích luỹ thêm bất cứ kinh nghiệm hay kỹ năng gì khác ngoài cảm giác mệt mỏi. Nếu lời mời trước mặt bạn đang mang lại dự cảm như thế, hãy can đảm từ chối!

2. Khiến bạn đánh mất các cơ hội
Hầu hết lời mời làm việc có được thông qua những mối quan hệ. Nếu là nhân viên của một công ty bố trí văn phòng làm việc tại tầng hầm, khu vực nhà kho, góc sân sau thì có khả năng bạn thỉnh thoảng phải dành thời gian tiếp chuyện với những người đang loay hoay lạc bước tìm đường đến nhà vệ sinh. Trái lại, nếu tham gia vào công việc kinh doanh tại các doanh nghiệp bán lẻ thì vị trí này có thể cung cấp cho bạn cơ hội gặp gỡ nhiều người cũng như nắm được thông tin hữu ích, trong đó có cả danh sách công việc cần tuyển thêm người sắp đăng tải. Hãy nhớ rằng, phần lớn cơ hội việc làm ngày nay thường không được quảng cáo rộng rãi.

Lời khuyên: Nếu công việc tình nguyện hay các dịch vụ cộng đồng giúp bạn giữ kết nối được với nhiều mối quan hệ tiềm năng, nó đáng để dồn sức hơn là quăng mình vào các công việc được trả lương nhưng ngắn hạn. Rõ ràng là nếu đang bị áp lực tài chính đè nặng trên vai thì bạn không thể phung phí thời gian. Tuy nhiên, hãy chắc rằng công ty mà bạn quyết định gắn bó 8 tiếng mỗi ngày sẽ là nơi giúp bạn gắn kết với mục tiêu nghề nghiệp đã chọn.

3. Tổn hại danh tiếng nghề nghiệp hoặc thương hiệu cá nhân của bạn
Mặc dù, khi là nhân viên làm ra món sandwich ngon cho thực khách ghé đến quán  của mình thì nhiều cơ hội bạn sẽ có được số liên lạc của những người ra quyết định tại các công ty, bởi các CEO thì cũng cần đi ăn trưa. Nhưng liệu bạn có muốn được người khác nhớ đến vì liên quan đến một món ăn khi cuối cùng mình cũng đã có mặt trong một buổi phỏng vấn việc làm?

Lời khuyên: Trong quá trình tìm kiếm công việc đầu tiên, nhân viên chạy bàn là lựa chọn khá phổ biến và hợp lý của nhiều bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, hãy nhớ là một chuyên viên CNTT có kinh nghiệm “châm trà rót nước” thì cũng không nâng cao được gì cho hình ảnh hay sức mạnh công nghệ của mình cả. Không có gì sai trái khi bạn lao động chân chính, nhưng nhớ thận trọng tập trung vào các công việc không mâu thuẫn với mục tiêu và trạng thái nghề nghiệp hiện có của mình. Nghĩa là, trải nghiệm của nhân viên phục vụ sẽ có ý nghĩa cho một người quản lý khách sạn hay nhà hàng đang tìm kiếm công việc kế tiếp. Còn công việc thiết kế website có thể phù hợp hơn cho những người nắm giữ trách nhiệm IT Manager.

4. Công việc đi kèm với sự “thương tổn tâm hồn”
Tinh thần của bạn mạnh mẽ đến đâu? Bạn có thể duy trì sự tập trung và hi vọng cần thiết khi đang đảm nhiệm công việc thay thế hay không? Một số người sở hữu khả năng phục hồi và sức bật trong nghịch cảnh sẽ không bị khối lượng công việc lớn đè bẹp hoặc có cảm giác tức giận nếu gặp phải thử thách không mấy dễ chịu. Trong khi đó, nhiều người khác lại có xu hướng gắn liền bản thân với công việc nên khi mọi chuyện không suôn sẻ thì lâu dần lòng tự tôn sẽ xẹp dần như quả bóng bị xì hơi.

Lời khuyên: Hãy tự biết mình! Mục đích chính khi nhận một công việc tạm thời là giải quyết vấn đề tiền bạc và tích luỹ kinh nghiệm cho công việc thực sự phía trước. Vì thế, nếu công việc tạm thời này có khả năng phá hỏng cảm xúc của bạn, cần nhìn xa hơn một chút. Hãy tìm kiếm những công việc có thể giúp tạm trang trải cho cuộc sống nhưng không khiến bạn mất tự tin và phá vỡ tinh thần.

5. Đi ngược lại đạo đức và giá trị của bạn
Bản chất của công việc tạm thời là không khiến bạn có cảm giác phải thoả hiệp với bản thân rằng tôi là ai hoặc niềm tin của tôi là gì. Sự thật là bạn nên tránh bất kỳ điều gì bất hợp pháp, nhớ rằng ngoài màu đen và trắng vẫn còn có màu xám. Ví dụ: Nhân viên tại nhà máy đóng hộp thịt chay, nhà bảo vệ môi trường cho công ty khai thác dầu mỏ lớn, hay thực hiện các cuộc gọi (telemarketing) để kêu gọi ủng hộ cho quyền riêng tư. Đây là các tình huống bạn đưa mình vào thế tự chống lại bản thân.

Bạn sẽ khó lòng làm việc hiệu quả và luôn tự cảm thấy khổ sở nếu nhận bất kỳ vị trí nào bắt buộc bản thân bỏ qua các giá trị cốt lõi. Bán một cái gì đó mà ngay cả bạn cũng bất mãn chính là một cú đánh vào sự liêm chính của bản thân. Làm sao bạn có thể bán cả sự nghiệp của mình cho nhà tuyển dụng sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ với niềm tin của chính họ? Bấy nhiêu đây hẳn  đủ cơ sở để bạn từ chối nhận việc.

6. Phải đánh đổi cả gia đình
Một khoản thu nhập cao sẽ đưa bạn đi xa hơn, nhưng đôi khi nó cũng đẩy bạn xa gia đình hơn – bởi khi chi trả một mức lương cao thì doanh nghiệp cũng đòi hỏi mức độ đóng góp tương xứng. Nếu bạn phải dành thêm nhiều thời gian và tâm sức cho công việc, nguy cơ mất kết nối với gia đình là có thật. Điều này không hàm ý khuyên bạn ngừng phấn đấu hay nỗ lực lao động, mà khuyên rằng bạn cần quan tâm đến sự đồng điệu trong mức độ kỳ vọng của chính mình với những người thân. Hãy để phần thu nhập tăng thêm củng cố cho niềm vui và sự an khang của gia đình, thay vì khiến nó trở thành nguồn cơn gây bất hoà hay thất vọng.

Lời khuyên: Hãy cân nhắc “tạm thời” sẽ là tạm thời ở mức độ ra sao? Còn lựa chọn nào có thể mang lại sự cân bằng ổn định giữa tài chính và gia đình không? Gia đình bạn có đang trong tình trạng căng thẳng về thời gian cần lưu ý không? Bạn làm việc để sống hay sống để làm việc? Nhưng sau tất cả, hãy nhớ một điều quan trọng này: Không ai vào những phút cuối cùng trong cuộc đời lại ước rằng mình đã dành nhiều thời gian hơn cho công việc cả. Mọi người đều nghĩ về người thân.

7. Khi thu nhập không tốt
Đôi khi, mọi chuyện thực sự bắt nguồn từ tiền bạc. Tất cả chúng ta đều đi làm để duy trì cuộc sống, rất nhiều hoá đơn phải chi trả: từ điện, nước, xăng, xe cho đến thuốc men, tã, sữa… Vì vậy, nếu nhận một công việc mà nhiều thông tin cho thấy khó đáp ứng được nhu cầu tài chính, việc bạn nên làm là ngừng lại để chờ một công việc khác thực sự có ý nghĩa với mình hơn.

Lời khuyên: Trước khi ra quyết định về công việc tạm thời này, hãy làm rõ hình thức trả lương lẫn các chi tiết trong cấu trúc tiền lương và chi phí bạn phải bỏ ra khi nhận công việc, đặc biệt là các công việc mà mức thu nhập sẽ tăng giảm phụ thuộc vào doanh số - hoa hồng. Từ “tạm thời” đôi khi là cái bẫy khiến bạn đánh giá các yêu cầu nhẹ hơn so với giá trị thực sự của công việc. Bởi vì bạn đang trên hành trình tìm việc, các chi tiết này có ý nghĩa. Hãy chắc là bạn chấp nhận những trao đổi xứng đáng. Ngoài ra, nếu thực sự không muốn từ chối lời mời làm việc này, đừng quên rằng bạn vẫn có khả năng thương lượng lại mức lương!

