Tại sao một số người rõ ràng làm việc chăm chỉ nhưng không có thành công, và một số người dường như chẳng nỗ lực nhưng kì thực lại thu được nhiều lợi ích? Trong công việc, đôi khi chăm chỉ thôi vẫn chưa đủ. Sự chăm chỉ của bạn được sử dụng đúng thì nó mới có giá trị. Năm câu chuyện ngụ ngôn sau đây là một ví dụ. Hiểu được ngụ ý thì công việc của bạn sẽ lên nhanh như diều gặp gió.
Bạn có xác định được mục tiêu cho mình?
Sau khi đi Tây Thiên lấy kinh, Bạch Long vì quá nhớ quê nhà nên đã lén lút hạ phàm, đi tìm những người bạn chí cốt của mình. Bạn bè lâu ngày gặp nhau, nói chuyện rất vui vẻ. Cơm rượu no say, lão Lừa đột nhiên bật khóc rồi nói: Các bạn bây giờ đều thành công hết rồi, tại sao tôi lúc nào cũng làm việc chăm chỉ và vất vả mà công việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Bạch Long thở dài và nói: Thực ra lúc tôi đi Tây Thiên lấy kinh, các bạn cũng không nhàn rỗi, thậm chí còn vất vả hơn tôi. Tuy nhiên, mục tiêu của tôi đặt ra rất rõ ràng, và tôi nỗ lực hết mình để đạt được thành công. Còn ông bạn Lừa à, bạn chỉ đang đi trong vòng tròn của riêng bạn, bận rộn mỗi ngày, bạn nói xem bước đi của tôi với bước đi của bạn có giống nhau không?
Ông bạn Lừa liền sững người hỏi lại: "Mục tiêu là gì?".
Siêng năng như ông bạn Lừa của Bạch Long, nhưng công việc vẫn giậm chân tại chỗ, mệt mỏi như vậy nhưng chỉ nhận lại sự chỉ trích. Đây chính là trải nghiệm và cảm nhận thực tế của nhiều người. Trước khi bạn làm bất kì việc gì cũng nên đặt ra mục tiêu rõ ràng, từng bước từng bước hoàn thành, như vậy bạn mới có thể định hướng được tương lai của mình.
Bạn có đang lười thử sức với công việc mới?
Sau khi Bạch Long rời đi, ông bạn Lừa kia lại trở về với cuộc sống hàng ngày. Cuối năm rồi, tất cả các con vật sẽ có một bữa tiệc, thư ký Chim Hoàng Yến nói với Lừa rằng: "Giọng của bạn cao đấy, hãy đến hát một bài nhé". Lừa nói: "Tôi không đi đâu, tôi hát không hay".
Chim Hoàng Yến lại nói: "Vậy bạn hãy đến thử làm MC nhé". Lừa lại trả lời: "Tôi không đi đâu, ngoại tình tôi không được tốt".
Chim Hoàng Yến hỏi lừa: "Vậy bạn làm gì?" Lừa nói: "Tôi chỉ kéo cối xay thôi".
"Vậy bạn đi làm công việc của bạn đi" - Chim Hoàng Yến nói.
Trong công việc, nếu biết càng nhiều càng tốt. Đừng bao giờ có suy nghĩ rằng chỉ cần làm tốt một việc là đủ, chỉ có sự tích lũy đơn giản về lượng, mà không có sự cải thiện về chất thì bạn sẽ không có cơ hội thăng tiến trong công việc.
Bạn chỉ làm mà không quan sát tình hình?
Lão Hổ xuống núi kiểm tra xem xét tình hình thì thấy các con vật khác đang chơi đùa, chỉ có riêng Lừa là đang làm việc xay kéo. Hổ hết lời ca ngợi rằng dưới mình có nhân viên siêng năng như vậy thật là một điều tốt cho vương quốc động vật.
