10 thg 7, 2019

Đừng vội phán xét nỗi đau, sai lầm của người khác bởi chúng cũng có thể là những gì bạn đang phải đối mặt

Bạn bè là tấm gương phản chiếu chính bản thân bạn, những gì bạn muốn nói với họ cũng là những điều bạn cần nghe.
Vài năm trước, tôi có tham gia một hội thảo về thiền tại New York. Và cũng chính tại đây, tôi gặp và nhanh chóng kết thân với một cô bạn. Thật kỳ lạ bởi dường như giữa hai chúng tôi đã hình thành mối liên kết mật thiết ngay từ lần đầu gặp mặt. Chúng tôi đi ăn tối cùng nhau mỗi khi có dịp, trao đổi về đời sống hàng ngày thông qua những đoạn chat không có điểm dừng... Tôi đã từng nghĩ đó là mối quan hệ chóng vánh tốt đẹp nhất mình có thể có được, nhưng dường như tôi đã nhầm.

Tình bạn của chúng tôi mờ nhạt nhanh như cách nó bắt đầu. Và mãi đến sau này tôi mới nhận ra nó không hề được xây dựng dựa trên tình cảm mà tồn tại nhờ vào chủ đích của cả tôi và cô ấy.

Trong quãng thời gian còn gắn bó, những mẩu chuyện của chúng tôi thường chỉ xoay quanh một chủ đề: chuyện tình cảm. Tôi từng không nhận ra điều này nhưng cô ấy thực sự giống như một tấm gương phản chiếu tình cảnh của tôi bấy giờ. Những lời khuyên tôi dành cho người bạn ấy cũng chính là những lời bản thân tôi muốn nghe.

Sự thật là vậy, đôi khi điều chúng ta tìm kiếm ở một mối quan hệ không phải là tình cảm mà là sự đồng điệu. Điều tương tự cũng xảy ra với tình bạn. Việc gặp gỡ và quen thân một ai đó không phải là chuyện tình cờ. Với trường hợp của tôi, nhu cầu tâm lý là thứ gắn kết tôi và cô bạn mới quen nhanh đến vậy. Tôi cố xem xét lại các mối quan hệ mình đã từng có và nhận ra những điểm trùng hợp đến đáng ngạc nhiên.

Chúng ta bị thu hút bởi những gì đồng điệu, quen thuộc
Nhà nghiên cứu tâm lý John Gottman cho rằng tìm được bạn tâm giao cũng giống như một ván bài số mệnh. Ông nhấn mạnh rằng người bạn lý tưởng thực ra cũng chỉ là một ai đó có quan điểm sống phù hợp với bạn.

Tuy nhiên, ẩn sâu trong tiềm thức của mỗi người, tiêu chuẩn của một mối quan hệ không chỉ đơn giản là sự ổn định về tài chính, vui tính hay có nét hấp dẫn tự nhiên. Thứ chúng ta thực sự muốn ở người bạn hay người yêu mình là sự tương đồng trong những tâm tư, suy nghĩ thầm kín nhất.

Ví dụ, những đứa trẻ lớn lên trong sự đổ vỡ tình cảm của cha mẹ thường có thái độ tiêu cực hơn về một cuộc hôn nhân lâu dài, hạnh phúc. Đó không phải bản chất của chúng, chỉ là sự chia ly đã ăn sâu vào tiềm thức của những đứa trẻ này. Nghĩ đến tình yêu, chúng có thể ngay lập tức liên tưởng tới sự xa cách hay ruồng bỏ - những yếu tố làm nên quan niệm về tình yêu của chúng.

Việc trở nên thân thiết với một số người nhất định không phải là tình cờ hay ngẫu nhiên. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta có nhiều điểm chung với những người thân cận nhiều hơn chúng ta nghĩ. Theo một cách nào đó, chúng ta luôn bị thu hút bởi những người đang gặp vấn đề tương tự như mình.

Khi tình bạn bị lung lay và bạn cảm thấy khó chịu với cách cư xử của đối phương - nhưng vẫn cố duy trì làm bạn với người đó – khả năng cao bạn cũng có hành vi cư xử tương tự. Bạn chỉ không nhận ra điều đó mà thôi.

Chúng ta không nhận thức được hành động của mình nhưng lại có thể nhìn thấy bản thân trong hành vi của người khác. Đó cũng là cơ sở để ta đánh giá, phán xét một ai đó. Quan điểm của ta về người khác là gốc rễ của sự yêu ghét, cảm xúc ganh ghét hay những thứ tương tự. Điều mà chúng ta thấy ghét nhất ở những người xung quanh đôi khi là tật xấu của bản thân mà chính chúng ta cũng không nhận thấy.

Chúng ta cảm nhận và bị thu hút bởi những người có vết thương lòng tương tự với bản thân. Điều này chẳng có gì lạ kỳ và sai trái. Tuy nhiên, vấn đề chỉ phát sinh khi chúng ta cứ cố hàn gắn vết thương của kẻ khác thay vì cứu chữa cho chính mình.

Đó là lý do rất nhiều người bị mắc kẹt trong những mối quan hệ độc hại. Họ không kết nối với những người có cùng sở thích hay có lợi ích chung cần chia sẻ. Trái lại, họ bị thu hút bởi những cá nhân có hành động xấu phản chiếu thứ được gọi là bản chất trong tiềm thức của họ. 

Thay vì nhận ra rằng cả hai người trong mối quan hệ đều cần thay đổi bản thân, họ đổ vấn đề lên đầu người khác rồi sau đó kiểm soát hành vi của đối phương để thực hiện những thay đổi mình mong muốn. Nhưng cố gắng thay đổi người khác không chữa lành nỗi đau của bạn. Nó sẽ chẳng bao giờ khiến bạn khá lên được.

Các mối quan hệ là người thầy cuộc sống vĩ đại nhất
Thế giới có hơn 7 tỷ người. Sẽ có hàng ngàn hàng vạn gương mặt tình cờ lướt qua bạn trên đường đời. Chúng ta vì thế có cơ hội kết bạn ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, vẫn có những người chọn chất lượng thay vì số lượng. Những người đó, không có nhiều mối quan hệ nhưng chúng giúp họ hạnh phúc và mạnh mẽ hơn rất nhiều so với một số người “quen cả thế giới”.

Không phải tự nhiên mà họ chọn cách sống đó.
Hẳn là ai cũng quen với quan điểm “các mối quan hệ là người thầy vĩ đại nhất mỗi cá nhân có thể có”. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng đó là sự thật. Các mối quan hệ, các trải nghiệm bạn có cùng chúng là cơ hội đáng quý giúp bạn nhìn nhận bản thân rõ ràng hơn, hiểu mình là ai, quan tâm yêu quý thứ gì và muốn thay đổi gì trong đời. 

Vì thế, đừng vội phán xét nỗi đau, sai lầm của người khác bởi chúng cũng có thể là những gì bạn đang phải đối mặt. Và, biết đâu đấy, những gì bạn muốn nói với họ cũng là những điều bạn cần nghe thì sao.

*Chia sẻ của Brianna Wiest, tác giả sách, blogger chuyên về chủ đề động lực để thay đổi cuộc sống.

Theo Nhịp sống kinh tế/Medium

0 comments:

Đăng nhận xét