22 thg 5, 2019

Chuyện tưởng như ngược đời nhưng đi đâu cũng gặp: Trước khi ra trường, chỉ cần được nhận thì việc gì cũng làm; đến khi đi làm, không có việc nào là không muốn từ bỏ

Dường như đây đã trở thành tâm lý chung của đại đa số người trưởng thành đang đi làm, những người đang không thể thoát ra "vũng lầy" sự nghiệp vì không đủ năng lực lựa chọn.

Một sinh viên năm cuối đang tìm kiếm cơ hội thực tập trong đơn vị doanh nghiệp nhưng vẫn chưa quyết định được vị trí công việc nào. Vì chưa từng đi làm thêm hay tiếp xúc nhiều với ngành nghề chuyên môn của mình, anh ta không ngại đi hỏi thăm tất cả những người trưởng thành mà mình quen biết để xin kinh nghiệm lựa chọn.

Điều buồn cười nhất là, bất kể anh ta hỏi ai, bất kể người đó làm ngành nghề gì, lương thưởng đãi ngộ ra sao, họ đều sẽ nói với anh ta rằng: Đừng có làm nghề này, đừng có chọn công ty giống tôi, cậu mà làm thì nhất định sẽ hối hận đấy, tôi đang chán phát điên và muốn nghỉ việc lắm rồi...

Có thể thấy rằng, cho dù người ngoài nhìn vào có thấy công việc tốt đến mấy, tương lai tươi sáng ra sao, thì người làm việc trong cuộc đều đã hoặc đang nghĩ đến việc từ chức. Dường như, trước khi ra trường, chúng ta đều có suy nghĩ rằng, chỉ cần được nhận thì việc gì cũng làm. Còn thực tế đến khi đi làm, không có việc nào là không muốn từ chức cả.

01. Đã là công việc thì chẳng có việc nào dễ dàng hơn việc nào
Tại sao ngành nghề nào, công việc nào cũng có người muốn từ chức? Đáp án kỳ thật cũng không khó đưa ra, đó là vì chẳng có công việc nào là dễ dàng. Cho dù bạn làm gì, khả năng ra sao, có yêu thích công việc hay không thì chắc chắn bạn vẫn sẽ có những khoảnh khắc bất bình, những tình huống áp lực từ mọi phía và những thời điểm chỉ muốn suy sụp hoàn toàn.

Chẳng hạn, có hai người bạn ngồi nói chuyện với nhau, một người nói: "Cậu làm giáo viên thích nhỉ, hàng năm đều tha hồ nghỉ hè tới mấy tháng liền."

Người bạn làm giáo viên cười khổ: "Tốt cái gì chứ, tôi đang muốn nghỉ việc lắm rồi đây. Làm giáo viên lương chính thức thì không cao, còn chẳng đủ chi phí sinh hoạt thường ngày, học sinh trong lớp tôi thì toàn mấy đứa đang độ tuổi nổi loạn, khó quản lý, lại còn suốt ngày bị phụ huynh gọi điện tới nửa tâm sự nửa trách móc...".

Than thở một hồi, người đó lại nói tiếp: "Thực ra tôi lại hâm mộ cậu đấy. Tự làm nhà văn sáng tác truyện, tự do viết bài, không ai kiểm soát, không ai quản lý hay cằn nhằn bên tai, thích làm gì thì làm."

Người bạn làm nhà văn cũng thở dài thườn thượt: "Chẳng có đâu cậu ơi. 7 giờ sáng mỗi ngày, biên tập bên nhà xuất bản lại đích thân gọi điện dựng mình dậy để bắt đầu sáng tác, có những ngày còn phải tăng ca viết xuyên đêm để đuổi kịp lịch xuất bản của họ nữa kìa, ăn uống ngủ nghỉ loạn hết cả lên, chán không tả nổi."

Nói xong, cả hai người bạn nhìn nhau bật cười, rồi cùng thở dài chán nản. Quả thực việc nào cũng có khó khăn của riêng nó.

Những đoạn đối thoại tương tự như vậy chắc chắn cũng từng diễn ra trong đủ loại ngành nghề, từ bác sĩ tới kỹ sư, từ nhân viên ngân hàng tới lập trình viên của công ty, bao gồm cả những ngành nghề được cho là "hot" nhất. 

Nhiều khi, đề nghị công việc càng hấp dẫn, lương tháng trả càng cao, bạn càng phải chịu nhiều áp lực công việc mà công ty giao phó: Những giờ làm thêm vô tận, chỉ tiêu KPI chưa hoàn thành, các cuộc đàm phán thất bại, đối mặt với sếp khó tính, đồng nghiệp soi mói, khách hàng vô lý, cấp dưới vô duyên, công việc buồn tẻ... 

Đúng là vô vàn lý do để chúng ta từ chức. Kiếm được đồng tiền từ ví của người khác thì chẳng bao giờ dễ dàng.

02. Muốn từ chức, nhưng chẳng đủ quyết tâm
Chúng ta có hàng ngàn lý do để từ chức, chúng ta cũng tự nhủ mình sẽ từ chức đến hàng ngàn lần. Nhưng số người thực sự nghỉ việc chắc chỉ bằng một phần trăm con số ấy. Mặc dù hoàn cảnh công việc của mỗi người đều khác nhau, đại đa số đều có chung tâm lý rằng: Chắc gì công việc sau đó đã tốt hơn bây giờ?

Một phần trăm dám rời đi để tìm được cơ hội mới, môi trường mới thường tự tin vào chính năng lực của mình. Họ nói đi là đi, dám nghĩ dám làm, vì họ biết giá trị của bản thân tới đâu. Nhưng đại đa số những người còn lại thì không làm được điều ấy. Họ lo sợ khả năng của mình không tương xứng với kỳ vọng đề ra, không thể cạnh tranh với người khác nếu đứng trước cơ hội tuyển dụng. Chính vì vậy, họ chỉ không ngừng phàn nàn về công việc hiện tại, nhưng lại chẳng bao giờ dám từ chức thực sự.

Vì thế, lý do để quyết tâm từ chức có thể xuất phát từ tiền, nhưng sức mạnh để một người thực sự nghỉ việc phải bắt nguồn từ năng lực. Năng lực càng lớn thì càng có nhiều sự lựa chọn và can đảm hơn.

Dù ở bất cứ cương vị nào, không ngừng tìm hiểu, học hỏi, đọc thêm nhiều sách và cải thiện bản thân để rèn luyện, nâng cao năng lực mới là điều quan trọng nhất. Đó là cách duy nhất để con đường sự nghiệp ngày càng phát triển hơn, chứ không chỉ dậm chân tại chỗ mãi được. Nếu không biết kiên trì và học cách tự điều chỉnh mình thì công việc tốt đến mấy cũng chẳng phù hợp với bạn.

Nguồn CafeF

0 comments:

Đăng nhận xét