8. Khi mức lương quá hậu hĩnh
Bạn sẽ bất ngờ khi nghe nói rằng “lương quá tốt là vấn đề”? Nhưng nhớ lại xem, bạn đang đứng trước một công việc tạm thời. Được trả công rất hậu hĩnh, nên bạn gắn bó lâu một chút, và lâu thêm một chút sau đó nữa. Không gì khó hiểu nếu tiếp theo bạn phát hiện được chính là: mười năm đã trôi qua và bạn chưa làm thêm điều gì mới mẻ ngoại trừ liên tục nhận khoản tiền lương béo bở hàng tháng và quên mất mình từng có một giấc mơ hoặc mục tiêu nghề nghiệp khác hẳn.

Lời khuyên: Nếu thuộc mẫu người “làm việc để sống” có mục tiêu nghỉ hưu cụ thể, lời mời này không có vấn đề gì. Nhưng nếu bạn đang mong muốn nuôi dưỡng một sự nghiệp sẽ đạt thành tựu và thành tích chuyên môn trong tương lai, hãy cảnh giác với những công việc tạm thời nhưng lại dễ dàng ru ngủ bạn trong sự tự mãn. Câu nói “tôi đã quá bận rộn và quên khuấy đi mất” sẽ không đủ bù đắp cảm xúc cho phiên bản khác “đầy chán nản và tiếc nuối” của bạn đâu. Bạn sẽ thường xuyên ray rứt do không trả lời được cho bản thân câu hỏi vì sao đã lãng phí tiềm năng và không khai thác hết sức trẻ của chính mình.

Hãy để mắt đến các “phần thưởng”
Thông thường thì sở hữu bất kỳ việc gì đó vẫn tốt hơn là thất nghiệp, nhưng không nhất thiết phải luôn như vậy. Hãy đo lường công việc tạm thời trước mắt mình với tổng thể định hướng nghề nghiệp. Cảnh giác với những cơ hội có nguy cơ níu chân bạn dừng lại “bên lề ước mơ” của mình mãi mãi.

Con đường sự nghiệp của tất cả chúng ta hiếm khi là đường thẳng. Đôi khi để đến được với vị trí quản lý kinh doanh lừng lẫy bạn phải đi ngang qua phòng hành chính trong vai trò văn thư. Có những lúc áp lực môi trường bên ngoài và gánh nặng tài chính buộc chúng ta phải tạm ngừng phát triển chuyên môn. Các thách thức này bạn hoàn toàn có thể vượt qua và mang về cho mình những góc nhìn giá trị mới, miễn sao khi nhấn nút tạm dừng bạn đừng khiến động lực của mình biến mất.  

Tự biết giá trị của bản thân
Bất kể bạn sẽ chấp nhận lời mời làm việc hay không, điều quan trọng nhất là bạn hiểu rõ bản thân và công việc. Nếu muốn thử sức, bạn cần định rõ giá trị của mình trước khi bước vào quá trình đàm phán lương.

Đừng lo lắng bởi vì bạn luôn được trợ giúp trong cuộc chiến cân não này! Hãy truy cập VietnamSalary của CareerBuilder để tìm hiểu các thông tin cần thiết nhất về vấn đề thu nhập và cập nhật tình hình lương thưởng. Bạn có thể sử dụng công cụ đo lường miễn phí để biết thang lương hiện hành trên thị trường đang áp dụng cho vị trí bạn mong muốn (theo ngành nghề/ lĩnh vực/ cấp bậc/ địa điểm) là bao nhiêu, từ đó tự tin bước vào thương lượng và làm tương lai của mình.

Career Builder Vietnam chúc bạn luôn may mắn và có nhiều quyết định đúng đắn nhé!

Nguồn Career Builder Vietnam

0 comments:

Đăng nhận xét