Chắc hẳn không ít chị em cũng có thắc mắc tương tự, chỉ là chưa biết tỏ cùng ai.
Tuổi băm khác xa tuổi hăm, nó nhẹ nhàng gõ cửa và thì thầm vào tai bạn: "Giờ đời người mới thực sự bắt đầu."
Có thật không vậy? Tôi 30, bạn bè cũng 30, nhưng họ có vẻ "đi hơi nhanh" với cả tá thành quả: Người thành sếp, người vừa đổi xế hộp lần 2 trong năm, có người đã đặt gót đến 1/3 số đất nước trên Trái đất này rồi.
Chị em có công nhận rằng, cuộc sống quyến rũ của bè bạn, đã không ít lần khiến ta tự vấn. Người nào bi quan còn lấy chuyện đó ra tự dằn vặt - nếu đời người có 60 năm, tôi đi được một nửa rồi sao? Tôi đang ở đâu? Có phải tôi đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội?
Tin tốt là, trong khi cuộc sống của những người xung quanh luôn có vẻ thú vị hơn của bạn, thì không phải cái gì trên mạng xã hội cũng là thật đâu . Hơn nữa, cái gọi là "thành công trong cuộc sống" không đến từ đám cưới tiền tỷ, đã sinh bao nhiêu con, tậu bao nhiêu nhà... Dù có để ý hay không, có lẽ chị em vẫn mải nhìn lên mà chưa nhìn xuống, ta có nhiều hơn mình tưởng.
Một cách nhìn khác về mức độ thành công của bản thân
Trong từ điển tiếng Anh hoặc tiếng Việt, "thành công" được định nghĩa là: "Đạt được kết quả, mục đích như dự định."
Bản thân từ "thành công" không nhất thiết phải đi với kết quả tích cực. Vì sao? Mưu đồ xấu xa ám hại người khác cũng có thể thành công đấy thôi? Còn về mặt con người và xã hội, chỉ có một cách để đạt được thành công - thông qua sự trưởng thành.
Và trưởng thành cũng có nhiều cách, từ thuận buồm xuôi gió đến đau đớn cùng cực.
Trong một bài viết được coi là "kim chỉ nam" cho những kẻ dở hơi quá hăm chưa băm, nhà văn Anthony Moore nói rằng: "Muốn thành công thì phải đánh đổi, bạn phải sẵn sàng trở thành đứa trẻ một lần nữa, để học hỏi và phát triển trên những con đường mới. Bạn phải luôn sẵn sàng để trở thành con cá nhỏ trong cái ao lớn thêm nhiều lần nữa."
Vì thế, để đo lường sự thành công, trước tiên bạn phải biết mình đã sẵn sàng phát triển đến mức nào; có bao nhiêu lối tư tưởng, suy nghĩ không còn phù hợp mà bạn sẵn sàng từ bỏ. Càng có tâm thế học hỏi, càng có khả năng đạt được những điều cao hơn, có khi vượt qua cả những thứ mà bạn coi đó là thành công.
Những người thành công có lối suy nghĩ như thế nào?
Một cách quan trọng để hướng đến thành công là, có được cách tư duy để tập trung vào bức tranh lớn hơn. Theo Business Insider, trong khi hầu hết con người chỉ ngồi một chỗ và hy vọng, những người thành công lại suy nghĩ như thế này:
1. Yêu thương và tin tưởng những gì mình thực hiện
Điểm chung của những người thành công, là yêu bản thân và chính những gì họ làm. Công việc với họ đôi khi cũng khó khăn và áp lực, nhưng một khi họ vui lòng thực hiện vì họ tin tưởng điều đó - đam mê sẽ thúc đẩy họ tiến bộ. Và đương nhiên, không tránh khỏi những vấp ngã.
2. Có kế hoạch nhưng không "cóng" trước những thay đổi bất ngờ
"Theo đuổi đam mê" không có nghĩa là bất chấp rủi ro và hậu quả một cách mù quáng, ngay cả những người được coi là thiên tài lập dị, vẫn cố gắng học hỏi qua thất bại để hạn chế nó. Ngoài ra, họ cởi mở với những thứ bên ngoài kế hoạch của bản thân, để tìm cơ hội hoặc tăng tốc nhanh hơn.
3. Cầu toàn nhưng chấp nhận việc bản thân không hoàn hảo
Thất bại là điều rất đau đớn, đặc biệt là khi chị em dồn toàn bộ tâm sức cho thứ mà mình thực hiện. Sự cầu toàn của những người thành công, là mong muốn hoàn thiện bản thân nhưng họ không tuyệt vọng trước thất bại, không có gì là lãng phí khi mọi sai lầm đều để lại một hay nhiều bài học.
4. Không nhất thiết phải bắt chước đám đông
Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng điều này lại đúng với thực tế. Những con người thành công, thành công vì họ dám thay đổi hiện trạng và tạo ra chuẩn mực mới. Họ nỗ lực bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình để tạo ra sự khác biệt.
5. Mục tiêu ban đầu của những con người thành công, không phải là "làm giàu"
Những tấm gương thành công nổi tiếng thế giới, đều xuất thân với 1 điểm chung: Mục tiêu ban đầu của họ không phải là tiền.
Hãy trông Jeff Bezos, ông chủ của đế chế Amazon, từng khởi nghiệp với mong muốn nhiều người Mỹ sẽ được đọc sách rồi tạo ra nền tảng thương mại điện tử lớn nhất nhì thế giới.
Họ tập trung vào bức tranh lớn hơn, vào sự thay đổi tích cực cho tập thể chứ không riêng gì cá nhân. Nhân viên nỗ lực đóng góp cho công ty, nâng cao hiệu quả công việc - đương nhiên sẽ được thăng chức, tăng lương. Ai đem đến những thay đổi tích cực, tạo ra giá trị cho đời, tiền cũng tự nhiên tìm đến với họ.
Nguồn Tham khảo B.I
0 comments:
Đăng nhận xét