Nhưng thư kí Chim Hoàng Yến nói với lão Hổ rằng: "Đúng là Lừa rất chăm chỉ, nhưng thử nhìn xem, không còn đồ gì nữa mà Lừa vấn miệt mài xay tiếp, đó không phải đã tạo nên hình tượng giả tạo hay sao?" Hổ thấy thế liền quay ra nhìn lại, quả nhiên là như vậy, liền liên tục lắc đầu thở dài.
Sự chăm chỉ cần cù của Lừa không có gì bàn cãi, nhưng kiểu chăm chỉ mà chỉ bỏ ra công sức nhưng không có phương pháp làm thì chỉ khiến người khác không tiện chỉ trích mà thở dài ngao ngán.
Chúng ta thường hoan nghênh quá trình và khen thưởng kết quả. Thay vì làm việc quá sức, tốt hơn hết là bình tĩnh lại và suy nghĩ về cách cải thiện hiệu quả và tăng hiệu suất làm việc.
Bạn có hiểu cách hợp tác?
Lừa tìm thấy một khóm cỏ trên tường, trông rất bắt mắt nhưng không với tới. Lúc này, nó phát hiện thấy có một cái thang ở góc vườn, Lừa định dịch chuyển cái thang thì phát hiện cần sự giúp đỡ của Cừu, nhưng Lừa lại sợ sau khi nhờ Cừu giúp đỡ sẽ phải chia cỏ cho cả Cừu nên Lừa bèn kêu vài tiếng rồi bỏ cuộc.
Lừa không ăn được cỏ không phải vì nó không có trí lực mà là nó chưa biết cách hợp tác để đạt được mục đích.
Một người cho dù có giỏi đến đâu cũng không thể làm tất cả mọi thứ. Bởi thời gian và năng lượng của một người đều có hạn, do đó, chúng ta cần phải làm việc cùng nhau hướng tới lợi ích chung, cùng nhau tạo ra nhiều giá trị hơn, thay vì giống như Lừa trong câu chuyện trên trì trệ, bảo thủ và không dám kết hợp với Cừu mà chỉ dám sống trong thế giới của riêng mình.
Chẳng hạn như bạn thích nấu ăn, nhưng bạn không biết chụp ảnh, vậy bạn có thể tìm những tài năng về nhiếp ảnh, cùng nhau hợp tác và triển khai các khóa học giảng dạy. Chúng ta cần học cách định hướng, hiểu rõ được đặc điểm nổi bật của bản thân để khiến nó trở nên có giá trị hơn.
Bạn có biết cách duy trì giá trị bản thân?
Trong cuộc họp cuối năm, Lừa không được đánh giá là nhân viên kiểu mẫu. Nó liền khiếu nại với thư kí Chim Hoàng Yến rằng: "Tại sao tôi làm việc chăm chỉ nhất, khổ cực nhất mà năm nào cũng không nhận được đánh giá cao?"
Chim Hoàng Yến vừa cười và nói: "Đúng vậy, bản lĩnh kéo cối xay của bạn không ai bằng nhưng chúng ta đã chuyển sang dùng máy móc để nghiền rồi."
Thời đại đang đi lên, công ty đang phát triển, nếu chỉ tự phong tỏa bản thân, không kịp thời cập nhật tiến bộ thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải.
Ngày nay, mọi người đều chăm chỉ làm việc mà quên chú ý đến sự thay đổi của thị trường. Chỉ cần bạn tỉ mỉ quan sát sự phát triển của thị trường, hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp, tìm ra được điểm thiếu hụt, học các kĩ năng mới, như vậy bạn không những khẳng định được giá trị bản thân mà còn khiến bản thân có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Tóm lại, bất cứ ai muốn thành công thì sự chăm chỉ đều quan trọng nhưng cùng với sự làm việc cần cù ấy cần phải xem xét kỹ vấn đề, bởi vì sự siêng năng của bạn chỉ khi bạn dùng đúng thì nó mới đem lại giá trị.
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét