11 thg 3, 2019

4 dấu hiệu điển hình của một người đồng nghiệp tồi: Đáng tiếc chúng ta thường vô tình mắc phải mà không biết rồi bị "ghét cay đắng" sau lưng

Nếu nhận thấy bản thân từng mắc phải 4 dấu hiệu điển hình của một đồng nghiệp tồi dưới đây thì chắc hẳn bạn đã vô tình khiến người khác có cái nhìn không tốt về mình.

Bài viết dựa trên quan điểm của J.T. O’Donnell, người sáng lập, CEO của blog "Work It Daily", một nền tảng giúp định hướng người dùng giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến công việc, sự nghiệp. Bà đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, tuyển dụng và hướng nghiệp.

Bạn có nghĩ mình là một đồng nghiệp tồi? Điều này hoàn toàn có thể vì theo một nghiên cứu được tiến hành bởi trường Đại học Olivet Nazarene, dựa trên câu hỏi cho 2,000 công nhân viên Mỹ rằng có bao giờ họ bị khó chịu bởi đồng nghiệp khác hay chưa. Kết quả là 100% đều trả lời có.

Điều gây sốc hơn nữa là có đến 73% người trả lời nói rằng họ cũng từng khiến người khác không thoải mái vì những thói quen, hành vi vô tình của mình.

1. Nói to, hay phàn nàn, kêu ca
95% số người tham gia nghiên cứu cho rằng kiểu đồng nghiệp gây khó chịu nhất là người luôn đi kể lể, rêu rao mọi thứ, đặc biệt là phàn nàn. Họ như muốn cho cả thế giới biết mình đang nghĩ gì mà không quan tâm đồng nghiệp cảm thấy ra sao.

Liệu bạn có từng mắc phải trường hợp này? Hãy thử xem xét lại bản thân rằng bạn có hay chia sẻ cảm nghĩ của mình về mọi chủ đề với đồng nghiệp hay không? Bạn có thường đưa ra những nhận xét tiêu cực, chê bai các vấn đề liên quan đến công việc hay không? Bạn có hay thể hiện cảm xúc tiêu cực, kêu ca với họ hay không? Những hành động này tưởng chừng vô hại nhưng sẽ khiến người khác mệt mỏi khi tiếp thu năng lượng tiêu cực từ bạn đấy.

2. Nói xấu đồng nghiệp
32% số người trả lời rằng họ có ít nhất một đồng nghiệp thích "buôn chuyện" và nói xấu người khác sau lưng. Họ làm vậy chẳng vì mục đích gì, đơn giản là để thoả mãn thói xấu của bản thân, mặc cho những lời nói đó đem lại tổn thương sâu sắc.

Nếu tự thấy mình liên tục soi mói, thấy bộ váy mới của cô bạn làm cùng thật xấu xí, anh chàng bàn bên trông thật "nấm lùn", kém sang, hay cách trang điểm của chị đồng nghiệp nhìn quá quê mùa thì chia buồn với bạn, bạn đang tự biến mình thành kẻ đáng ghét trong mắt người khác. Nói xấu người khác không giúp bạn đẹp lên, nó chỉ hạ thấp giá trị và làm xấu đi nhân cách của bạn mà thôi.

3. Có thói quen xấu khi ăn và đi vệ sinh
12% người tham gia cho biết họ từng bị khó chịu bởi thói quen ăn uống và sử dụng nhà vệ sinh bất lịch sự từ người khác.

Thói xấu trong ăn uống có thể bao gồm ăn quá chậm, nhai thành tiếng, vừa ăn vừa nói,… Nếu thấy đồng nghiệp luôn cố tránh đi ăn trưa cùng bạn, rất có thể bạn đã được "liệt" vào trong danh sách này.

Nếu có lúc bạn đi vệ sinh cùng một đồng nghiệp và rời đi khi chưa rửa tay, hành động này sẽ để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp và "sạch sẽ" trong mắt người kia. Sửa đổi thói quen xấu này ngay nếu bạn không muốn mọi người xung quanh xa lánh.

4. Kỹ năng giao tiếp, ứng xử kém
Có 6% nói rằng kiểu đồng nghiệp gây khó chịu nhất là người sử dụng từ ngữ thô lỗ hoặc không có cấu trúc khi viết email.

Có bao giờ bạn thấy đồng nghiệp tránh giao tiếp online với bạn? có bao giờ họ nhìn đi chỗ khác hoặc đảo mắt khi cả hai đang trao đổi? Tất cả dấu hiệu trên là lời cảnh báo cho thấy kĩ năng giao tiếp của bạn thực sự kém, thậm chí khiến đồng nghiệp của mình mất kiên nhẫn.

Không bao giờ là quá muộn để thay đổi
Tự nhận thức bản thân là bước đầu tiên để sửa đổi thói quen xấu. Những người đồng nghiệp tồi thường không tự nhận thức được hành động của mình có ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Vì vậy, nếu bạn thừa nhận mình có mắc một trong bốn dấu hiệu trên (hoặc cả bốn) thì đây là bước khởi đầu thuận lợi cho việc "làm mới bản thân".

Một ví dụ điển hình
Tôi biết một cô bạn tên Jane. Chỉ sau vài tháng tại công ty mới, cô "lờ mờ" nhận thấy có vẻ đồng nghiệp xung quanh không mấy hứng thú làm việc với mình. Jane là người thích "buôn chuyện", nhưng sự chia sẻ có phần thái quá khiến mọi người đặt dấu hỏi lớn về sự chuyên nghiệp của cô.

Một ngày nọ, Jane đi đến kết luận là những người xung quanh đang mang ác cảm về mình khi họ tranh cãi về bất đồng quan điểm sống. Jane nhận thấy người ấy thể hiện vẻ mặt khó chịu và liên tục thể hiện những cử chỉ lúng túng trong suốt cuộc nói chuyện.

Dù tin hay không thì Jane vẫn là người có đóng góp xuất sắc trong công ty, nhưng vấn đề năm ở khả năng giao tiếp và ứng xử của cô. Jane nghĩ rằng cứ thoải mái chia sẻ mọi suy nghĩ cá nhân có thể khiến mỗi quan hệ giữa cô và mọi người khăng khít hơn. Thực tế, điều này không hiệu quả.

Lời khuyên của tôi dành cho cô gái trẻ là thử nhớ xem cô "thao thao bất tuyệt" về vấn đề ngoài công việc với đồng nghiệp bao nhiêu lần mỗi ngày và ngược lại, họ có làm điều tương tự với cô hay không? Việc này sẽ giúp cô nhận ra và thừa nhận thói quen xấu của mình. Bạn chỉ có thể xây dựng thói quen tốt khi nhận thức được thói xấu của mình mà thôi.

Sau khi có ý thức về hành động của mình, Jane đã bắt đầu thay đổi cách giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn.

Làm một đồng nghiệp tồi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của bạn
Trên đời không có ai hoàn hảo. Là một người hướng nghiệp trong nhiều năm, tôi đã từng gặp những người có thực tài nhưng sự nghiệp lại không mấy thăng hoa, nguyên nhân là họ luôn mang tiếng xấu tại nơi làm việc.

Để thăng tiến trong sự nghiệp, tài năng không phải yếu tố chi phối chính mà bên cạnh đó, sự tín nhiệm cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Dù có tài giỏi đến đâu đi nữa mà không được lòng đồng nghiệp xung quanh thì bạn cũng khó lòng nắm lấy thành công.

Nguồn CafeF

0 comments:

Đăng nhận xét