9 thg 7, 2019

Lên lộ trình tắt 2G, 3G: “Ai” sẽ được gọi tên?

Một trong những nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông trong 6 tháng cuối năm 2019 là sẽ phải tuyên bố về lộ trình tắt sóng 2G hoặc 3G. Liệu mạng di động nào sẽ được "gọi tên"?

3G đến sau, "về" trước?
Xét về "độ tuổi", mạng di động công nghệ 3G "trẻ" hơn rất nhiều so với 2G bởi sau 16 năm khi mạng di động 2G có mặt trên thị trường (năm 1993, mạng di động 2G đầu tiên chính thức được khai trương của nhà mạng MobiFone) thì mạng 3G mới xuất hiện (cuối năm 2009). Tuy vậy, mạng 3G có nhiều khả năng sẽ phải chấm dứt hành trình của mình sớm hơn mạng 2G tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ở thời điểm hiện tại Việt Nam mới đề cập đến việc tắt sóng 2G hay 3G là muộn bởi các nước trên thế giới đã công bố việc tắt 2G hay 3G cách đây từ 10 năm, trong đó các nước châu Âu thì còn sớm hơn.

Lộ trình tắt sóng 2G hoặc 3G tại Việt Nam tất nhiên không phải tức thì hay năm nhất năm hai sau khi chính thức tuyên bố lộ trình tắt sóng mà thời điểm áp dụng có thể là 2025 hay 2027 hoặc muộn hơn. Tuy nhiên, việc tuyên bố tắt sóng để doanh nghiệp viễn thông có kế hoạch và người dùng cũng có thời gian để chuẩn bị.

Sở dĩ phải có kế hoạch "tắt sóng" vì tần số là giới hạn trong khi các công nghệ mới lại liên tục phát triển, do đó việc "tắt sóng" là để có tần số để phát triển các công nghệ mới. "Các nhà mạng hiện có tới 3 công nghệ, và tới đây có 5G nữa là 4 công nghệ (2G, 3G, 4G và 5G), 4 BTS (trạm phát sóng), 4 lần đầu tư, trong khi thực chất chỉ có mỗi một nguồn tiền đi vào thì làm sao mà doanh nghiệp sống được", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết cuối năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2018, khi đề cập đến nội dung tắt 2G hay 3G.

Thực tế, mạng 2G đơn thuần là gọi, 3G là lưỡng tính gồm cả gọi và data, còn 4G chủ yếu là data. Theo đại diện nhiều nhà mạng, về data thì mạng 4G chạy (tốc độ) tốt hơn 3G rất nhiều nên có thể thay thế rất tốt cho 3G. Hiện nhiều nước trên thế giới cũng xác định dùng 4G để thay cho 3G và do vậy đã tính toán tắt 3G chứ không phải 2G.

Ông Lê Văn Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Tần số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, số lượng thuê bao 2G và 3G thời gian qua đang suy giảm, tuy nhiên qua theo dõi của Cục Tần số ở từng chu kỳ, cụ thể từ tháng tháng 7/2017 đến tháng 12/2018 trong khi 2G chỉ suy giảm 5% thì 3G giảm tới 8,6%.

Thống kê này cũng tương đồng với kết quả thực tế của các nhà mạng khi cho biết số thuê bao 2G có giảm nhưng giảm chậm hơn nhiều so với 3G do thuê bao 3G chuyển lên 4G để được sử dụng dịch vụ với tốc độ (data) nhanh hơn và rẻ hơn, cũng như đáp ứng được nhiều nhu cầu trải nghiệm mới của người dùng.

Thuê bao 3G "thất thế", 2G vẫn chủ đạo
Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6/2019, Việt Nam có 134,5 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó tổng số thuê bao di động băng rộng (3G, 4G) đạt hơn 51,1 triệu thuê bao. Điều này có nghĩa số thuê bao 2G vẫn còn tới hơn 83 triệu, bằng hơn 1,6 lần so với tổng thuê bao 3G và 4G.

Theo các nhà mạng, đặc biệt là các mạng di động lớn, đến thời điểm hiện tại, trong cơ cấu tổng doanh thu từ dịch vụ viễn thông di động, thì thu từ data (3G và 4G) chỉ chiếm từ trên 25 - 30%, còn lại khoảng 70% là của 2G. Chính vì thế 2G vẫn được xem là "nồi cơm chính" của nhà mạng. Do đó, đặt vấn đề tắt sóng 2G cho 5-7 năm tới, theo đại diện một nhà mạng lớn là khó khả thi khi mà mỗi nhà mạng (lớn) đều có từ hàng chục đến vài chục triệu thuê bao 2G.

"Việc tắt 2G hay không là nhu cầu kinh doanh tự nhiên giữa nhà mạng và người tiêu dùng, và việc tắt 2G hay 3G là hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Bản thân nhà mạng cũng chưa hề nghĩ đến việc tắt 2G", vị này nói với VnEconomy.

Khác với vị trí "chủ đạo" của thuê 2G, trong tổng số 51,1 triệu thuê bao data (gồm cả 3G và 4G) trên, số lượng và vị trí của thuê bao 3G ngày càng suy giảm mạnh. Chưa có số liệu cụ thể về thuê 3G và 4G từ cơ quan quản lý nhưng theo một số nhà mạng, hiện một số lượng không nhỏ thuê bao dùng 3G đã, đang thực hiện chuyển đổi lên 4G, ngoài ra thuê bao mới bắt đầu sử dụng data hiện nay cũng đều lựa chọn 4G thay vì 3G. Do vậy, thuê bao 4G đang ngày một tăng lên, ngược lại, thuê bao 3G vẫn đang tiếp tục giảm.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), xu hướng hiện nay là tắt 3G chứ không phải 2G. Vì hiện nay lượng khách hàng 2G vẫn rất lớn, sóng 900 (tần số) cho 2G với lợi thế đi khắp nơi, đáp ứng tối thiểu cho nhu cầu kết nối. Trong khi đó 3G thì có thể thay thế bởi 4G.

"3G chưa được 10 tuổi (tại Việt Nam - PV) nhưng mọi người đã bắt đầu bàn đến chuyện bỏ và chắc chắn tương lai phải bỏ. Bản thân VNPT khi 4G được cung cấp ra thị trường cũng đã không còn đầu tư, không mở rộng mạng 3G nữa mà chỉ tối ưu lại để sử dụng", ông Trần Mạnh Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phụ trách chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, dù mới cung cấp dịch vụ 4G được một hai năm nhưng tốc độ phát triển thuê bao 4G của MobiFone khá nhanh, gấp nhiều lần so với cùng thời trước đây khi triển khai 3G. Hiện thuê bao 4G của MobiFone mới chỉ chiếm trên 30% trong tổng thuê bao đang sử dụng dữ liệu, tuy nhiên số lượng thuê bao 4G của nhà mạng được dự báo cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong khi đó với thuê bao 2G, theo ông Nguyên, hiện nay 30% thiết bị đầu cuối vẫn là 2G và chủ yếu nằm ở các vùng nông thôn. Do vậy, ở thời điểm hiện tại khì khó có thể nói đến việc tắt 2G, vì chỉ có thể tắt 2G khi thị trường còn số lượng thuê bao rất ít và doanh nghiệp có thể hỗ trợ (về smartphone) được người dùng 2G này để chuyển lên 3G hoặc 4G.

Nguồn VNECONOMY

0 comments:

Đăng nhận xét