Những tiền bối lớn tuổi luôn có nhiều kinh nghiệm sống và làm việc hơn. Tiếp xúc và học hỏi từ họ giúp tôi có những bài học đắt giá để đi nhanh, vững chắc hơn trong cuộc sống và sự nghiệp.
Tôi không bao giờ đi chơi với những người cùng lứa tuổi mà thường dành thời gian nhiều hơn với những tiền bối nhiều tuổi hơn từ khi tham gia một nhóm cộng đồng về game trực tuyến khi còn học trung học. Thành thật mà nói, không chỉ trao đổi về game mà tôi đã học được rất nhiều điều về cuộc sống từ những cuộc trò chuyện trên mạng này so với những gì được dạy ở trường học.
Như một thói quen, tôi tập gym, làm việc cũng những người có độ tuổi lớn hơn mình rất nhiều. Khi 26 tuổi, cuộc đời tôi có một bước nhảy vọt khi thành lập công ty đầu tiên của mình và làm việc độc quyền với một số lãnh đạo kinh doanh thành công nhất thế giới: CEO của các công ty Fortune 500, diễn giả đoạt giải thượng, tác giả sách bán chạy của New York Times, nhạc sĩ đoạt giải Grammy, các nhà đầu tư thành công ở thung lũng Silicon...
Tôi đã quen việc so sánh bảnh thân với những người lớn tuổi hơn, thành công hơn và đó là một cách giúp tôi phát triển bản thân một cách thần kỳ. Để có được điều đó, đây là 5 bài học cuộc sống từ những người tiền bối đã giúp tôi đạt được những thành tựu đáng để bản thân tự hào trước tuổi 30:
1. Kiến thức giá trị hơn tiền bạc. Kỹ năng giá trị hơn danh xưng.
Chúng ta luôn mong muốn sự thăng tiến, tăng lương hay những bước tiến chứng minh một cách rõ ràng sự tiến bộ của bản thân. Rất nhiều người than vãn rằng muốn nghỉ việc nhưng chỉ cần được đề nghị thăng chức thì sẽ vui vẻ ở lại. Và họ cảm thấy họ giá trị hay giá trị của họ được nâng cao.
Nhưng khi nhìn vào những người tài giỏi mà tôi may mắn được tiếp cận, tôi thấy rằng không ai trong số họ chấp nhận để người khác đánh giá mình qua các nấc thang này. Trên thực tế, nhiều người trong số họ bỏ qua hoàn toàn những cấp bậc này và tự xây cho mình một con đường mới để bước lên đỉnh cao. Và lý do khiến họ làm vậy là họ hiểu giá trị thực sự của “giá trị”.
Tiền bạc không phải là “giá trị”. Cái danh xưng CEO cũng không phải. Giá trị là ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dựa vào khả năng thực lực của bản thân, dù bỏ đi tiền bạc hay danh tiếng thì bạn vẫn là bạn!
Đối với những bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó, danh xưng luôn đi sau kỹ năng.
2. Nếu bạn muốn kiếm tiền nào đó, hãy xác định hướng đi cần thiết để đạt được điều đó.
Một trong những điều sâu sắc nhất tôi học được từ những cố vấn chính thức và không chính thức trong cuộc đời mình là: “Muốn kiếm được tiền trong cuộc sống này không khó. Tất cả những gì bạn cần làm là tìm ra ai sẽ sẵn sàng chi trả số tiền đó, để làm gì.
Hãy thử nói đến con số 100.000 USD. Nhiều người sẽ giữ con số đó trong đầu và tự hỏi bản thân “Đó là một số tiền lớn. Tôi không biết phải làm cách nào để kiếm được ngần đó”.
Nhưng nếu bạn nhìn ngược lại thì phương trình này đơn giản hơn rất nhiều. Các công ty công nghệ trả cho các nhà phát triển 100.000 USD. Vì vậy, nếu không quá phức tạp hóa vấn đề, bạn có thể nói rằng bằng cách học viết mã ở cấp độ một nhà phát triển phần mềm có kinh nghiệm, bạn hoàn toàn có thể kiếm được 100.000 USD.
Nhưng nếu con số đó là 250.000 USD thì sao? Ai là người sẵn sàng chi trả con số đó? Và để làm gì? Nếu tìm hiểu kỹ, bạn sẽ biết được, các công ty quảng cáo thường trả cho giám đốc bán hàng 250.000 USD/năm để mang về 5 hợp đồng lớn, với mỗi hợp đồng trị giá 5 triệu USD trở lên. Và thế là, nếu không quá phức tạp hóa vấn đề, bạn cũng có thể làm việc ở một công ty quảng cáo và kiếm một khoản 250.000 USD.
Áp dụng lời khuyên này vào cuộc sống, bạn sẽ thấy nó thực sự rất khôn ngoan. Số năm kinh nghiệm hay trường đại học danh tiếng không phải là yếu tố quyết định số tiền bạn có thể kiếm được. Thành thật mà nói, hầu hết những người có khả năng ra quyết định quan tâm đến những thứ bạn thực sự có thể làm được. Điều đó có nghĩa là nếu bạn thực sự muốn kiếm nhiều tiền hơn, bạn phải hiểu kỳ vọng của người quản lý và số tiền họ sẵn sàng chi trả cho vị trí đó.
3. Không phải mọi cơ hội đều thay đổi cuộc sống
Nhờ tính chất nghề nghiệp, tôi được tiếp xúc với nhiều người thành đạt giàu có. Và một xu hướng chung thấy được ở họ, chính là những quyết định đầu tư của họ đều dựa trên việc trả lời câu hỏi liệu vấn đề đó có thể thay đổi cuộc sống của họ hay không.
Lấy ví dụ nếu bạn đã có một căn biệt thự riêng, 4 chiếc xe thể thao và phi cơ riêng, nghỉ ngơi tại những khách sạn hạng sang thì điều gì có thể thay đổi cuộc sống của bạn nữa? 200.000 USD mỗi năm ư? Không, nó không thể khiến cuộc sống của bạn có bất cứ dịch chuyển nào. Kể cả thêm 2.000.000 USD đi chăng nữa thì nó cũng chỉ đồng nghĩa với một căn nhà lớn hơn, vài bữa tối xa hoa hơn và đầu tư thêm vào một vài công ty thú vị. Nhưng nó không cho bạn một dự án bất động sản hoành tráng hay có thể mua lại công ty đối thủ. Muốn thay đổi cuộc sống, bạn phải nhìn tới một cấp số nhân.
Đối với tôi hay bạn, 200.000 USD có thể thay đổi cuộc đời nhưng nó không là gì đối với rất nhiều người khác. Muốn thay đổi cuộc sống, bạn phải hướng đến một mục tiêu cao hơn và chỉ thực sự thành công nếu nó có thể đem đến một kịch bản sáng lạn cho tương lai.
4. Tận hưởng cuộc hành trình
Hồi 28 tuổi, tôi được dịp làm việc cùng một nhạc sĩ từng đoạt giải Grammy. Tôi thực sự rất thích nhạc của ông ấy, đã mua album và xem các buổi biểu diễn. Để công việc được suôn sẻ nhất, tôi được mời đến nhà nhạc sĩ đó, nơi có một phòng thu lớn với tất cả các loại nhạc cụ có trên đời.
Ấy vậy mà khi tôi hỏi về cảm nhận của ông khi sở hữu dàn thiết bị hỗ trợ sáng tác tuyệt vời này, ông lại nói rằng tất cả những thứ đó chỉ được "thổi phồng". Ông sẵn sàng thuê một căn hộ nhỏ giữa thành phố, sáng tác album tiếp theo với chỉ một chiếc laptop, bộ điều khiển midi và một cặp tai nghe.
Mãi cho đến khi trở về nhà vào cuối tuần, mở laptop ra và bắt đầu viết tôi mới nhận ra, một căn hộ lớn hay một chiếc bàn đẹp chẳng có nhiều liên quan đến quá trình sáng tạo.
5. Đạt đến đỉnh cao của một lĩnh vực nghĩa là bạn có thể tiếp xúc với đỉnh cao ở nhiều lĩnh vực khác
Đừng nghĩ rằng các lĩnh vực chúng ta đang làm không liên quan gì đến nhau. Ở một sự kiện ăn tối riêng tư nọ, tôi được may mắn ngồi cạnh một nhà thiết kế thời trang từng đoạt giải thưởng, một huyền thoại ở Thung lũng Silicon, một ông trùm bất động sản, một tỷ phú blockchain, và bảy người khác có tầm vóc tương tự.
Không phải tự nhiên mà một người bình thường được ngồi tại đó, bạn cũng buộc phải có một “thành tựu” nào đó đáng ghi nhận. Những buổi gặp mặt đó chính là cơ hội để bạn tiếp xúc với nhiều “đỉnh cao” khác, giúp bạn tạo ra những kết nối có ý nghĩa và giá trị.
*Chia sẻ của Nicolas Cole - nhà sáng lập Digital Press - công ty marketing chuyên làm việc với những người sáng lập, CO và doanh nhân thành đạt nhất thế giới. Anh thường xuyên đóng góp bài viết cho các tạp chí nổi tiếng như Times, Forbes, Fortune...
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét