Từ kinh nghiệm của mình, tôi mong bạn sớm tìm cho mình những cuốn sách có khả năng thay đổi cuộc đời. Tôi khuyên bạn hãy đặt việc đọc sách lên hàng đầu. Hãy đọc một cách ngấu nghiến và xem đó như là chất dinh dưỡng cho tâm hồn bạn.
1. Cách đọc sách của tuổi 20 sẽ quyết định cuộc đời về sau
Chúng ta thường được dạy rằng “Đọc sách nhiều từ khi còn trẻ là rất tốt”.
Đối với tôi, có thể nói rằng ba yếu tố đặc biệt đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi là: giao tiếp học hỏi người khác, đọc sách, và xem phim ảnh. Trong ba điều trên, “giao tiếp học hỏi người khác” có hiệu quả thấp nhất, bởi rất ít khi gặp được một người tuyệt vời trong số những người chưa quen biết.
Tôi đã thử nói chuyện với rất nhiều người, người nổi tiếng cũng có, người giàu cũng có, nhưng đa phần sau đó tôi đều cảm thấy thất vọng và tự hỏi: “Mình đang giao tiếp với những loại người gì thế này?”. Đa phần tôi không thể nể phục họ, nói chuyện cũng không hợp được. Theo thống kê của cá nhân của tôi, trong số những người nổi tiếng, sau khi gặp mặt thực tế thì hơn phân nửa đã làm tôi cảm thấy thất vọng.
So với việc đi bắt chuyện với người này người kia, việc tìm một cuốn sách thích hợp cho mình có vẻ dễ dàng hơn nhiều, cũng ít hao tốn thời gian và tiền bạc hơn. Đọc sách, cho đến tận hôm nay vẫn còn đem đến nhiều ảnh hưởng tốt đẹp cho cuộc đời tôi.
Từ kinh nghiệm của mình, tôi mong bạn sớm tìm cho mình những cuốn sách có khả năng thay đổi cuộc đời. Tôi khuyên bạn hãy đặt việc đọc sách lên hàng đầu. Hãy đọc một cách ngấu nghiến và xem đó như là chất dinh dưỡng cho tâm hồn bạn.
2. Đừng viện lí do không có thời gian đọc sách
Khi 20 tuổi, tôi hầu như đã đọc tất cả các thể loại sách. Nào là tiểu thuyết giả tưởng, huyền bí, kinh tế, phát triển bản thân, tôn giáo,... kiểu nào tôi cũng đọc. Khi đó có khi tôi bận rộn, có khi rảnh rỗi, nhưng khi đến tuổi 30, 40 tuổi rồi nhìn lại tôi mới thấy tuổi 20 là giai đoạn có nhiều thời gian rảnh rỗi nhất.
Sau này chúng ta còn phải chia sẻ thời gian cho con nhỏ, cho vợ chồng, chăm sóc bố mẹ già... còn ở tuổi 20, các bạn có thể dành thời gian hoàn toàn cho bản thân. Do đó có thể nói các bạn đang ở giai đoạn rảnh rỗi nhất.
Có bạn nghĩ rằng mình quá bận bịu để đọc sách, nhưng lại có thể dành nhiều giờ mỗi ngày để lướt web, xem truyền hình, chơi game... Theo tôi, như thế thật là lãng phí. Bạn hãy xem lại mình nên ưu tiên thời gian cho việc nào.
...
Nếu liệt kê cho đủ thì sách nhiều vô kể. Cuốn Phúc âm về sự giàu có của Carnegie với lối suy nghĩ rằng cuộc đời mình do chính mình tạo nên, đã giúp tôi giác ngộ ra được nhiều điều. Trước đó tôi cho rằng cuộc sống chỉ là một trò đùa của tạo nhận thấy mình có thể làm lại mọi thứ từ con số 0. Quyển sách này đã giúp tôi vượt qua giai đoạn bế tắc trong cuộc đời.
Nhờ đọc sách mà tôi có thể hoàn thiện quan điểm và cảm nhận của bản thân. Tôi hy vọng bạn cũng có thể tìm được những cuốn sách hay cho mình, để ngay từ những năm 20 tuổi đã có thể làm chủ cuộc sống.
3. Những gì bạn học được không hề vô ích
Khi đọc một cuốn sách hay nghe một câu chuyện, mỗi người lại có những cảm nhận khác nhau. Có người thấy hay, ứng dụng được vào cuộc sống; cũng có người thấy dở và vô ích. Không phải điều gì bạn đọc được đều hữu ích với bạn, nhưng tất cả những điều chúng ta đã từng gặp sẽ hình thành nên cách sống của chúng ta.
Nếu ví quyển sách như một chiếc máy radio, thì sóng vô tuyến của mỗi người sẽ hợp với một tần số riêng biệt nhất định, và chỉ thu lại những tần số ấy. Những cuốn sách ở tần số khác sẽ bị bỏ qua vì không đủ sức thu hút.
Nếu bạn đọc nhầm sách của “tần số” khác thì cũng không phải là điều xấu. Cho dù không hợp thì nó cũng giúp chúng ta biết được thêm nhiều hiện thực của cuộc sống. Vì vậy, tất cả những điều chúng ta đọc được, cho dù không đúng, cho dù tồi tệ, hoặc nếu may mắn đích thực gặp được sách tốt, thì nó đều là những trải nghiệm sống quý giá.
Vì bấy nhiêu trải nghiệm sống ấy chính là cuộc đời, mà cuộc đời thì những thứ “tốt” và “xấu” thường hay lẫn lộn vào nhau. Chúng không được gắn bảng hiệu ghi rõ “đây là điều tốt” hoặc “đây là điều xấu”. Cho nên bạn phải tự khám phá, mà có như thế thì mới thú vị, phải không nào?
Đương nhiên ai cũng muốn gặp toàn chuyện tốt. Nhưng hãy cứ trải nghiệm đi – trải nghiệm tốt hay xấu đều có ý nghĩa cả – đặc biệt với những người ở độ tuổi 20 này. Hãy thử tất cả, dù sau này có thể bạn nhận ra rằng điều đó không thật sự cần thiết, thì cũng không có gì phải ân hận.
Không chỉ riêng đối với sách, mà đối với công việc và con người cũng vậy. Thay vì bạn cứ ngồi suy nghĩ đắn đo xem nó có tốt cho bản thân hay không, thì hãy cứ đọc cuốn sách đó, làm công việc đó, tiếp xúc với người đó thử đi. Không có gì là vô ích cả.
4. Đừng phán xét đúng hay sai
Tôi có thói quen đọc sách từ khi còn rất bé. Cho đến năm 20 tuổi, tôi không nhớ được đã từng đọc qua bao nhiêu cuốn sách. Và cũng không biết từ bao giờ, tôi đã chuyển quan điểm của mình từ một người đọc sách thành quan điểm của một người viết sách. Tuy vậy, khi viết sách, tôi luôn cố gắng hết sức để không bao giờ áp đặt quan điểm phán xét. Trong sách của tôi không phán xét việc gì là đúng, việc nào là sai.
Vì sao như vậy? Tôi cho rằng cần phải để phần đó cho độc giả quyết định.
Đúng hay sai là do chính mỗi người quyết định, chứ không phải do người khác kết luận thay cho mình. Nói theo cách khác, bản thân sự vật không có đúng hay sai. Cùng là một sự vật, nếu 10 người nhìn ở 10 hướng thì chúng ta có được 10 sự thật khác nhau. Cũng đồng nghĩa là có 10 con đường dẫn đến hạnh phúc cho 10 người, không ai giống ai cả.
Tuổi 20 là tuổi thường hay thích chỉ trích người khác. Khi gặp ai đó khác với mình, nhiều bạn trong độ tuổi này hay buông lời phán: “Người này làm thế này là không được rồi!”. Thế nhưng, bạn hãy tập đứng trên quan điểm của đối phương để chậm rãi cảm nhận sự việc, xem thử thế nào.
Tương tự như thế, sách cũng cần cái nhìn cởi mở và không cực đoan. Cho dù bạn đọc sách nào, ý nghĩa của sách đều do hai yếu tố kết hợp với nhau mà thành: thứ nhất là nội dung sách viết những gì, thứ hai là bản thân người đọc cảm nhận ra sao. Tùy theo người đọc, mà cuốn sách sẽ gây ấn tượng tốt hay xấu, hoặc là không gây một ấn tượng nào cả.
Sách có đi vào ký ức hay không, có làm cho bạn phải thổn thức hay không, còn phụ thuộc vào cách sống của chính bạn, phụ thuộc vào ước mơ mà bạn đang theo đuổi.
* Trích từ cuốn sách Sống không hối tiếc: Tuổi 20 nhiệt huyết, tác giả Ken Honda
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét