Người nghèo có sự chăm chỉ còn người giàu có sự đầu tư và óc tính toán.
Có một người nghèo luôn than trách về số phận hẩm hiu của mình. Anh ta thường xuyên thắc mắc vì sao mình vất vả lắm mới có manh áo để mặc, miếng cơm để ăn. Những lúc thiên thời không thuận lợi thì lại đói rách. Trong khi đó có những người vẫn ăn sung mặc sướng chả phải lo nghĩ gì. Người này đã thỉnh cầu Phật tới giúp để giải đáp nỗi oan khuất của mình.
Trước mặt Phật, người nghèo khóc lóc kể về những cơ cực hàng ngày, làm việc mệt tưởng chết nhưng vẫn chỉ đủ ăn từng bữa mà không có của để dành. Sau một hồi kể lể, người nghèo mới bình luận: "Con thấy đời thật bất công, tại sao lại có những kẻ giàu sang ung dung hưởng thụ còn người nghèo như chúng con đây làm việc cật lực quanh năm suốt tháng vẫn không thể được như họ?".
Phật mỉm cười và hỏi: "Vậy theo con như thế nào mới là công bằng?". Người nghèo nhanh chóng đáp: "Dạ, con muốn xem người nghèo và người giàu cùng nếu có xuất phát điểm như nhau thì họ sống ra sao. Nếu sau một thời gian người giàu vẫn giàu thì con sẽ không còn gì để phàn nàn nữa ạ".
Phật gật đầu rồi nói: "Được rồi!" và Phật biến thành một người cùng xuất phát điểm như người nghèo. Mỗi người tới một ngọn núi để tìm kế sinh nhai. Núi có mỏ than nên hàng ngày hai người đó có thể khai thác than đem ra chợ bán đổi lấy tiền. Sau một tháng sẽ xem kết quả ra sao.
Hai người cùng nhau đào than. Người nghèo rất chăm chỉ làm việc và chẳng mấy chốc đào được đầy một xe than, chở ra chợ bán lấy tiền. Anh lấy số tiền đó mua hết đồ ăn ngon mang về cho vợ và con cùng hưởng. Người còn lại không làm tích cực được như vậy, đào một lát đã thấy mệt và toát hết mồ hôi. Đến chiều muộn mới đào xong được gần đầy xe than, cũng đem ra chợ bán lấy tiền. Tuy nhiên anh chỉ mua một ít bánh mỳ thô, số còn lại để dành.
Sang ngày hôm sau người nghèo lại cật lực đào xới than, còn người kia ra chợ. Một lát sau anh trở về với hai người đàn ông rất khỏe mạnh và không có việc gì làm để kiếm tiền. Hai người kia tới mỏ than, không ai bảo ai cật lực đào bới, người đàn ông chỉ đứng và chỉ đạo họ làm việc. Chỉ trong buổi sáng, người đàn ông đã có hai xe than đầy. Anh lại mang ra chợ bán đổi lấy tiền và thuê thêm nhân công.
Cứ thế số than anh khai thác ngày một nhiều, trừ đi tiền trả cho người làm thuê cũng còn kha khá. Một tháng trôi đi nhanh chóng và người nghèo vẫn vậy, hàng ngày mua được đồ ăn ngon, rượu ngọt nhưng không dành dụm được gì. Ngược lại người kia đã trở nên giàu có, sở hữu trong tay một đội quân khỏe mạnh để hàng ngày khai thác rất nhiều than chở ra chợ bán, thu về rất nhiều tiền. Và có lẽ người nghèo không còn phàn nàn gì nữa.
Một câu chuyện nhỏ cũng đủ để thấy tư duy giữa người giàu và người nghèo hoàn toàn khác nhau. Giàu có là cả một quá trình cố gắng và nỗ lực không ngừng, không dưng dễ gì đạt một thành tựu lớn khi bản thân không đầu tư gì. Giàu có chưa chắc đã hạnh phúc nhưng nghèo đói chắc chắn là khổ. Chỉ chăm chỉ thôi chưa đủ, phải còn biết tính toán, đặt mục tiêu cho tương lai. Đây là 5 thói quen của người giàu dễ thực hiện mà người nghèo chưa chắc đã biết:
1. Luôn cố gắng làm tốt hơn dù mục tiêu đã đạt được
Người giàu không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Đây là trở ngại lớn nhất khiến hầu hết mọi người không thể giàu hơn. Người bình thường đặt mục tiêu, đạt được chúng và sau đó ngồi lại và thư giãn.
