5 thg 6, 2019

Trước 30 tuổi, tôi sống như đang rong chơi nhưng sau 30 tuổi, bắt đầu trở thành một cuộc chiến: Có còn thời gian để từ từ vấp váp nữa không?

Mỗi bước đường tuổi trẻ đều là cơ hội không thể thiếu để rèn luyện kỹ năng chiến đấu trước khi bước vào cuộc chiến sống còn của ngưỡng cửa 30 tuổi.

Tướng George S. Patton có một câu nói nổi tiếng: "I don't measure a man's success by how high he climbs but how high he bounces when he hits bottom" (Tạm dịch: Tôi không đánh giá thành công của một người bằng độ cao anh ta leo được mà bằng độ cao mà anh ta bật lên được khi bị rơi xuống điểm tận cùng.) Danh ngôn này đặc biệt chính xác khi áp dụng cho những người đã bước qua độ tuổi 30 tuổi.

Ngẫm lại, khi chúng ta còn trẻ, còn nhiệt huyết và rất nhiều năng lượng, cho dù có thất bại thì vẫn đủ sức, đủ thời gian để nhanh chóng thay đổi và bắt đầu lại. Chúng ta như đang rong chơi giữa cuộc sống, gặp khó khăn thì thản nhiên quay đầu. Tuy nhiên, một khi bước qua ngưỡng 30 tuổi, thanh xuân dần cạn kiệt, trách nhiệm ngày càng nặng lên, áp lực cũng theo đó mà gia tăng đáng kể. Chúng ta không thể muốn làm gì thì làm, muốn thay đổi là thay đổi. Lúc này, dù có nhầm đường có khi cũng phải tiếp tục gồng mình đi tiếp, dù có khó khăn cũng chẳng thể trốn tránh sau lưng.

Do đó, cuộc sống trở thành một cuộc chiến. Cách bạn đối mặt với nghịch cảnh và tìm ra bước giải quyết đột phá nhanh hay chậm sẽ quyết định trực tiếp đến việc bạn có thể đi bao xa và bao lâu.

Tiểu Trương năm nay đã hơn 30 tuổi, trong một lần ngã bệnh nằm viện, bạn bè tới thăm đã hỏi cô: "Ngày thường còn thấy chị khỏe khoắn chạy tới chạy lui suốt mà, sao giờ đã bệnh đến nỗi tái xanh thế này?"

Cô ấy chỉ cười rồi lắc đầu: "Chính vì ngày thường chạy tới chạy lui lắm quá chứ sao."

Tiểu Trương đang làm trong một công ty thiết kế đã được 5 năm từ ngày nhận bằng Thạc sĩ. Năm ngoái, công ty bước vào giai đoạn cắt giảm nhân viên, cô may mắn trụ lại nhưng số lượng công việc bị dồn nhiều hơn, trong khi tiền lương không những không tăng mà còn giảm xuống. Lúc đó, Tiểu Trương chỉ nhủ thầm, nhất định phải mạnh mẽ hơn, chứng minh năng lực cho cấp trên thấy để lấy được mức lương cao hơn.

Vì vậy, cô làm việc chăm chỉ cả ngày lẫn đêm, cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong khi bạn bè rủ nhau đi mua sắm cuối tuần, cô đang chiến đấu với nhiều dự án khác nhau. Trong khi ở nhà, chồng vào bếp nấu cơm rồi cho con ăn, cô vẫn đang nhốt mình trong phòng để làm báo cáo. Cứ liên tục thức đêm thức hôm để thiết kế thuyết trình như thế suốt 1 tuần thì cô ngã bệnh, ngay trước cuộc họp quan trọng, thế là mọi công sức cố gắng đều đổ sông đổ biển. Cấp trên cũng cực kỳ khó chịu.

Nhìn cô như vậy, một người bạn đã tới và nói thẳng rằng: "Làm việc kiểu đấy không phải mạnh mẽ đâu, mà ngược lại thì có. Nỗ lực phấn đấu là tốt nhưng phải biết làm đúng hướng đúng cách mới được. Thành công nào trong sự nghiệp cũng cần sự dẻo dai và sức chịu đựng chứ không phải cố sống cố chết trong nhất thời như cậu."

Đặc biệt là khi đi qua thời tuổi trẻ sung sức, điều kiện thể chất bắt đầu suy giảm, nếu chúng ta chỉ biết mù quáng và bướng bỉnh làm việc không có phương thức chính xác, nó chỉ phơi bày ra những điểm yếu mà thôi. Bản lĩnh của một người cũng nằm trong năng lực tự điều chỉnh tâm lý toàn diện và phản ứng tích cực khi đứng trước thời điểm khó khăn hoặc thất bại. Họ không dùng hành động mù quáng để che giấu sự thất vọng của mình, để rồi gây ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của bản thân. Họ không như chiếc búa cứng rắn mà sẽ trở thành chiếc dây chun dẻo dai, lúc thì mạnh mẽ, lúc thì đàn hồi, không ngừng biến hóa sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Đó mới là biểu hiện của người có năng lực phục hồi cao, biết cách thích nghi với mọi nghịch cảnh, dù có rơi xuống điểm tận cùng vẫn có ngày trèo lên trở lại.

Trong Đạo Đức Kinh có câu: "Phản giả đạo chi động, nhược giả đạo chi dụng", tạm dịch nghĩa là: Luật vận hành của Đạo là quay trở lại gốc, diệu dụng của đạo là khiêm nhu yếu mềm. Yếu mềm chưa chắc đã là nhu nhược, mà nó còn có thể là khởi nguồn để dồn sức mạnh mẽ hơn. Giống như quy luật khi đặt bút viết chữ U vậy, chúng ta bắt buộc phải đưa nét xuống, sau đó mới có cơ hội tung lên. Khi bạn thừa nhận mình "khiêm nhu" cũng là lúc bạn kiểm tra chính mình và phát triển bản thân, lấy lùi để tiến. Đây là nguyên tắc mà những người trẻ háo thắng thường khó lòng nhận ra, ngược lại, với những người đã qua 30 tuổi và có kinh nghiệm nhất định, sự từng trải sẽ giúp họ dễ dàng hiểu thấu ý nghĩa thực sự.

Hãy nhớ rằng, khi đã ở dưới cùng của thung lũng, tất cả các hướng đi đều là hướng lên trên. Sự trưởng thành của mỗi người phụ thuộc vào cách họ đối mặt với nghịch cảnh. Nếu không có nghịch cảnh để đối mặt cũng đồng nghĩa với việc bạn đánh mất cơ hội để rèn luyện kỹ năng chiến đấu trước khi bước vào cuộc chiến sống còn. Do đó, đừng coi nghịch cảnh là mồ chôn của cuộc đời mà đó lại chính là cái nôi của một sự nghiệp mới, nơi cho bạn kinh nghiệm, dũng khí và trí tuệ không thể mua nổi bằng tiền.

Nguồn CafeF

0 comments:

Đăng nhận xét