Người giàu không bao giờ bỏ cuộc. Một khi họ đạt được mục tiêu của mình, họ đặt ra nhiều mục tiêu hơn. Họ tìm kiếm những mục tiêu tốt hơn cho chính họ. Họ thử thách bản thân để trở nên tốt hơn, để đạt đến cấp độ tiếp theo. Người giàu biết luôn có nhiều thứ để học, nhiều thứ để hoàn thành và từ đó kiếm được nhiều tiền hơn.
Bạn đã có chiến lược mà người giàu sử dụng để trở nên giàu có hơn. Hãy bắt đầu biến giấc mơ làm giàu của bạn thành hiện thực ngay từ ngày hôm nay.
2. Kết giao đúng người
Không phải ngẫu nhiên người ta nói rằng "Tài sản của bạn phản ánh mức độ giàu có của những người mà bạn quen biết". Andrew Carnegie, từ một kẻ tay không trở thành người giàu nhất nước Mỹ, đúc kết toàn bộ quá trình làm giàu của ông với một nguyên tắc: tìm kiếm những trí tuệ bậc thầy. Điều này có nghĩa là bạn hãy kết giao với những người tài năng có chung tầm nhìn với bạn vì nhiều bộ óc sáng tạo và thông thái luôn có sức mạnh hơn một người.
Hãy luôn luôn tạo vòng kết nối với những người tài giỏi xung quanh để cùng nhau phát triển, thậm chí kể cả đối thủ. Tất nhiên, bạn sẽ có lợi nhiều hơn nếu bạn cũng cố gắng giúp đỡ họ, thay vì chỉ nhận về mình.
3. Làm việc theo định hướng dài hạn
Bạn luôn mất rất nhiều thời gian để có thể hoàn thành mục tiêu dài hạn của mình. Nhưng mục tiêu dài hạn luôn là động lực tuyệt vời thúc đẩy bạn làm việc, giúp bạn có định hướng cho tương lai và định hình các hoạt động hiện tại.
Mọi việc làm hàng ngày của bạn đều có liên kết với mục tiêu dài hạn bạn đặt ra. Nếu không, hãy xem xét có nên bỏ thời gian cho chúng nữa hay không. Để tập trung thực hiện mục tiêu dài hạn, bạn cần có hạn chót cho mỗi công việc và viết ghi chú nhắc nhở ở mọi nơi.
4. Tập trung vào cơ hội chứ không phải khó khăn
Ngày xưa, có một người bán giày tha phương, cố gắng bán những đôi giày cho người bản xứ. Vấn đề duy nhất ở đây là chẳng ai ở đó đi giày, vì vậy việc bán hàng rất khó khăn. Không lâu sau, người bán giày bỏ cuộc và quyết định rời nơi đó.
Trên đường rời đi, ông gặp một người bán giày khác. "Đừng mất công vào thị trấn này làm gì. Những người dân ở đó thậm chí còn chẳng đi giày". Đôi mắt của người bán giày kia chợt sáng lên: "Không ai đi giày? Vậy là tôi có thể bán giày cho tất cả mọi người ở đó! Thật là may mắn khi tìm được một thị trường mới mẻ!"
Mấu chốt vấn đề chính là góc nhìn. Người nghèo thường nhìn thấy chướng ngại vật và nhanh chóng bỏ cuộc. Trong khi đó, người giàu nhìn ra cơ hội và dám thử những gì người khác không dám làm.
5. Luôn học hỏi và phát triển
Người thành công luôn học hỏi những điều mới mẻ để đảm bảo rằng họ theo kịp với những thay đổi của thế giới. Họ đọc báo và tin tức mỗi ngày để hiểu được tình hình thị trường và những thách thức mới có thể đến với doanh nghiệp của họ.
Cập nhật thông tin thường xuyên giúp người giàu linh hoạt và đưa ra các thay đổi cần thiết để phục vụ khách hàng tốt hơn. Nếu bạn cứ mãi trì trệ và không chịu tiến về phía trước, đối thủ của bạn sẽ vượt lên để chiếm lấy khách hàng và thị trường của bạn.
Người nghèo vẫn mãi nghèo cũng bởi do chính nhưng thói quen hằng ngày của họ. Tất nhiên, thay đổi một thói quen chẳng bao giờ là dễ nhưng cần phải nhận ra ảnh hưởng của thói quen tới kết quả cuộc sống của bản thân. Sở hữu 5 thói quen này tức là bạn đang liệt kê mình vào danh sách không bao giờ giàu có cả đời:
1. Bạn làm việc chăm chỉ, nhưng không làm việc thông minh
Chăm chỉ là một đức tính hết sức cần thiết để thành công, nhưng đó chưa phải là tất cả. Theo Ric Edelman - một chuyên gia tư vấn tài chính người Mỹ, thì làm việc chăm là không thể đủ để giúp bạn giàu có.
"Mấu chốt của vấn đề vẫn là làm việc chăm, nhưng cần phải sử dụng những đồng tiền kiếm ra một cách thông minh." - Edelman cho biết.
Theo ông, cách sử dụng đồng tiền thông minh nhất là để một khoản vào chứng khoán, hoặc các quỹ đầu tư. Nếu làm đúng cách, bạn sẽ thấy khối tài sản của mình tăng lên hết sức nhanh chóng, hoặc ít nhất cũng là một khoản tiền lãi cho những gì mà bạn đã kiếm ra.
"Với các quỹ đầu tư tài chính, bạn có thể kiếm ra tiền mà không phải chịu quá nhiều rủi ro, không cần quá nỗ lực và cũng không tốn quá nhiều thời gian."
2. Không bao giờ dám mạo hiểm
Nếu bạn muốn làm giàu, muốn đạt được thành công, bạn phải dần quen với việc mạo hiểm. Bạn không thể giàu nếu chấp nhận lối đi an toàn như bao người.
Người giàu học được rằng vượt qua nỗi sợ mạo hiểm và chấp nhận những rủi ro đã được tính toán chính là chìa khóa dẫn đến thành công.
3. Lãng phí thời gian
Mỗi người đều có 24 giờ mỗi ngày nhưng người giàu và người nghèo khác nhau như thế nào trong việc sử dụng thời gian của mình? Người giàu họ thường tận dụng thời gian của mình sinh ra tiền và có một phương pháp quản lý tài chính tốt. Trong khi những người nghèo họ thường tiêu tiền của mình theo cảm hứng, chiều theo mọi sở thích cá nhân vì vậy họ dễ rơi vào tình trạng túng quẫn, nợ nần chồng chất.
4. Hài lòng với một mức lương ổn định
Đa số mọi người đều chọn những công việc trả lương theo thời gian (theo ngày, giờ làm việc), trong khi người giàu chọn những công việc trả lương theo kết quả.
"Không phải người giàu không bao giờ làm việc nhận lương theo giờ, tuy nhiên theo phần lớn người giàu, đây là cách thăng tiến an toàn nhưng chậm chạp. Họ ưu tiên tự lập doanh nghiệp bởi đây là cách nhanh nhất để làm giàu".
Trong khi những người giàu nhất tiếp tục mở doanh nghiệp và tích lũy tài sản, đại đa số mọi người vẫn muốn có một công việc và mức lương ổn định, có tăng lương hàng năm.
5. Không có động lực trong cuộc sống
Đây là "cảnh báo" rõ rệt nhất trong dấu hiệu của những người nghèo. Không mục tiêu, không ước mơ, không định hướng. Bạn thèm muốn cuộc sống của người khác, đôi khi ước được như họ nhưng là ước được hưởng thụ, chứ không cố tìm hiểu vì sao mà họ giàu.
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét